Hà Nội thu hút du khách bằng sản phẩm du lịch đêm

GD&TĐ - Lễ ra mắt sản phẩm du lịch đêm Hà Nội được tổ chức từ ngày 24- 26/11/2023, là sự kiện thuộc chuỗi hoạt động trong sự kiện “Thành phố sáng tạo”.

Tour đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”
Tour đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”

Sở Du lịch Hà Nội vừa chủ trì và phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm tổ chức lễ ra mắt sản phẩm du lịch đêm Hà Nội. Sự kiện đã giới thiệu Không gian trải nghiệm nghệ thuật chiếu sáng “Đêm Hà Nội - Điểm chạm của những xúc cảm” và công bố Quyết định công nhận khu du lịch cấp thành phố đối với Khu vực hồ Hoàn Kiếm – phụ cận và khu phố cổ Hà Nội.

Đêm Hà Nội chào đón du khách

Lễ ra mắt sản phẩm du lịch đêm Hà Nội được tổ chức từ ngày 24/11 đến ngày 26/11/2023, là sự kiện thuộc chuỗi hoạt động định hướng phát triển sản phẩm du lịch đêm trên địa bàn thành phố, trong tháng diễn ra các sự kiện “Thành phố sáng tạo” nhằm phát huy lợi thế các dịch vụ ban đêm để phát triển sản phẩm du lịch đêm Hà Nội đa dạng, đặc sắc, góp phần gia tăng trải nghiệm cho khách du lịch.

Theo đó, khu du lịch khu vực hồ Hoàn Kiếm - phụ cận và khu phố cổ Hà Nội có hệ thống tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa có giá trị đặc sắc, hấp dẫn.

Hồ Hoàn Kiếm nằm trong lòng Thủ đô với ba biểu tượng nổi tiếng là Tháp Rùa, Đài Nghiên và Tháp Bút đã trở thành biểu tượng cho nền văn hóa lâu đời của đất nước. Nơi đây không chỉ là một dấu ấn tiêu biểu của lịch sử lâu đời và văn hóa Thủ đô, mà còn là nơi diễn ra các hoạt động sôi nổi, đặc sắc về đêm, thu hút lượng khách du lịch đông đảo trên cả nước.

Theo bà Đặng Hương Giang- Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, mong muốn của Sở Du lịch khi tổ chức lễ ra mắt sản phẩm du lịch đêm Hà Nội, nhằm phát huy lợi thế các dịch vụ ban đêm trên địa bàn quận Hoàn Kiếm nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung để phát triển sản phẩm du lịch đêm đa dạng, đặc sắc, mang lại cho người dân Thủ đô và du khách những không gian văn hóa sáng tạo, những sản phẩm du lịch có chất lượng và giá trị gia tăng cao, đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội chung của Thành phố.

Sẽ có 15 sản phẩm du lịch đêm trong số nhiều sản phẩm hiện đang được khai thác được lựa chọn để giới thiệu tới du khách, gồm những sản phẩm hiện được đầu tư làm mới về nội dung, hình thức thể hiện và có những sản phẩm được xây dựng mới, lần đầu được giới thiệu.

Cụ thể, vào 20h tối các ngày từ 24 đến 26/11, tại 22 Hàng Buồm, du khách sẽ được thưởng lãm trình diễn nghệ thuật ánh sáng và âm nhạc dân gian đương đại với chủ đề “Cuộc đối thoại giữa ánh sáng và không gian kiến trúc”.

Họa tiết của 13 di sản vật thể và phi vật thể đặc trưng cho các giá trị văn hóa, lịch sử nổi bật của Thủ đô, như: Cầu Long Biên, Ô Quan Chưởng, chùa Một Cột, Tháp Bút, tranh Hàng Trống, nón lá làng Chuông, Tứ Trấn, Khuê Văn Các, Hoàng thành Thăng Long sẽ là điểm nhấn nổi bật của sự kiện, mang đến cho du khách cơ hội khám phá vẻ đẹp và sự phong phú của đêm Hà Nội qua lăng kính nghệ thuật, văn hóa ngay trong lòng một di sản.

Cũng vào các buổi tối 24 đến 26/11 tới, khu vực Ô Quan Chưởng sẽ diễn ra hoạt động trình diễn visual nghệ thuật 3D mapping hình ảnh các sản phẩm du lịch đêm và các điểm di sản văn hóa, lịch sử của Thủ đô Hà Nội. Màn trình diễn 3D mapping sẽ mang đến cho du khách một trải nghiệm mới, ấn tượng từ sự kết hợp giữa công nghệ và không gian Ô Quan Chưởng trong đêm.

Các hoạt động trong sự kiện lễ ra mắt các sản phẩm du lịch đêm bao gồm Workshop nghệ thuật vẽ tranh Hàng Trống, làm mây tre đan, làm tranh Trúc chỉ với sự hướng dẫn, chia sẻ của nghệ nhân; trình diễn các tiết mục nghệ thuật ca trù, chèo, hát chầu văn, hát xẩm, hát tuồng, trình diễn hòa tấu nhạc cụ dân tộc từ 8 giờ 30 đến 15 giờ ngày 24/11 và đến 22 giờ ngày 25 đến 26/11.

Tại lễ khai mạc, Sở Du lịch Hà Nội đã công bố Quyết định công nhận khu du lịch cấp thành phố đối với Khu vực hồ Hoàn Kiếm - phụ cận và khu phố cổ Hà Nội và phát động Cuộc thi ảnh du lịch “Thủ đô Hà Nội chào đón bạn-Welcome Ha Noi City” với chủ đề “Đêm Hà Nội chào đón bạn” nhằm tìm kiếm những tác phẩm tiêu biểu, có giá trị truyền thông về hình ảnh đất nước, con người Hà Nội phục vụ công tác xúc tiến, quảng bá thúc đẩy phát triển du lịch Thủ đô.

Kích hoạt các không gian văn hóa

Hà Nội hiện đang khai thác 04 không gian phố đi bộ bao gồm: Không gian đi bộ Hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, Khu phố cổ Hà Nội; “Không gian biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực đường phố quận Tây Hồ” được tổ chức tại khu vực phố Trịnh Công Sơn, tuyến phố đi bộ xung quanh hào Thành cổ Sơn Tây với nhiều hoạt động biểu diễn nghệ thuật, vui chơi giải trí, và tái hiện nét sinh hoạt của người dân địa phương đã góp phần thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham gia và trải nghiệm.

Bên cạnh đó, các điểm tham quan di tích - lịch sử khác trên địa bàn thành phố cũng bước đầu xây dựng các sản phẩm du lịch ban đêm phục vụ nhu cầu đa dạng của khách du lịch, cụ thể như: Di tích Nhà tù Hỏa Lò với sản phẩm “Đêm thiêng liêng – sáng ngời tinh thần Việt”, “Sống như những đóa hoa” (hoạt động từ 19h00 đến 22h00); Khu di sản Hoàng thành Thăng Long với “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”…

Du khách nước ngoài thích khám phá Hà Nội bằng xích lô.
Du khách nước ngoài thích khám phá Hà Nội bằng xích lô.

Những sản phẩm du lịch mới về di sản của Hà Nội đang được du khách trong và ngoài nước yêu thích gồm tour Đêm thiêng liêng tại Nhà tù Hỏa Lò, tour đêm Giải mã Hoàng thành Thăng Long, đi bộ ngắm kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia văn hóa, hiện các sản phẩm du lịch tham gia vào lĩnh vực kinh tế đêm còn nhiều hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới như dịch vụ còn nghèo nàn, chủ yếu là dịch vụ ăn uống, mua sắm, chưa có sản phẩm đặc sắc, các dịch vụ vui chơi giải trí còn thiếu…, các sản phẩm du lịch đêm chưa hoàn chỉnh.

Tuy chưa được thúc đẩy phát triển bằng một cơ chế, chính sách rõ ràng nhưng từ lâu nay khu vực “kinh tế ban đêm” đã hiện diện, trở thành một phần không thể thiếu của sự phát triển kinh tế, xã hội, mang lại những giá trị lớn, thúc đẩy đời sống kinh tế, xã hội; góp một phần vào thu hút ngoại tệ. Các hoạt động “kinh tế ban đêm” đơn thuần bao gồm: Ẩm thực, nghệ thuật, âm nhạc, các chương trình giải trí, lễ hội, sự kiện, cho tới các điểm du lịch chỉ mở cửa buổi tối… thu hút rất đông giới trẻ và du khách tham gia.

Theo định hướng của thành phố, phát triển kinh tế ban đêm được đầu tư tại các khu vực, địa bàn có tiềm năng lớn về phát triển dịch vụ, thương mại, du lịch, không phát triển tràn lan nhằm tránh gây ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư và khó khăn trong công tác bảo đảm an ninh trật tự.

Các không gian nhằm phục vụ phát triển kinh tế đô thị, kinh tế đêm đang hình thành và rõ dần sắc vóc, được lựa chọn thời gian để thí điểm vào các ngày cuối tuần, tạo điểm nhấn cho các quận/thị xã như: Tuyến phố đi bộ khu vực cổng Công viên Thống Nhất và hồ Thiền Quang (quận Hai Bà Trưng); xây dựng phố Văn Miếu và phố Quốc Tử Giám thành phố đi bộ cuối tuần, trở thành không gian văn hóa, với nhiều hoạt động văn hóa, lịch sử liên quan đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám (quận Đống Đa); tuyến phố đi bộ tại Khu đô thị Nam đường Vành đai 3 - Bitexco (quận Hoàng Mai); không gian đi bộ xung quanh Thành cổ Sơn Tây (thị xã Sơn Tây); “Khu phố Ẩm thực đêm kết hợp đi bộ Đảo Ngọc Ngũ Xã” (phường Trúc Bạch, quận Ba Đình); “khu phố kinh doanh dịch vụ-đi bộ khu vực hồ Ngọc Khánh" (phường Ngọc Khánh,quận Ba Đình).

Sở Du lịch Hà Nội đang tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp du lịch, điểm đến đổi mới, cơ cấu lại các sản phẩm du lịch sáng tạo, thu hút khách du lịch nội địa như: Sản phẩm tour du lịch trải nghiệm đêm “Đêm thiêng liêng” tại di tích Nhà tù Hỏa Lò, sản phẩm du lịch trải nghiệm dân gian, khám phá di sản bằng các giác quan tại Bảo tàng Dân tộc học; sản phẩm tour du lịch “Khám phá kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội”... Cùng với đó là Quy hoạch không gian xây dựng cho hoạt động về đêm (khu vực chợ đêm, khu vực trưng bày sản phẩm làng nghề truyền thống Hà Nội, tổ chức phiên chợ quà tặng lưu niệm thủ công mỹ nghệ Thủ đô...).

Sở cũng đã xây dựng để TP ban hành quy định cụ thể về thời gian hoạt động, địa bàn, các mặt hàng được phép kinh doanh và cơ chế xử lý để cơ quan chức năng, chính quyền các cấp quản lý. Các đơn vị chức năng thường xuyên phối hợp tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành nhằm đảm bảo an ninh trật tự đối với các cơ sở kinh doanh về ban đêm.

Hà Nội phấn đấu số lượng khách du lịch năm 2024 đạt khoảng 25,5 triệu lượt khách, tăng 13,3% so với ước năm 2023, trong đó gồm: 4,5 triệu lượt khách quốc tế và 21 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 94,41 nghìn tỷ đồng.

Danh sách 15 sản phẩm du lịch đêm của Hà Nội

1.Show diễn thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ”, huyện Quốc Oai.

2.Tour thăm quan Hỏa Lò về đêm với 3 chủ đề khác nhau

3.Không gian đi bộ, bao gồm: Không gian đi bộ khu phố cổ Hà Nội; Không gian đi bộ khu vực Hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; Không gian văn hóa Phố đi bộ Trịnh Công Sơn, quận Tây Hồ; Phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây, thị xã Sơn Tây; Khu phố ẩm thực kết hợp đi bộ Đảo Ngọc - Ngũ Xã, quận Ba Đình; Không gian phố đi bộ Trần Nhân Tông và khu vực phụ cận, quận Hai Bà Trưng (giai đoạn 1).

4.Rối nước Thăng Long, Hàng Trống.

5.Tour đêm “Giải mã Hoàng thành” tại Khu di tích Hoàng thành Thăng long

6.Tour đêm “Chữ Tâm chữ Tài” tại Bảo tàng Văn học Việt Nam

7.Tour ẩm thực Tống Duy Tân – Tạ Hiện – Chợ đêm Đồng Xuân

8.Bus 2 tầng City Tour vào buổi đêm.

9.Tuyến xe điện Đồng Xuân

10.Xích lô.

11.Lễ hạ cờ 9h tối tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

12. Phố Sách Hà Nội

13.Chương trình nghệ thuật Huyền thoại tuổi Thanh xuân – Sống một đời đáng sống tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam

14.Tour xe đạp: Đêm Thăng Long – Hà Nội

15.Tour đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám: Tinh hoa Đạo học

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ