Tạm đình chỉ gần 1.000 cơ sở
Ngày 17/11, thông tin từ Công an TP Hà Nội cho biết hiện có tổng số cơ sở thuộc diện quản lý PCCC là 132.178 cơ sở (tăng 3.568 cơ sở so với thời điểm 15/10/2022).
Sau 1 tháng triển khai thực hiện tổng rà soát, kiểm tra an toàn về (PCCC&CNCH) trên địa bàn Hà Nội theo chỉ đạo của Bộ Công an, đã kiểm tra 65.887 cơ sở (đạt 50% chỉ tiêu toàn đợt).
Được biết, trong đợt kiểm tra này, Công an TP Hà Nội đã phát hiện, ban hành 3.522 quyết định xử phạt trên 4.431 hành vi vi phạm. Tổng số tiền phạt là hơn 28,8 tỷ đồng.
Công an Hà Nội cũng đã tham mưu chính quyền các cấp ban hành 18.520 văn bản kiến nghị, tạm đình chỉ hoạt động 643 cơ sở, đình chỉ hoạt động 339 cơ sở...
Ông Lê Hồng Sơn - Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Hà Nội ghi nhận, đánh giá cao ngành công an trong công tác tham mưu cho thành phố để chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện đợt tổng rà soát, kiểm tra PCCC&CNCH.
Theo ông Sơn, với sự ra quân đồng loạt của các lực lượng và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong 1 tháng triển khai thực hiện, các đơn vị đã đạt được những kết quả nhất định, cơ bản các mục tiêu, chỉ tiêu đã đạt tiến độ đề ra.
Với kết quả kiểm tra đã đạt hơn 50% tổng số cơ sở. Điều đó cho thấy sự cả hệ thống chính trị đã và đang thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công an.
Công an TP Hà Nội kiểm tra PCCC tại cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke. |
Giám sát chặt cơ sở tạm đình chỉ
UBND TP Hà Nội yêu cầu UBND các cấp và lực lượng công an cần tiếp tục quán triệt triển khai quyết liệt, thực hiện nghiêm túc Kế hoạch số 513 của Bộ Công an và Văn bản số 3447 ngày 17/10/2022 của UBND Thành phố về tổng rà soát, kiểm tra an toàn về PCCC và CNCH.
Trong đó, tổ chức giám sát chặt chẽ việc chấp hành các quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động của các cơ sở không đảm bảo các điều kiện an toàn về PCCC và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, mất an toàn về PCCC.
Bên cạnh đó, lãnh đạo UBND quận, huyện, thị xã phụ trách công tác PCCC phải thường xuyên theo dõi, chỉ đạo việc thực hiện chỉ tiêu hằng ngày của UBND cấp xã, phường, thị trấn.
Lãnh đạo UBND quận, huyện, thị xã cũng tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm đối với Chủ tịch UBND cấp xã, phường, thị trấn chậm triển khai, không tổ chức kiểm tra hoặc không có biện pháp xử lý vi phạm đối với các cơ sở còn tồn tại, vi phạm về PCCC trên địa bàn quản lý.
“Kết thúc đợt tổng kiểm tra, Chủ tịch UBND cấp quận, huyện, thị xã phải cam kết bằng văn bản với UBND thành phố về số lượng, danh sách cơ sở, khu dân cư trên địa bàn quản lý. Công an quận, huyện, thị xã, Chủ tịch UBND cấp xã và tương đương phải ký cam kết về số lượng, danh sách cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý Nhà nước về PCCC...”, ông Lê Hồng Sơn thông tin.
Đại tá Dương Đức Hải - Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội đã quán triệt, giao nhiệm vụ đến các đơn vị nghiệp vụ… tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp về rà soát, kiểm tra an toàn về PCCC và CNCH.
Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị thực hiện đúng theo chỉ đạo của Bộ Công an, theo tinh thần “cuốn chiếu”, rà soát đến đâu kiểm tra, xử lý và báo cáo kết quả đến đó.
Khi phát hiện cơ sở mới phải lập danh sách, bổ sung ngay chỉ tiêu vào tuần kế tiếp để triển khai thực hiện. Các đơn vị thuộc Công an TP Hà Nội phải xử lý nghiêm đối với 100% hành vi vi phạm về PCCC.
Cùng với đó, công an tăng cường công tác tuyên truyền trong đợt tổng rà soát, kiểm tra để tạo sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, các đơn vị thuộc Công an TP Hà Nội chấp hành nghiêm chế độ thông tin báo cáo và chịu trách nhiệm trước lãnh đạo Công an Hà Nội về tiến độ, tính chính xác của các số liệu cung cấp.
Trước đó (ngày 11/10) Bộ Công an đã triển khai Kế hoạch số 513/KH-BCA-C07 và hướng dẫn thực hiện tổng rà soát, kiểm tra an toàn PCCC&CNCH trên phạm vi toàn quốc.
Theo kế hoạch, từ ngày 15/10 đến 15/12/2022, Bộ Công an, công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức kiểm tra các cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC theo quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 136/2020 (ngày 24/11/2020) của Chính phủ.
Nội dung kiểm tra tập trung vào trách nhiệm về PCCC&CNCH của người đứng đầu cơ quan, tổ chức; điều kiện an toàn PCCC&CNCH đối với cơ sở (hồ sơ theo dõi, quản lý về PCCC&CNCH). Kiểm tra việc duy trì các yêu cầu về đường giao thông dành cho xe chữa cháy, khoảng cách an toàn PCCC và nguồn nước chữa cháy.
Kiểm tra mặt bằng, công năng sử dụng, giải pháp ngăn cháy lan, giải pháp thoát nạn, trang bị và duy trì hoạt động của hệ thống, thiết bị PCCC&CNCH, các hệ thống kỹ thuật khác có liên quan...
Đối với loại hình cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, lực lượng công an sẽ tập trung kiểm tra về đường, lối thoát nạn, chống tụ khói, ngăn cháy lan, nhất là việc sử dụng vật liệu trang trí nội thất, cách âm bảo đảm tính chịu lửa theo quy định, trang bị hệ thống chữa cháy, báo cháy tự động…