Hà Nội: Người dân xôn xao về tin tăng giá nước

Hà Nội: Người dân xôn xao về tin tăng giá nước

Theo phương án điều chỉnh giá tiêu thụ nước sạch trên địa bàn Hà Nội, tới đây mức tăng ít nhất là 700 đ/m3; cao nhất là 4.500 đ/m3. Sau khi áp dụng giá mới, giá nước sạch được bán tối thiểu 4.000 đ/m3; tối đa 12.000 đ/m3. Theo phương án này, giá nước sinh hoạt sẽ được áp theo các mức khác nhau: 16m3 nước đầu tiên sẽ có giá mới là 4.000 đ/m3 thay cho mức giá hiện nay là 2.800 đ/m3; từ 16 m3 - 20 m3 sẽ phải trả 4.700 đ/m3 thay cho mức 3.500 đ/m 3 như hiện nay.

Người dân hoang mang

Anh Nguyễn Xuân Vụ (Cầu Giấy, Hà Nội) không giấu nổi vẻ lo lắng: “Nếu giá nước tăng lên đến 60% so với trước, chúng tôi chưa biết sẽ tính như thế nào. Những hộ làm nghề rửa xe như gia đình tôi sẽ khó khăn. Chắc sẽ phải tăng giá rửa xe, không thì chỉ có đi bù lỗ...”.

Nhà anh Vụ có cửa hàng rửa ô tô-xe máy, mỗi tháng, đã tốn hơn 200 m3 nước. Nếu tính giá luỹ tiến như trong đề án, thì những hộ kinh doanh như gia đình chị Dung sẽ phải chịu mức giá rất cao. “So với những cửa hàng rửa xe khác, chúng tôi đã lãi ít hơn rất nhiều, do phải dùng nước máy chứ không khoan được giếng. Nước tăng giá, lãi càng ít. Nếu mình tăng quá đà, khách sẽ bỏ hết sang các cửa hàng khác. Vì chuyện này mà từ mấy ngày nay, gia đình tôi cứ thấp thỏm không yên”.

Hứng nước mưa sẽ không tốn tiền (ảnh: vnn)
Hứng nước mưa sẽ không tốn tiền (ảnh: vnn)

Với các hộ kinh doanh hàng ăn, dự kíến tăng giá nước cũng khiến các chủ hàng quan tâm. Bà Nguyễn Thị Hà - người bán phở trên đường Xuân Thuỷ (Cầu Giấy, Hà Nội) than thở: “Nước có tăng, tôi cũng khó lòng tăng giá bán. Cô tính, một bát phở tôi bán 10.000 đồng, nay nước tăng giá, tôi cũng không thể tăng lên 11.000 – 12.000 đồng, như thế lẻ, rất khó bán. Mà tăng 15 nghìn đồng thì đắt quá, người ta sẽ chuyển sang những đồ ăn khác rẻ hơn. Chắc đành phải tiết kiệm nước rửa, mới mong không bị lỗ”.

Thông tin tăng giá nước sinh hoạt chưa được UBND thành phố thông qua, nhưng nỗi lo đã thường trực đối với những hộ kinh doanh nhỏ lẻ. Việc có nên hay không tăng giá các mặt hàng kinh doanh, đang được đưa ra tính toán, nhằm đảm bảo sẽ không bị lỗ.

Giá nước tăng không chỉ gây áp lực đến những người kinh doanh mà tác động khá lớn đến đời sống của những người có thu hập thấp như những người làm thuê, công nhân, sinh viên… khi họ phải chịu mức giá nước sinh hoạt ngang giá với các hộ kinh doanh.

Mấy tháng nay, không chỉ giá xăng, giá gas, giá thực phẩm ngày một leo thang, khiến cho đời sống của gia đình anh Duy Đông (thuê trọ tại Từ Liêm, Hà Nội) ngày càng chật vật. Khi biết thông tin giá nước có thể sẽ tăng trong thời gian tới, anh Đông không giấu nổi vẻ ngạc nhiên: “lại tăng giá hả? cái gì cũng tăng thì chúng tôi chết! Mỗi tháng chủ nhà trọ tính tôi 7.000 đồng/m3 nước. Gia đình tôi mỗi tháng tiết kiệm cũng hết 20m3. Kiếm được đồng tiền thì nào có dễ, vậy mà trăm thứ phải chi tiêu”.

Cũng trong phương án tăng giá nước, Phó Giám đốc sở LĐ-TB&XH Hà Nội Nguyễn Thị Xuân Phương cho biết, sinh viên và những người lao động ngoại tỉnh sẽ không phải chịu mức gia “cắt cổ” do chủ trọ đề ra. Quy định này nêu rõ, cứ một hộ có 4 người ở trọ sẽ được tính chung là một hộ, tính giá nước theo giá quy định hiện hành. Tuy nhiên, ai sẽ là người giám sát phương án này, và liệu phương án này có thành hiện thực?

Khi phương án tăng giá nước chưa được thông qua, nhưng một số sinh viên trọ học cho biết, khu trọ của họ đã tăng giá nước.

Nguyễn Nguyệt Anh, sinh viên Đại học Ngoại Ngữ (trọ tại Xuân Thuỷ, Cầu Giấy, Hà Nội) bức xúc: “em vừa được thông báo là nước trong khu trọ sẽ từ 7.000 đồng/m3, lên 10.000 đồng/m3 trong tháng tới. Theo như giải thích của chủ nhà, thì có nói rằng giá nước ở Hà Nội trước sau gì cũng sẽ tăng. Quy định hỗ trợ cho sinh viên thì em không rõ, nhưng cái dễ nhận thấy nhất ở đây là giá nước cũng rục rịch tăng rồi. Nơi tăng nhiều, tăng ít, chỉ khổ sinh viên như tụi em...”.

Đề án tăng giá nước đang được xem xét, nhưng người dân, nhất là những người có thu nhập thấp đang thấp thỏm lo lắng. Với họ, việc đồng thời tăng giá nhiều mặt hàng thiết yếu, trong cùng một thời điểm, sẽ là gánh nặng lớn. Trong suy nghĩ của họ, ai cũng phải tính đến chuyện làm thêm những công việc mưu sinh khác, kiếm thêm chút tiền phụ vào thu nhập vốn đã quá ít ỏi, eo hẹp.

Chất lượng có tăng theo giá?

Những người có thu nhập khá lại quan tâm đến vấn đề chất lượng nguồn nước. Liệu giá tăng, có đồng nghĩa với chất lượng nước và dịch vụ sẽ tốt? Trên thực tế, việc chi trả thêm vài chục nghìn tiền nước hàng tháng không phải là vấn đề quá khó khăn với những người này, nhưng điều quan trọng là chất lượng nước được cung ứng cũng phải tương đương giá bán.

Nhiều người dân ở khu vực Giáp Bát cho biết, trong nguồn nước sinh hoạt hàng ngày, nhiều khi còn xuất hiện những con bọ gậy. “Cũng chỉ lác đác một vài con, tuy nhiên, tôi cứ nhìn thấy là hãi, nấu ăn mà cảm thấy không an toàn, nên toàn phải mua nước về dùng. Đắt một tí, nhưng an tâm! Ăn miếng cơm cũng cảm thấy ngon miệng hơn!”. Chị Nguyễn Thị Hải (Giáp Bát, Hoàng Mai, Hà Nội) nói.

Hà Nội: Người dân xôn xao về tin tăng giá nước ảnh 2
Gia đình chị Hải vẫn phải mua nước dùng cho dù có nước máy

Cách đây mấy tháng, người dân trong khu vực Cầu Giấy đều khó chịu với nước máy nặng mùi clo. Bác Nguyễn Huy Am (khu tập thể BV 19/8) cho hay: “khi lấy nước đun, tôi đã thấy có mùi lạ, như chất tẩy rửa. Đem pha trà, luộc rau, mùi vẫn nồng nặc. Tưởng mỗi nhà mình thế, tôi đem chậu thau, xoong nồi ra cọ rửa, vì tưởng đồ dùng bẩn. Sau mới được biết, cả khu nhà nào cũng thế. Nay, gia đình tôi phải mua một bình lọc nước về dùng. Mình già rồi dùng cái gì cũng không sao, nhưng mấy đứa cháu, tôi lo cho sức khỏe của chúng lắm!”.

Gia đình bà Nguyễn Thị Lan (đường Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội) từ mấy tháng nay phải sống chung với tình trạng nguồn nước có màu vàng đục, mọi sinh hoạt trong gia đình có nhu cầu dùng đến nước sạch đều bị ngừng trệ. Mấy ngày gần đây, tuy không còn thấy nước có màu, nhưng bà Lan lại tá hoả khi nghe thông tin khu vực nhà máy nước ở Hạ Đình bị nhiễm amoni (chất có khả năng gây ung thư).

Hà Nội: Người dân xôn xao về tin tăng giá nước ảnh 3
Nước mãy đạt tiêu chuẩn phải uống được ngay không cần đun, nấu

Theo như số liệu được cung cấp, tỉ lệ nhiễm độc của nhà máy nước Hạ Đình từ 15 -20mg/l. Thông tin này được công bố trong thời gian gần đây, khi tiến sĩ Trần Văn Nhị cùng các cộng sự của ông(Viện Khoa học & Công nghệ) kiểm nghiệm nguồn nước tại các khu vực trên. Tiến sĩ Trần Văn Nhị cho hay: “chúng tôi đã lấy mẫu nước từ các vòi nước ở một số nhà máy nước như Pháp Vân, Hạ Đình, Phương Liệt, Tương Mai. Nhưng kết quả phản ứng đều cho thấy rất rõ những lớp cặn màu vàng đọng lại dưới đáy khi nhỏ dung dịch thử phản ứng hoá học. Nguồn nước được coi là đảm bảo nhất cũng nhiễm amoni, nặng nhất là khu vực nhà máy nước Pháp Vân”. Để cải biến thực trạng trên, tiến sĩ Trần Văn Nhị có khuyến cáo các nhà máy nước cần được đầu tư gấp hệ thống xử lí amoni để làm giảm hàm lượng chất độc này xuống mức cho phép là thấp hơn 1,5 mg/l.

Những thông tin đó khiến người dân, nhất là tại các khu vực nguồn nước bị ô nhiễm băn khoăn: liệu nước tăng giá có thật sự đảm bảo được chất lượng nước cho người tiêu dùng?

Như vậy, xung quanh việc có nên tăng giá nước hay không còn rất nhiều điều đáng nói. UBND thành phố Hà Nội cần nghiên cứu xem xét kỹ các phương án sao cho người dân không bị ảnh hưởng quá lớn trong cuộc sống. Bên cạnh đó, nếu có tăng giá thì công ty nước cũng cần phải cam kết về chất lượng nước đến tận mỗi hộ gia đình.

Quang Anh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

HLV Kim Sang Sik chính thức nhận lời dẫn dắt tuyển Việt Nam.

AFC đưa tin về HLV Kim Sang Sik

GD&TĐ - Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) mới đây đã đăng tải bài viết đưa tin về việc VFF bổ nhiệm ông Kim Sang Sik làm HLV trưởng các đội tuyển Việt Nam.