Thưa đồng chí Bí thư Thành ủy, đồng chí thấy điều gì ấn tượng nhất trong tình hình phát triển kinh tế-xã hội của TP. Hà Nội năm 2020?
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ: Năm 2020 là một năm đầy biến cố, thử thách nhưng Hà Nội đã cùng cả nước bước qua với nhiều kết quả tích cực. Việt Nam được đánh giá là một điểm sáng của khu vực trong phòng, chống đại dịch COVID-19. Việt Nam cũng có kết quả phát triển năm 2020 thuộc nhóm quốc gia đạt mức tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới.
Có được kết quả này, tôi cho rằng có sự chỉ đạo kịp thời của Trung ương, Chính phủ, của chính quyền các địa phương và nhất là sự nhất trí, hưởng ứng rất cao của Nhân dân trong thực hiện “nhiệm vụ kép”, vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế.
Nếu nói về ấn tượng trong tình hình phát triển kinh tế-xã hội của TP. Hà Nội năm 2020, theo tôi, Hà Nội đã có kết quả ấn tượng trên nhiều lĩnh vực.
Với sự quyết tâm, nỗ lực, kết quả kiểm soát dịch bệnh COVID-19 đã góp phần giúp Thành phố tổ chức thành công Đại hội Đảng tại hơn 17.000 chi bộ, hơn 2.300 tổ chức cơ sở đảng và 50 đảng bộ cấp trên cơ sở. Tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ Thành phố thành công, tạo nhiều dấu ấn tốt đẹp. Văn kiện Đại hội XVII của Đảng bộ TP. Hà Nội không chỉ đề ra mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm phát triển Thành phố trong 5 năm tới mà còn định hướng tới năm 2030 và tầm nhìn tới năm 2045.
Trong phát triển kinh tế-xã hội, Hà Nội chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực khi dịch vụ, thương mại, du lịch bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là các quận khu vực nội thành. Nhưng bằng tinh thần “góp gió thành bão”, “ngoại thành chi viện cho nội thành”, trên nguyên tắc bảo đảm kiểm soát COVID-19, tăng trưởng của Hà Nội năm 2020 tăng 3,98%, cao gấp khoảng 1,4 lần bình quân cả nước. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô được giữ vững.
Nếu tính cả số thu ngân sách trên địa bàn do Cục Thuế Thành phố quản lý, tổng thu ngân sách trên địa bàn Thành phố đạt hơn 340.000 tỷ đồng. Đặc biệt, nguồn thu nội địa bền vững trong bối cảnh đại dịch COVID-19, chiếm 93% thu ngân sách. Thành phố đã giảm, giãn, hoãn thuế, phí, tiền thuê đất cho các doanh nghiệp hơn 26.000 tỷ đồng, chiếm 30,9% tổng số tiền hỗ trợ của cả nước. Kịp thời hỗ trợ bằng tiền 604 tỷ đồng cho người có công và các đối tượng khó khăn khác do dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 42 của Chính phủ và Quyết định số 15 của Thủ tướng Chính phủ; tích cực ủng hộ nhân dân miền Trung khắc phục hậu quả mưa lũ với tổng số tiền và hàng hóa trị giá hơn 124 tỷ đồng; huy động Quỹ Vì biển đảo 44 tỷ đồng, Quỹ vì người nghèo các cấp được hơn 83 tỷ đồng.
Dư luận nhân dân vui mừng và đánh giá cao khi năm 2020, Thành phố đã xử lý dứt điểm vụ xử lý sai phạm trật tự xây dựng ở chung cư số 8B Lê Trực, quận Ba Đình, bảo đảm các yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ; phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành liên quan thúc đẩy tiến độ, đưa đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông vận hành thử nghiệm vào cuối năm 2020...
Nhiều dự án, công trình lớn ở Thành phố cũng hoàn thành, giải quyết được nhiều điểm ùn tắc hơn hai chục năm nay, cải thiện bộ mặt đô thị như cầu vượt Nguyễn Văn Huyên - Hoàng Quốc Việt, cầu thấp Linh Đàm nối với vành đai 3 trên cao, đường trên cao đoạn Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở, đường vành đai 3 đoạn Mai Dịch - Cầu Thăng Long và khai trương nút xoay vành đai 3 nối với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Tại Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ TP. Hà Nội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có ý nói rằng: “Hà Nội cũng chưa khi nào có được quy mô, vị thế, tầm vóc và cơ hội phát triển như bây giờ”. Hà Nội sẽ tận dụng cơ hội ra sao để tạo động lực phát triển Thành phố, nhất là trong năm 2021?
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ: Trước đây, Hà Nội có địa giới hành chính khiêm tốn nhưng đến nay, sau 12 năm thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sáp nhập, điều chỉnh địa giới hành chính, đã mở ra một không gian rất lớn cho Hà Nội phát triển. Hà Nội chiếm 1% diện tích đất đai và 8,5% dân số của cả nước. Tức là Thủ đô vừa có không gian, vừa có dư địa phát triển rất thuận lợi.
Sau tổng điều tra dân số tháng 4/2019, dân số Hà Nội là 8,3 triệu người và trung bình mỗi năm tăng khoảng 160.000 người, bằng dân số bình quân của một huyện. Nếu tính cả số người tạm trú, người lao động sinh sống trên địa bàn và các tổ chức quốc tế thì Hà Nội có hơn 11 triệu người, cơ cấu dân số trẻ, nhiều nhu cầu để phát triển.
Hà Nội cũng là địa phương có tiềm lực khoa học công nghệ rất lớn với 82% trường đại học và 80% số phòng nghiên cứu khoa học trọng điểm của cả nước nằm trên địa bàn. Cả nước có 5 khu công nghiệp công nghệ cao thì 2 khu ở Hà Nội. Ngoài ra, 65% đội ngũ trí thức và nhà khoa học trong cả nước (gồm các giáo sư, tiến sĩ) quy tụ ở Hà Nội. Riêng Đảng bộ các trường Đại học và Cao đẳng trực thuộc Thành uỷ có đến 1.300 Giáo sư, Phó Giáo sư, 3.200 tiến sĩ và tiến sĩ khoa học, chưa kể Đại học Quốc gia Hà Nội có gần 500 Giáo sư, Phó Giáo sư và 1.372 Tiến sĩ.
Hà Nội trở thành thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo của thế giới và với vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế, Hà Nội có nhiều tiềm năng, khả năng để nâng cao vị thế hơn nữa, sánh ngang với nhiều Thủ đô, Trung tâm sáng tạo khác của thế giới và khu vực.
Tuy nhiên, Hà Nội là Thủ đô, là đô thị đặc biệt nhưng tỷ lệ đô thị hoá còn khá khiêm tốn, mới chỉ gần 50%. Đây vừa là thực trạng của Thành phố, nhưng mặt khác cho thấy dư địa phát triển kinh tế đô thị trong thời gian tới còn rất lớn. Biết tận dụng thời cơ và có cách làm khoa học, bài bản, Hà Nội sẽ có bứt phá mạnh mẽ về kinh tế.
Tôi cho rằng nhận định của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng là dựa trên cơ sở thực tế này của Hà Nội.
Để tận dụng tốt cơ hội phát triển, năm 2021, Thường trực Thành ủy sẽ đăng ký, trình Bộ Chính trị 3 việc. Một là, trình Bộ Chính trị, Chính phủ xem xét, điều chỉnh quy hoạch phát triển Hà Nội đến 2030, tầm nhìn đến 2050, để tạo khuôn khổ phát triển cho Thành phố, phù hợp Luật Quy hoạch mới. Hai là, tổng kết 10 năm thực hiện Luật Thủ đô để trình Quốc hội, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung luật này. Ba là, tổng kết, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020, để ban hành nghị quyết mới làm hành lang pháp lý cho chiến lược phát triển tới đây.
Với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”, cộng với những lợi thế về mặt tự nhiên, địa lý, địa chính trị, sự quan tâm của Trung ương và thành tựu trong 35 năm đổi mới, Hà Nội có tâm thế và hội tụ đủ các điều kiện để phát triển rất mạnh trong thời gian tới.
Văn kiện Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII có nêu, Thành phố sẽ nỗ lực cạnh tranh với các thành phố trong khu vực và thế giới. Vậy ưu tiên của Thành phố để đạt được mục tiêu này là gì, thưa đồng chí?
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ: Để thực hiện chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và những năm tiếp theo, Hà Nội sẽ tận dụng tốt nhất thời cơ để phát triển. Chúng tôi đặt ra các mục tiêu tổng quát cho Thủ đô từng giai đoạn, đến năm 2025, Hà Nội là Thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực. Đến năm 2030 Hà Nội trở thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế; hoàn thành công nghiệp hóa Thủ đô và đến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; là Thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế.
Chủ trì họp khẩn BCĐ phòng chống COVID-19 Hà Nội chiều tối 29/1, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Ngay từ hội nghị đầu năm, Thành phố đã đặt ra mục tiêu tổng quát là thực hiện mục tiêu “kép” trong tình hình mới. Trong đó có việc ưu tiên thời gian, công sức và nguồn lực cho việc phòng chống COVID-19 bên cạnh việc lấy lại đà tăng trưởng về kinh tế.
Trước diễn biến mới phức tạp của dịch bệnh, tinh thần chúng ta luôn chủ động, không hoang mang lo lắng. Chúng ta phải quyết tâm một lần nữa chiến thắng dịch bệnh này để bảo vệ bình yên cho Thủ đô.
Hà Nội không chỉ là trái tim, mà còn là bộ mặt của cả nước. Trong thời gian tới Thành uỷ sẽ ban hành Nghị quyết về phát triển ngành công nghiệp văn hóa, xác định yếu tố phát triển văn hóa, con người chính là nguồn lực nội sinh quan trọng và đột phá để phát triển bền vững Thủ đô.
Phát triển kinh tế của Hà Nội cũng phải dựa trên nền tảng về văn hóa. Vì thế, Hà Nội sẽ chú trọng phát triển ngành công nghiệp văn hóa tập trung vào các lĩnh vực như: Quảng cáo; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; điện ảnh; xuất bản; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; báo chí-truyền thông; du lịch...
Trong bước đường đó, văn hoá - sáng tạo là những thành tố cơ bản để cùng với hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện đại sẽ đóng vai trò là nền tảng để Hà Nội thực hiện được 5 định hướng lớn, nhiệm vụ trọng tâm và 3 khâu đột phá.
Ba khâu đột phá đó là: Ưu tiên hiện đại hóa, phát triển nhanh và đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, xây dựng một số công trình tiêu biểu, không gian kiến trúc cảnh quan đặc sắc, mang đặc trưng của Thủ đô. Tập trung phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông kết nối đô thị trung tâm với khu vực ngoại thành, các đô thị vệ tinh, các tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô. Phát triển mạnh hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng dữ liệu…, kết nối liên thông, đồng bộ và thống nhất, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số.
Yếu tố con người, yếu tố văn hóa Hà Nội cần được coi là một nguồn động lực nội sinh đột phá và quan trọng để phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới. Theo hướng đó, Thành phố cần chú trọng đăng cai tổ chức những sự kiện văn hóa tầm cỡ khu vực, thế giới và mang tính thương hiệu riêng của Hà Nội. Trước mắt, năm 2021, Hà Nội được vinh dự đăng cai SEA Games và ParaGames.
Ngoài ra, Hà Nội cũng sẽ có đề án riêng về chỉnh trang đô thị, hiện đại hóa, phát triển kinh tế đô thị, kinh tế ban đêm, mô hình kinh tế chia sẻ, ngành nghề dịch vụ cao cấp, tài chính, ngân hàng, logistics, bảo hiểm. Hà Nội đang mong muốn trở thành trung tâm hàng đầu của ASEAN về chuyển đổi số, an toàn an ninh thông tin mạng, trí tuệ nhân tạo; một trung tâm hàng đầu về thương mại.
Muốn triển khai các được các kế hoạch nêu trên, Đảng bộ Thành phố đặc biệt coi trọng công tác xây dựng Đảng, chính quyền. Như đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí lãnh đạo chủ chốt đã nói “Hà Nội yêu cầu phải cao hơn các địa phương khác” nên lần này trong chủ đề Đại hội đã xác định “Gương mẫu xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy ý chí, phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế; xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại”.
Đây sẽ thành một phương châm xử thế, chứ không chỉ là mục tiêu phấn đấu vì có gương mẫu mới trở thành một đảng bộ trong sạch, vững mạnh, gây dựng và củng cố niềm tin, sự đồng lòng, nhất trí trong Đảng, chính quyền và Nhân dân để xây dựng, phát triển Thủ đô.
Với khí thế, quyết tâm và niềm tin của một mùa xuân mới, một nhiệm kỳ mới, tôi tin tưởng rằng, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và Nhân dân Thủ đô sẽ tiếp tục đoàn kết, chung sức đồng lòng, vượt qua khó khăn, thách thức, nỗ lực thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội XVIII của Đảng bộ Thành phố đã đề ra, xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Bí thư Thành ủy!