Do đó, cần thay đổi bằng cách ứng dụng công nghệ. Đồng thời, kiểm soát trên công nghệ tránh tiếp xúc để bảo đảm phòng chống dịch.
Biện pháp chống dịch của Hà Nội
Để chủ động đối phó với Covid-19, Hà Nội đã chuẩn bị 135 cơ sở cách ly, khả năng tiếp nhận cách ly 42.982 người và sẵn sàng chuẩn bị phương án đáp ứng 100.000 giường cách ly các F1.
Thành phố đặt mục tiêu hàng đầu là đến hết ngày 15/9, hoàn tất tầm soát xét nghiệm, tiêm vắc-xin Covid-19 mũi 1 cho toàn bộ người dân trên 18 tuổi. Qua đó, kiềm chế tình hình dịch bệnh, làm cơ sở để xem xét nới lỏng các biện pháp giãn cách, mở rộng các hoạt động xã hội.
Hà Nội cũng xây dựng các kịch bản, phương án đáp ứng về y tế, với 40 nghìn giường điều trị theo mô hình tháp 3 tầng của Bộ Y tế. Mục tiêu là không để F0 phải cách ly, điều trị tại nhà.
Hiện, thành phố đã bố trí và kích hoạt 14.600 giường điều trị bệnh nhân không triệu chứng và triệu chứng nhẹ (tầng 1). Thành phố cũng xây dựng phương án điều trị 8.000 bệnh nhân Covid-19 triệu chứng trung bình, nặng và nguy kịch (tầng 2, tầng 3) tại các bệnh viện tuyến thành phố.
Trước đó, UBND thành phố Hà Nội đã ra hướng dẫn phân vùng phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, thành phố phân theo 3 vùng để ngăn chặn lây lan và tập trung nhân lực, vật lực để phòng chống dịch ở khu vực nguy cơ cao. Tập trung có trọng tâm để xử lý những nhóm, khu vực có nguy cơ cao, bắt đầu từ 6 giờ ngày 6/9 đến 6 giờ ngày 21/9.
Về giấy đi đường, từ 6 giờ ngày 8/9, người dân chưa có giấy mẫu mới tiếp tục sử dụng giấy trước đây (đơn vị tự cấp) khi tham gia giao thông.
Nguy cơ lây nhiễm từ chốt kiểm tra
PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, nhận định, trong đợt dịch này, Hà Nội đang được kiểm soát, chưa có nguy cơ bùng phát diện rộng như Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, vẫn tồn tại những ổ dịch xuất hiện rải rác trong cộng đồng, có xu hướng diễn biến phức tạp. Bởi, virus gây bệnh Covid-19 đang tiếp tục âm thầm lây lan.
“Hiện, dịch Covid-19 tại TP Hà Nội đang ở ngưỡng an toàn đối với hệ thống y tế, chưa có nguy cơ quá tải. Sự quá tải sẽ xuất hiện khi các ca mắc hằng ngày tăng lên trên 100 ca liên tục nhiều ngày và việc dập dịch không có hiệu quả. Đặc biệt là khi dịch lây lan nhanh trong cộng đồng, có nhiều người cao tuổi và bệnh nền chưa được tiêm vắc-xin”, chuyên gia cho biết.
Do đó, theo PGS Nga, với số ca nhiễm như hiện nay, thành phố vẫn có thể thực hiện truy vết và khoanh vùng dập dịch. Đồng thời, xác định được những khu vực nguy cơ cao.
Trọng tâm chống dịch tại Hà Nội hiện nay là đẩy nhanh tốc độ bao phủ, tiêm vắc-xin cho toàn bộ cư dân nội thành, nơi có mật độ dân số cao và nhiều người cao tuổi, có bệnh nền. Bảo vệ các bệnh viện không để Covid-19 “xuyên thủng”. Việc thực hiện các quy định 5K và ứng dụng công nghệ vẫn phải được duy trì chặt chẽ.
Song, ông Nga cho rằng, việc kiểm soát giấy đi đường hiện nay tại các chốt cứng đông người gây nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh rất lớn. Nguyên nhân là do cách làm thủ công, kiểm tra trên giấy tờ, tiếp xúc gần, không đảm bảo giãn cách. Chuyên gia cho biết, cần thay đổi bằng cách ứng dụng công nghệ. Đồng thời, kiểm soát trên công nghệ tránh tiếp xúc để bảo đảm phòng chống dịch.
“Việc cấp phép và kiểm soát giấy đi đường đã và đang thực hiện tại Đà Nẵng là cách làm hay mà các địa phương nên học hỏi. Người đi đường đơn giản dán mã lên phương tiện giao thông.
Người kiểm tra dùng phương tiện để quét mã lấy thông tin giống như khai báo y tế để đi lên máy bay. Có thể thay việc lập chốt kiểm soát người di chuyển trên đường bằng việc tập trung kiểm soát ở điểm đi, điểm đến”, PGS Nga chia sẻ.
Cụ thể, nơi đến là các cơ quan, xí nghiệp, siêu thị, cửa hàng bán đồ thiết yếu… cần phát huy vai trò trong việc kiểm soát mọi thành viên tuân thủ 5K. Đồng thời, có sự kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng.
Chuyên gia nhấn mạnh, việc người dân và các cơ sở tự thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa, giãn cách là yếu tố quan trọng nhất để chặn đứng sự lây lan của dịch bệnh.
“Kiểm soát quá chặt việc di chuyển trên đường, nhưng các cửa hàng, công sở, nhà máy, khu công nghiệp, chế xuất buông lỏng thì sẽ không hiệu quả. Các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc tuân thủ quy định phòng chống dịch tại cơ sở, nơi nào vi phạm phải phạt nặng.
Bởi, nơi làm việc, mua sắm, ăn uống, giải trí, sinh hoạt tôn giáo, đám cưới, tang lễ... và bất kỳ đâu có giao tiếp giữa người với người là nơi có nguy cơ lây nhiễm bệnh cao”, PGS.TS Nguyễn Huy Nga cho biết.