Hà Nội khuyến khích tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật

GD&TĐ - Trong thời gian qua, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường được triển khai theo cả chương trình giáo dục chính khóa và hoạt động ngoại khóa, đạt được hiệu quả cao.

Ảnh minh họa chụp trước khi giãn cách xã hội do dịch.
Ảnh minh họa chụp trước khi giãn cách xã hội do dịch.

Theo báo cáo tổng kết chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017-2021 của UBND thành phố Hà Nội, trong 6 Đề án thuộc chương trình, Đề án "Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường" đã đạt nhiều kết quả quan trọng.

Nhận thức rõ công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường là nhiệm vụ rất quan trọng, Thành phố đã thường xuyên chỉ đạo các cơ sở giáo dục tuyên truyền vận động để cán bộ, giáo viên, học sinh xác định rõ việc học tập để hiểu biết pháp luật, chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật là trách nhiệm của bản thân.

Qua đó góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và ý thức tuân thủ, chấp hành, tự giác nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật, xây dựng lối sống và làm việc theo pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức, nhà giáo, người lao động và học sinh.

Trong thời gian qua, các cơ sở giáo dục trên địa bàn Thành phố đã tập trung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục cho cán bộ, công chức, giáo viên, nhân viên, học sinh các văn bản pháp luật liên quan thiết thực đến đội ngũ thầy cô và học sinh. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường được triển khai theo cả chương trình giáo dục chính khóa và hoạt động ngoại khóa.

Đối với giáo dục mầm non, các nhà trường giảng dạy một số nội dung pháp luật đơn giản về giao thông, gia đình, môi trường, vệ sinh nơi công cộng, vệ sinh an toàn thực phẩm… lồng ghép vào các trò chơi nhằm hình thành tâm lý ban đầu mang tính luật, chuẩn bị tâm thế cho trẻ em vào học lớp 1.

Đối với giáo dục phổ thông, các nhà trường đã nâng cao chất lượng dạy học môn Đạo đức, môn Giáo dục công dân theo hướng cung cấp các kiến thức, rèn luyện các kỹ năng thực hiện các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, quyền và nghĩa vụ trong các lĩnh vực pháp luật gắn với cuộc sống và học tập của học sinh.

Các hoạt động tuyên truyền được lồng ghép, phổ biến qua các phong trào, hoạt động Đoàn, Hội với nhiều hình thức phong phú, thiết thực, phù hợp với tâm lý lứa tuổi. Nhiều mô hình, hình thức tuyên truyền thu hút đông các em học sinh tham gia.

Đến nay, tất cả 30/30 Phòng GD&ĐT quận, huyện, thị xã, 100% THPT, THCS, tiểu học, mầm non trên địa bàn Thành phố đã thành lập Ban tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật có cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm làm công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật. Đồng thời, các đơn vị phân công lãnh đạo phụ trách công tác pháp chế và cán bộ phụ trách công tác pháp chế tại đơn vị.

Trong thời gian tới, Thành phố sẽ chỉ đạo ngành GD-ĐT tiếp tục nâng cao nhận thức, triển khai và thực hiện có hiệu quả Đề án “Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường”. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện nội dung chương trình, tài liệu phục vụ việc dạy và học; đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, tạo sự hấp dẫn phù hợp với lứa tuổi học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ