Hà Nội: Kế sách nào ứng phó với "bà hoả"?

GD&TĐ - Những ngày qua, Hà Nội liên tiếp xảy ra các vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng. Hà Nội đưa ra các biện pháp kiên quyết nhằm chấn chỉnh công tác phòng cháy chữa cháy trước mùa cao điểm.

Vẫn nóng với hỏa hoạn

Bước vào tháng 5/2022, chỉ trong 2 ngày (1/5 - 2/5), Thủ đô Hà Nội liên tiếp xảy ra 2 vụ cháy kho, xưởng lớn với diện tích từ 300m2 đến gần 1.000m2, gây thiệt hại về tài sản hàng trăm triệu đồng. Sự việc tiếp tục gióng lên hồi chuông về việc mất an toàn phòng cháy, chữa cháy tại các cơ sở này.

Cụ thể, khoảng 4 giờ 13 phút ngày 1/5, Trung tâm Chỉ huy Công an TP Hà Nội nhận được tin báo cháy xảy ra tại xưởng sản xuất gỗ dán Công ty TNHH Hải Nam (thôn Yên Viên, xã Yên Viên, huyện Gia Lâm).

Sau khi tiếp nhận thông tin, Trung tâm đã điều động 11 xe chữa cháy thuộc Công an huyện Gia Lâm và Công an các quận: Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Long Biên cùng Đội Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) khu vực 1 (Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH) cùng gần 100 cán bộ chiến sĩ tới hiện trường triển khai chữa cháy.

Mặc dù, việc chữa cháy được triển khai kịp thời, nhưng do chất cháy chủ yếu là các nguyên liệu dễ bắt cháy, sinh ra nhiều khói khí độc, vận tốc cháy lan nhanh, nên đã nhanh chóng thiêu rụi 800m2 xưởng gỗ. Lực lượng chức năng vừa chữa cháy, vừa tập trung ngăn cháy lan sang các khu vực nhà xưởng và nhà dân lân cận. Sau một thời gian nỗ lực cứu chữa, đến 7 giờ 30 phút cùng ngày, đám cháy cơ bản được dập tắt.

Kết quả công tác chữa cháy đã bảo vệ được trên 2.200m2/tổng số 3.000m2 nhà xưởng của cơ sở xảy ra cháy. Bên cạnh đó, ngăn chặn không để cháy lan sang 2 nhà xưởng (thuộc Công ty CP viễn thông điện tử Vinacap, Công ty CP cáp quang Việt Nam) và các nhà dân lân cận.

Tiếp đó, vào 8 giờ 31 phút ngày 2/5, Công an TP Hà Nội tiếp tục nhận được tin báo cháy nhà dân chứa chăn ga gối đệm tại đội 7 xã Tiền Phong, (huyện Thường Tín, Hà Nội) nên đã nhanh chóng điều động 4 xe chữa cháy thuộc Công an huyện Thường Tín và Công an huyện Thanh Trì xuống hiện trường tổ chức chữa cháy.

Diện tích cháy khoảng 300m2 của 4 hộ liền kề (là nhà ở kết hợp kinh doanh và sản xuất chăn, ga, gối, đệm). Đến khoảng 10 giờ 10 phút, sau gần 2 tiếng tổ chức cứu chữa, đám cháy được dập tắt hoàn toàn.

Dù 2 vụ cháy không gây thiệt hại về người nhưng đều là những vụ cháy lớn tại các nhà xưởng, nơi tập kết hàng hóa vật liệu dễ cháy như: Gỗ, chăn ga…, nguy cơ cháy lan cao và gây thiệt hại về tài sản đối với người dân lên đến hàng tỉ đồng.

Đáng chú ý, trong tháng xảy ra 1 vụ việc có đối tượng đốt gây cháy tại số 4, ngõ 60, tổ 4 phố Phú Đô, phường Phú Đô (quận Nam Từ Liêm) làm 1 người chết và 5 người bị thương. Công an quận Nam Từ Liêm đã khởi tố hình sự đối với 1 đối tượng.

Đặc biệt, ngày 21/4 xảy ra vụ cháy nhà dân tự cơi nới (nhà có 2 tầng, một tum, tổng diện tích khoảng 65m2, nhà có lối thoát hiểm trên nóc tum tại khu tập thể Kim Liên, phường Kim Liên, Đống Đa) gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng làm 5 người chết, 2 người bị thương, nguyên nhân đang được điều tra làm rõ.

Chấn chỉnh quy định về PCCC

Công an quận Hoàn Kiếm tuyên truyền hướng dẫn PCCC cho học sinh.
Công an quận Hoàn Kiếm tuyên truyền hướng dẫn PCCC cho học sinh.

Theo Công an TP Hà Nội, các cơ sở kinh doanh cần nắm vững và chấp hành nghiêm quy định về PCCC. Theo đó, các doanh nghiệp xây dựng hệ thống kho hàng cần tuân thủ Nghị định 79 về quy định PCCC kho bãi tại Việt Nam.

Cụ thể, người đứng đầu cơ sở cần nâng cao trách nhiệm, thực hiện tốt các quy định của pháp luật về PCCC. Bên cạnh đó, có niêm yết nội quy PCCC, biển cấm lửa, cấm hút thuốc, tiêu lệnh chữa cháy ở những nơi có nguy hiểm về cháy, nổ; Thực hiện các biện pháp, giải pháp kỹ thuật để khống chế và kiểm soát chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt, nguồn sinh lửa, sinh nhiệt.

Trước khi tiến hành công việc, chủ sản xuất cần phải thực hiện kiểm tra an toàn PCCC tại nơi làm việc, nơi sản xuất do mình đảm nhiệm, nếu phát hiện có dấu hiệu mất an toàn về PCCC phải tìm mọi cách để khắc phục và báo ngay người quản lý trực tiếp biết. Khi nghỉ làm việc phải tắt các nguồn điện, nguồn nhiệt, đồng thời kiểm tra các yếu tố khác có thể phát sinh nguồn nhiệt tại khu vực mình đảm nhiệm.

Các nhà xưởng, cơ sở sản xuất cần sử dụng nguyên vật liệu, nhiên liệu nhất là các chất đặc biệt nguy hiểm về cháy, nổ như: Xăng, dầu, khí cháy thì phải thực hiện đầy đủ các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC theo quy định; Hàng hóa trong kho phải được sắp xếp theo đúng quy định an toàn PCCC, lắp đặt thiết bị bảo vệ (Aptomat) cho hệ thống điện toàn cơ sở, từng khu vực, phân xưởng và các thiết bị điện có công suất lớn, tách riêng các nguồn điện. Đặc biệt, nghiêm cấm các hành vi tự ý: Câu mắc, dùng dây dẫn điện cắm trực tiếp vào ổ điện…

Công an TP Hà Nội cũng cảnh báo, các nhà xưởng cần có sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn cho cả công trình, từng khu vực. Ngoài ra, có hệ thống đèn chiếu sáng sự cố, đèn chỉ dẫn hướng và đường thoát nạn, hệ thống thông gió, thoát khói, chống tác động của nhiệt trên lối thoát nạn, phòng lánh nạn tạm thời.

Mỗi cơ cở cần thành lập lực lượng PCCC cơ sở, chuyên ngành. Mỗi bộ phận, phân xưởng, ca làm việc có tổ hoặc có người tham gia Đội PCCC cơ sở. Bố trí lực lượng thường trực chữa cháy 24/24 giờ và bảo đảm điều kiện chữa cháy tại chỗ… Khi xảy ra cháy gọi điện cho Cảnh sát PCCC theo số điện thoại 114 hoặc đội dân phòng, chính quyền, công an phường gần nhất. Đồng thời, sử dụng phương tiện để chữa cháy.

Vừa qua (cuối tháng 4/2022), Công an huyện Quốc Oai tổ chức thực tập phương án PCCC&CNCH tại Trường THPT Cao Bá Quát – Quốc Oai. Tương tự Công an quận Hoàn Kiếm tổ chức hoạt động tuyên truyền về PCCC&CNCH cho học sinh, người dân, du khách tham quan tại không gian phố đi bộ Hoàn Kiếm.

Tại các buổi diễn tập, tuyên truyền về công tác PCCC, học sinh đều rất hào hứng với hoạt động trải nghiệm làm lính cứu hỏa. Các em được các chú Cảnh sát PCCC&CNCH hướng dẫn cách sử dụng bình chữa cháy, mặt nạ lọc độc, dây hạ chậm…

Còn tại hội nghị triển khai nhiệm vụ trọng tâm tháng 5/2022, Trung tướng Nguyễn Hải Trung - Giám đốc Công an TP Hà Nội chỉ rõ những yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể về công tác PCCC. Trong đó, chú trọng xây dựng, triển khai các giải pháp kéo giảm, hạn chế các vụ cháy, nổ lớn gây hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng; mọi vi phạm trong quản lý Nhà nước về PCCC phải bị xử lý nghiêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.