Hà Nội: HS làm quen khảo sát chất lượng trực tuyến

GD&TĐ - Năm học 2019-2020, ngành GD&ĐT Hà Nội đã triển khai hệ thống học tập trực tuyến Hanoi Study, học tập qua internet giúp việc ôn luyện kiến thức cho HS một cách chủ động, tự giác.

Khảo sát trực tuyến giúp HS làm quen với cách học và thi mới - Ảnh minh họa
Khảo sát trực tuyến giúp HS làm quen với cách học và thi mới - Ảnh minh họa

Ngành cũng đã tổ chức triển khai khảo sát chất lượng cho 74.000 HS lớp 12 bằng hình thức trực tuyến thông qua hệ thống Hanoi Study. Việc khảo sát trực tuyến không chỉ giúp cho HS làm quen với cách học và thi mới, mà còn giúp cho GV, cán bộ quản lý có được thông tin, đánh giá khách quan về học lực của từng HS.

HS tích cực tham gia khảo sát trực tuyến

Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, các đợt khảo sát được tổ chức nhằm góp phần chuẩn bị tốt nhất cho HS lớp 12 toàn thành phố về kiến thức, kỹ năng phục vụ kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Qua 2 đợt khảo sát trực tuyến có trên 99,5% HS tham gia làm bài và nộp bài thành công. Tỷ lệ tham gia khảo sát, nộp bài thành công cao đã phản ánh sự quan tâm của phụ huynh, sự tham gia tích cực của HS đối với việc khảo sát.

Để triển khai khảo sát trực tuyến, Sở GD&ĐT Hà Nội đã phối hợp với Cục Công nghệ thông tin - Bộ GD&ĐT tổ chức kiểm tra khảo sát chất lượng đối với lớp 12 THPT và Giáo dục thường xuyên trên phần mềm Hanoi Study. Theo đó, các bài kiểm tra khảo sát được thực hiện theo hình thức trắc nghiệm khách quan. HS làm bài khảo sát tại nhà, ngoài giờ học trên lớp và đề nghị cha mẹ HS là người giám sát việc làm bài của các em.

Mục đích của kỳ khảo sát là thông qua bộ đề khảo sát chung trong toàn thành phố, HS tự giác làm bài kiểm tra, tự đánh giá năng lực của bản thân, từ đó rèn luyện năng lực tự học, tự đánh giá bản thân. Phối hợp với gia đình trong việc quản lý, giáo dục HS về thái độ, động cơ và ý thức học tập, rèn luyện, thông qua kết quả khảo sát, gia đình HS thấy được điểm mạnh, điểm yếu của các em trong từng môn học, từ đó có biện pháp phối hợp với nhà trường, giáo viên khắc phục. Đồng thời giúp cho các cấp quản lý giáo dục có dữ liệu để phân tích, đánh giá kết quả học tập của HS, thấy rõ vùng kiến thức HS còn yếu, kỹ năng còn thiếu trong từng môn học, để từ đó có giải pháp tổ chức dạy học, đảm bảo chất lượng giáo dục, đạt kết quả tốt nhất trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Chuẩn bị kỹ lưỡng mọi mặt

Để các kỳ khảo sát đạt hiệu quả cao, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo chuẩn bị kỹ các điều kiện về chuyên môn và cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ kỳ khảo sát. Các bộ đề khảo sát được chuẩn bị kỹ càng theo đúng quy trình, hệ thống câu hỏi được chuẩn hóa. Đội ngũ GV ra đề là những GV bộ môn có năng lực chuyên môn tốt, có kinh nghiệm trong việc ra đề thi, đã nhiều lần tham gia công tác ra đề thi của thành phố và Bộ GD&ĐT. Vì vậy, các đề khảo sát không chỉ phục vụ cho HS làm bài, mà còn giúp cho đội ngũ GV bộ môn của thành phố tham khảo học tập việc xây dựng đề kiểm tra, đề thi trong dạy học, kiểm tra, đánh giá HS.

Cùng với việc chuẩn bị về chuyên môn, Sở GD&ĐT đã chuẩn bị, tính toán toàn diện khả năng cơ sở vật chất, thiết bị, đường truyền đáp ứng tốt nhất kỳ khảo sát. Trước khi kỳ khảo sát đầu tiên diễn ra, Sở GD&ĐT đã tổ chức cho gần 7.000 học sinh THPT thực hiện làm bài thử nghiệm trên hệ thống.

Trong thời gian tổ chức khảo sát cho HS toàn thành phố, Cục CNTT đã chỉ đạo tạm dừng toàn bộ việc kết nối của các địa phương trong cả nước với hệ thống máy chủ của Bộ GD&ĐT. Theo báo cáo của bộ phận kỹ thuật, hệ thống có thể đáp ứng cho trên 200.000 HS tham gia dự khảo sát trong cùng một thời điểm .

Các trường THPT, các trung tâm GDNN-GDTX tham gia khảo sát đều đánh giá tích cực về đợt khảo sát. Đặc biệt, đợt khảo sát giúp cho HS tự đánh giá thực lực của mình để có thể chủ động bổ khuyết, nâng cao kiến thức. Bên cạnh đó, việc khảo sát trực tuyến giúp cho HS làm quen với cách học và thi mới, tự mình đặt ra cho mình các mục tiêu trong học tập. Ngoài ra, hình thức khảo sát này cũng giúp cho GV, cán bộ quản lý có được thông tin, đánh giá khách quan về học lực của HS từng lớp, của cả trường nói chung và từng cá nhân học trò nói riêng. Các đại biểu cũng nhất trí, nếu triển khai hình thức này thay thế cho cách khảo sát cũ, sẽ góp phần giảm thời gian, kinh phí, các nguồn lực khác cho phụ huynh, HS, thầy cô giáo và nhà trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.