Hà Nội: Học sinh, phụ huynh ngóng môn thi thứ 4, kỳ thi vào 10

GD&TĐ - Thi vào lớp 10 THPT luôn là mối quan tâm của phụ huynh, học sinh tại Hà Nội trong nhiều năm trở lại đây.

Thầy cô Trường THCS Tòng Bạt (huyện Ba Vì) tranh thủ thời gian vàng học trực tiếp để ôn tập cho học sinh.
Thầy cô Trường THCS Tòng Bạt (huyện Ba Vì) tranh thủ thời gian vàng học trực tiếp để ôn tập cho học sinh.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, học sinh phải học trực tuyến từ đầu năm học thì việc giữ hay bỏ môn thi thứ 4 đang được nhiều người quan tâm.

Ba năm liên tiếp phải học trực tuyến, trong đó có gần 1 năm chưa được đến trường, Nguyễn Huy Giang - học sinh Trường THCS Huy Văn (quận Đống Đa) rất lo lắng trước kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 sắp tới. Giang cho biết học trực tuyến không thể bằng học trực tiếp, không được tương tác với thầy cô nên tiếp thu kiến thức có phần hạn chế. Em mong muốn sẽ chỉ thi 3 môn để không gặp thêm áp lực.

Cô Nguyễn Thị Hải Yến - Hiệu trưởng Trường THCS Huy Văn - cho biết: Phường là tâm dịch của quận và thành phố trong thời gian dài đã gây ảnh hưởng lớn đến việc học tập của học sinh. Nhiều học sinh nhiễm F0, gia đình bị cách ly, phong tỏa khiến cho học sinh không có điều kiện học tập dù là trực tuyến. Do đó, việc giảm bớt số môn thi vào lớp 10 là hợp lý để giảm bớt áp lực cho các em.

Tuy nhiên, nhiều phụ huynh, học sinh cho rằng, bản chất của kỳ thi lớp 10 THPT là tuyển chọn nên dù bỏ hay không bỏ môn thi thứ tư thì cũng không ảnh hưởng đến việc học của học sinh. Năm nay, việc học trực tuyến đã trở nên quy củ, nền nếp hơn, học sinh được học tất cả môn học, đã kiểm tra cuối học kỳ nên việc thi môn thứ 4 cũng không phải là áp lực quá lớn.

Theo chị Hoàng Thị Hà - phụ huynh học sinh Trường THCS Đền Lừ (quận Hoàng Mai), từ đầu năm học, học sinh chưa thể đến trường nhưng học sinh được học đầy đủ các môn học bằng hình thức trực tuyến. Việc học trực tuyến cũng giúp chị theo sát, biết con hổng kiến thức nào để bù đắp. Hơn nữa tại kỳ thi năm ngoái, đề thi có phần dễ nên chưa thể phân loại được học sinh.

Thầy Lê Minh Đức - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Tòng Bạt (huyện Ba Vì) - chia sẻ: Từ đầu tháng 11, học sinh lớp 9 của nhà trường đi học trở lại. Tranh thủ thời gian này, giáo viên đã bổ sung kiến thức cho các em, nhất là đối với môn Ngoại ngữ.

Nhấn mạnh việc nếu thi đủ 4 môn sẽ đảm bảo chất lượng tuyển sinh cho các trường THPT nhưng điều này cần căn cứ vào diễn biến của dịch bệnh, thầy Dương Hai Bảy Mươi - Hiệu trưởng Trường THPT Lý Thường Kiệt (huyện Gia Lâm) - cho hay: Học sinh vẫn còn tâm lý có thi mới học. Nếu bỏ môn thi thứ 4, nhiều môn học khác, học sinh sẽ buông lỏng để dồn vào môn chính.

Theo ông Nguyễn Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, trong giai đoạn này, sở yêu cầu các đơn vị đặc biệt quan tâm đến chất lượng học tập của học sinh lớp 9. Nếu học sinh được phép học trực tiếp, các nhà trường cần đồng thời làm tốt công tác phòng, chống dịch, tận dụng tối đa thời gian để ôn tập, củng cố nội dung còn khiếm khuyết khi học trực tuyến, có giải pháp bảo đảm chất lượng, tiến độ, kế hoạch thời gian năm học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.