Hà Nội: Học sinh lớp 12 của 8 quận nội thành tạm dừng đến trường

GD&TĐ - Chiều 25/12, các quận nội thành Hà Nội ban hành văn bản yêu cầu học sinh lớp 12 các trường THPT, Trung tâm GDNN-GDTX trên địa bàn tạm dừng đến trường; chuyển sang phương án dạy - học trực tuyến.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp trên địa bàn thành phố và địa bàn quận với số ca F0 tăng cao, chiều 25/12, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai - Nguyễn Minh Tâm đã ký thông báo hỏa tốc điều chỉnh các biện pháp hành chính tương ứng cấp độ 3 để phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn.

Theo đó, UBND quận Hoàng Mai yêu cầu UBND các phường đang ở trạng thái cấp độ 3 hạn chế các hoạt động hội họp, sự kiện tập trung trên 20 người trong một phòng; không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện, tuân thủ nghiêm ngặt 5K, cài đặt và quét mã QR.

Tạm dừng các hoạt động, dịch vụ không thiết yếu, hạn chế hoạt động, sự kiện tập trung đông người. Đối với dịch vụ nhà hàng, quán ăn, uống không phục vụ tại chỗ, chỉ bán hàng mang về, đóng cửa trước 21 giờ hàng ngày. Cấm hoạt động kinh doanh buôn bán tại các chợ cóc, chợ tạm. Các cơ sở lưu trú được phép hoạt động không quá 50% công suất.

Các trường THPT, Trung tâm GDNN-GDTX tạm dừng tổ chức dạy học trực tiếp theo Văn bản số 4156/SGDĐT-CTTT ngày 3/12/2021 của Sở GD&ĐT Hà Nội, chuyển sang dạy và học trực tuyến cho đến khi có thông báo mới.

Trên địa bàn quận Hoàng Mai có các Trường THPT Trương Định, THPT Việt Nam Ba Lan, Trung tâm GDNN-GDTX đang tổ chức cho học sinh lớp 12 học trực tiếp.

Chiều 25/12, UBND quận Ba Đình cũng ban hành thông báo số 324/TB-UBND về điều chỉnh các biện pháp hành chính tương ứng cấp độ 3 để phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn.

Theo đó, từ 12h ngày 27/12, quận Ba Đình áp dụng các biện pháp hành chính tương ứng cấp độ 3 về phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, quận hạn chế tổ chức các cuộc họp, hội nghị đông người chưa cần thiết; tăng cường hình thức họp trực tuyến và ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc.

Học sinh lớp 12 các trường THPT, Trung tâm GDNN-GDTX trên địa bàn quận tạm dừng đến trường; chuyển sang phương án dạy - học trực tuyến cho đến khi có thông báo mới.

Chiều 25/12, UBND quận Tây Hồ cũng ban hành thông báo điều chỉnh các biện pháp hành chính tương ứng cấp độ 3 để phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn, yêu cầu các nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải khát chỉ được phép bán hàng mang về và đóng cửa trước 21h hằng ngày.

Không cho phép tổ chức các hoạt động hội họp, sự kiện tập trung trên 20 người trong một phòng; không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện. Yêu cầu những người tham gia phải được tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh Covid-19; có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ; tuân thủ nghiêm ngặt 5K, cài đặt và quét mã QR.

Tương tự, UBND quận Hoàn Kiếm, Long Biên, Nam Từ Liêm cũng đã ban hành văn bản điều chỉnh các biện pháp hành chính tương ứng cấp độ 3 để phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn, yêu cầu học sinh lớp 12 các trường THPT, Trung tâm GDNN-GDTX trên địa bàn tạm dừng đến trường; chuyển sang phương án dạy - học trực tuyến.

Trước đó, ngày 24/12, UBND TP Hà Nội đã ban hành thông báo đánh giá cấp độ dịch trong phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố. Theo đó, Hà Nội có thêm 6 quận chuyển sang cấp độ 3 do ghi nhận số lượng lớn ca mắc Covid-19 trong cộng đồng gồm: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Long Biên, Nam Từ Liêm, Tây Hồ cùng với các quận Hai Bà Trưng, Đống Đa trước đó.

Quận Đống Đa đã cho học sinh dừng học trực tiếp từ ngày 13/12, còn quận Hai Bà Trưng cho học sinh dừng học trực tiếp từ ngày 20/12.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.