Hà Nội chủ động triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch năm học

GD&TĐ - Trong 3 tháng đầu năm 2023, ngành Giáo dục Hà Nội đã chủ động, linh hoạt xây dựng và triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch năm học.

Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Nhiều nhiệm vụ đã được hoàn thành

Chiều 15/3, Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức Hội nghị giao ban công tác khối các phòng GDĐT về việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác quý I/2023, triển khai nhiệm vụ công tác quý II/2023.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương chủ trì hội nghị. Cùng dự có các Phó Giám đốc Phạm Xuân Tiến, Nguyễn Quang Tuấn, Trần Lưu Hoa cùng đại diện lãnh đạo các Phòng chuyên môn của Sở, lãnh đạo các Phòng GD&ĐT của 30 quận, huyện, thị xã.

Theo báo cáo của Sở GD&ĐT Hà Nội, trong 3 tháng đầu năm 2023, toàn ngành tiếp tục triển khai thực hiện đổi mới giáo dục; chủ động, linh hoạt xây dựng và triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch năm học.

Sở đã chỉ đạo các nhà trường tăng cường đối mới phương pháp dạy học thông qua bồi dưỡng và dự giờ, tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp học, ngành học, tổ chức và tham gia coi thi chọn học sinh giỏi quốc gia tại Hội đồng thi các tỉnh, Thành phố theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT.

Tiếp tục đôn đốc các quận, huyện, thị xã, các trường học trên địa bàn thành phố triển khai các nội dung, nhiệm vụ trong Kế hoạch tổ chức phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng chia sẻ trách nhiệm” giai đoạn 2022-2025; triển khai thực hiện kế hoạch tổ chức giao lưu giữa các trung tâm Ngoại ngữ năm học 2022-2023 trên địa bàn thành phố.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương chủ trì hội nghị.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương chủ trì hội nghị.

Công tác đầu tư cơ sở vật chất tiếp tục được quan tâm, tập trung thực hiện. Sở đã hoàn thành công tác đánh giá, công nhận trường đạt chuẩn quốc gia năm 2022, trong đó thực hiện công nhận mới đạt chuẩn quốc gia cho 84 trường, đạt 120% kế hoạch; công nhận đạt chuẩn quốc gia cho 130 trường.

Sở đã tham mưu UBND thành phố về công tác tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6 và lớp 10 THPT năm học 2023-2024, ban hành hướng dẫn công tác tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2023-2024. Thu thập số liệu thống kê phục vụ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh lớp 10 THPT năm 2023.

Công tác xây dựng xã hội học tập đạt được những kết quả, thành tích tốt, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng đa dạng của mọi người dân. Công tác phòng chống dịch bệnh, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, công tác y tế trường học được các đơn vị triển khai nghiêm túc.

Công đoàn ngành tập trung thực hiện tốt chức năng chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên. Tiếp tục thực hiện tốt công tác "Xã hội hóa giáo dục” và các cuộc vận động xã hội, nhân đạo trong ngành; tiếp tục triển khai, giúp đỡ học sinh có khó khăn.

Ông Kiều Văn Minh - Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD&ĐT Hà Nội phát biểu tại hội nghị.

Ông Kiều Văn Minh - Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD&ĐT Hà Nội phát biểu tại hội nghị.

Ông Phùng Ngọc Oanh - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ba Vì phát biểu tại hội nghị.

Ông Phùng Ngọc Oanh - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ba Vì phát biểu tại hội nghị.

Điểm danh những vướng mắc

Báo cáo của Sở GD&ĐT Hà Nội cũng nêu ra các hạn chế còn tồn tại như: Xây dựng và công nhận trường chuẩn quốc gia; Công tác in ấn, phát hành Tài liệu giáo dục địa phương chưa đảm bảo kế hoạch; Hoạt động câu lạc bộ môn học một số trường chưa hiệu quả; Chất lượng giáo dục mũi nhọn và đại trà còn có sự chênh lệch giữa các vùng;

Công tác quản lý hồ sơ giáo viên nước ngoài còn thực trạng một số giáo viên người nước ngoài đã hết hạn Visa, hợp đồng lao động. Công tác kiểm tra nội bộ, tổ chức nâng hạng giáo viên giáo dục thường xuyên, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị các trung tâm giáo dục thường xuyên xuống cấp... còn hạn chế. Đã xảy ra vụ việc liên quan đến công tác quản lý cơ sở giáo dục mầm non tư thục...

Trong phần thảo luận tại hội nghị, các đơn vị đã “điểm mặt, chỉ tên” những vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nổi cộm là vấn đề thiếu giáo viên. Cụ thể, Phòng GD&ĐT Chương Mỹ cho biết huyện hiện thiếu 153 giáo viên tiểu học và 95 giáo viên THCS. Còn Phòng GD&ĐT huyện Ứng Hòa cho biết các trường của huyện còn thiếu 276 giáo viên.

Trước vấn đề này, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết đã phối hợp với Sở Nội vụ xây dựng định mức cụ thể về số lượng giáo viên từng môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở các cấp học. Các Phòng GD&ĐT cần rà soát, căn cứ vào định mức này để tham mưu chính quyền địa phương xây dựng chỉ tiêu biên chế giáo viên và tổ chức tuyển dụng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT Hà Nội, giải pháp trước mắt, các nhà trường tiếp tục duy trì việc ký hợp đồng với giáo viên mới ra trường hoặc các giáo viên đã nghỉ chế độ. Giải pháp khác cũng đang được nhiều đơn vị triển khai và có thể nhân rộng là các trường trên cùng địa bàn hỗ trợ, chia sẻ nguồn giáo viên ở các môn học còn thiếu...

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương phát biểu tại hội nghị.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương phát biểu tại hội nghị.

Liên quan đến công tác tuyển sinh đầu cấp năm học 2023-2024, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương thông tin, năm học tới, số lượng học sinh trong độ tuổi tuyển sinh tiếp tục tăng, nhất là ở lớp 6.

Các phòng GD&ĐT cần chủ động, khẩn trương chuẩn bị các điều kiện bảo đảm chất lượng, nhất là về cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học; tích cực tham mưu UBND quận, huyện, thị xã tăng cường đầu tư nguồn lực xây dựng bổ sung trường, phòng học; tổ chức phân tuyến hợp lý để bảo đảm đáp ứng đủ nguyện vọng học tập của học sinh trên địa bàn.

Trước tình trạng nhiều phụ huynh học sinh gặp khó khăn khi phải đi xin giấy xác nhận thông tin về cư trú để chuẩn bị cho con chuyển cấp, Sở GD&ĐT Hà Nội đã chỉ đạo các phòng GD&ĐT có phương án điều chỉnh kịp thời phù hợp với thực tế. Sở đã làm việc với Công an thành phố để bàn bạc và thống nhất phương án giải quyết theo hướng các trường sẽ nhận đăng ký nhập học của học sinh theo mã định danh của học sinh; tổng hợp và gửi dữ liệu này cho phía công an để xác nhận.

Hà Nội hiện có 2.840 trường mầm non, phổ thông, 29 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, 1 trường trung cấp chuyên nghiệp với hơn 2,1 triệu học sinh. Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, mạng lưới trường học đến nay đã cơ bản đáp ứng được mỗi phường, xã, thị trấn có ít nhất 1 trường mầm non công lập, 1 trường tiểu học công lập, 1 trường THCS công lập, bảo đảm chỗ học cho con em nhân dân trên địa bàn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ