Hà Nội: Cảnh báo gia tăng bệnh sốt xuất huyết đầu mùa

GD&TĐ - Thời tiết hiện nay, nóng ẩm mưa nhiều là điều kiện thuận lợi để muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết (SXH) phát triển và lây bệnh, theo nhận định trong thời gian tới sẽ tiếp tục ghi nhận sự gia tăng của dịch bệnh này.

Chủ động phòng, chống sốt xuất huyết
Chủ động phòng, chống sốt xuất huyết

Sở Y tế Hà Nội vừa ban hành Công văn số 2258/SYT-NVY về chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết (SXH). Đến thời điểm hiện tại, toàn TP Hà Nội đã ghi nhận 326 trường hợp mắc SXH, số mắc tăng so với cùng kỳ năm 2018 và có xu hướng tăng trong một vài tuần gần đây.

Thực hiện Thông báo số 601/TB-UBND ngày 20/5/2019 của UBND Thành phố về kết luận của đồng chí Chủ tịch UBND Thành phố về tăng cường công tác phòng chống dịch SXH và dịch bệnh sởi, dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn TP Hà Nội, Sở Y tế đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo và tập trung triển khai quyết liệt các nội dung sau:

Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch tăng cường tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy, phun hóa chất diệt truyền bệnh (theo hướng dẫn của Trung tâm Y tế); huy động lực lượng của các ban ngành đoàn thể tham gia công tác phòng chống dịch.

Vận động và yêu cầu các hộ gia đình hợp tác với lực lượng chức năng trong công tác phòng chống dịch, cương quyết xử lý những trường hợp không hợp tác. Đồng thời thực hiện tốt công tác phòng chống SXH tại các cơ quan, công trường, xí nghiệp, nghĩa trang, trường học,...

Chỉ đạo các xã, phường, thị trấn rà soát, kiện toàn lại thành phần Đội xung kích và Tổ giám sát phòng chống dịch SXH, đảm bảo đúng tiêu chí về số lượng, thành phần và số hộ gia đình phụ trách.

Phối hợp với Trung tâm Y tế tập huấn lại chuyên môn kỹ thuật cho các thành viên. Yêu cầu các thành viên Đội xung kích phải vào từng hộ gia đình để hướng dẫn và trực tiếp thực hiện các biện pháp diệt bọ gậy ở các dụng cụ chứa nước có bọ gậy, sử dụng bảng kiểm ghi chép cụ thể kết quả thực hiện đối với từng hộ gia đình, báo cáo kết quả về Trạm Y tế và Ban chỉ đạo phòng chống dịch của xã, phường, thị trấn.

Chỉ đạo các cơ quan truyền thông của địa phương tăng cường công tác tuyên truyền về các biện pháp phòng chống bệnh SXH; tại các xã, phường, thị trấn đã ghi nhận bệnh nhân SXH cần tổ chức họp tổ dân cư để thông báo tình hình dịch và hướng dẫn cho người dân biết cách chủ động phòng chống dịch SXH.

Tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn; Tạo điều kiện bố trí kinh phí của địa phương cho các hoạt động phòng, chống SXH.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ