Hà Nội bảo tồn đào Nhật Tân, quất Tứ Liên

Hà Nội bảo tồn đào Nhật Tân, quất Tứ Liên

(GD&TĐ)- Hà Nội phấn đấu đến 2015, phát triển thêm 3.000 ha cây ăn quả so với năm 2010, đạt sản lượng 281.000 tấn; giá trị sản xuất trung bình đạt từ 150-180 triệu đồng/ha, trong đó cây ăn quả có giá trị kinh tế cao đạt từ 250-300 triệu đồng/ha. Bảo tồn, phát triển mở rộng vùng sản xuất đào Nhật Tân và quất Tứ Liên, thu thập, sưu tầm các kỹ thuật cổ truyền… 

Trên đây là một số mục tiêu nằm trong Đề án phát triển sản xuất hoa, cây cảnh và đề án phát triển một số loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao của TP Hà Nội đến năm 2015, định hướng đến 2020 được đưa ra lấy ý kiến đóng góp của các sở, ngành, đơn vị liên quan sáng 13/9 dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt.

Một trong những mục tiêu được đưa ra là bảo tồn giống đào Nhật Tân... Ảnh, gdtd.vn
Một trong những mục tiêu được đưa ra là bảo tồn giống đào Nhật Tân và quất Tứ Liên... Ảnh, gdtd.vn

Đây là 2 đề án nằm trong nhóm 11 đề án theo Nghị quyết 02 của Thành ủy Hà Nội, bao gồm đề án rau an toàn, lúa chất lượng cao, cơ giới hóa nông nghiệp… sau khi đi vào đời sống sẽ góp phần đẩy nhanh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích, nâng cao thu nhập cho người dân, đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn  mới.

Hà Nội hiện có trên 13.500 ha trồng cây ăn quả các loại: bưởi, chuối, nhãn, vải, cam, quýt.. tập trung chủ yếu tại các huyện Ba Vì, Chương Mỹ, Sóc Sơn, Sơn Tây… với sản lượng hơn 165 nghìn tấn, đạt giá trị sản xuất khoảng 1,5 nghìn tỷ đồng. So với nhu cầu tiêu thụ quả của TP Hà Nội khoảng 960.000 tấn/năm, sản xuất tại chỗ của TP đạt 167.000 tấn, mới chỉ đáp ứng được 21,4% nhu cầu. 

TP Hà Nội đã tập trung đầu tư phát triển và đang hình thành một số vùng chuyên canh như bưởi Diễn, bưởi Quế Dương; cam Canh, nhãn muộn… cho năng suất cao và phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu. Cây ăn quả đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, thu nhập cho người nông dân, với giá trị thu nhập trung bình 68,2 triệu đồng/ha, có nơi cao 200-300 triệu đồng/ha.

Tuy nhiên, diện tích sản xuất cây ăn quả của TP Hà Nội vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, phân tán; chuyển dịch cơ cấu cây trồng chủ yếu vẫn là tự phát, chưa theo quy hoạch; chất lượng giống cây ăn quả chưa đồng đều; kỹ thuật canh tác của nông dân chưa đáp ứng yêu cầu; chưa chú trọng xây dựng thương hiệu, tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm… 

Chính vì thế, dự thảo đề án phát triển một số loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao của TP Hà Nội đến năm 2015, định hướng đến 2020 xác định mục tiêu nâng diện tích trồng cây ăn quả đến năm 2015 đạt 16.400 ha, tăng thêm 3000 ha so với năm 2010; năng suất, sản lượng cây ăn quả tăng thêm 12-15%/năm... giá trị sản xuất trung bình đạt từ 150-180 triệu đồng/ha, trong đó cây ăn quả có giá trị kinh tế cao đạt từ 250-300 triệu đồng/ha.

Dự thảo đề án cũng đưa ra các nhiệm vụ giải pháp để đạt mục tiêu trên đây: xây dựng các vùng trồng và thâm canh cây ăn quả, các mô hình hộ, trang trại trồng cây ăn quả đạt năng suất cao, làm nơi trình diễn và tham quan, học tập kinh nghiệm cho nông dân, bao gồm: Hỗ trợ xây dựng 6 vùng trồng và thâm canh bưởi Diễn, bưởi Quế Dương tập trung, qui mô từ 150 ha/vùng trở lên; xây dựng 2 vùng trồng cam Canh qui mô trên 100 ha/vùng tại huyện Hoài Đức và Thanh Oai; hỗ trợ xây dựng 3 vùng thâm canh nhãn, quy mô trên 50ha/vùng tại các huyện Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức; 3 vùng thâm canh chuối qui mô trên 100ha/vùng tại các huyện Phú Xuyên, Ứng Hòa, Gia Lâm; 2 vùng trồng thử nghiệm thanh long ruột đỏ qui mô 10ha/vùng tại huyện Ba Vì và Thạch Thất… Tổng kinh phí thực hiện đề án ước tính trên 845 tỷ đồng.

Đề án bảo tồn hoa cây cảnh đưa ra mục tiêu từ nay đến năm 2015, Hà Nội dự kiến xây dựng mô hình bảo tồn, phát triển đào Nhật Tân và quất Tứ Liên, thu thập, sưu tầm các kỹ thuật cổ truyền chăm sóc cây cảnh. Đồng thời, phổ biến, mở rộng vùng sản xuất đào Nhật Tân và quất Tứ Liên tại các vùng có điều kiện sản xuất phù hợp như Thường Tín, Long Biên, Đông Anh…

Ngoài việc bảo tồn giống đào Nhật Tân và quất Tứ Liên, Hà Nội cũng sẽ từng bước hiện đại hóa 2 vùng sản xuất hoa xuất khẩu quy mô 50ha/vùng tại huyện Mê Linh và Đan Phượng; xây dựng Trung tâm giới thiệu hoa đào quy mô 50 ha tại quận Long Biên; phấn đấu đến năm 2015, nâng diện tích trồng hoa, cây cảnh của Thành phố lên 2.165 ha, giá trị sản xuất bình quân đạt 350-400 triệu đồng/ha.

Để thực hiện được mục tiên trên, Thành phố sẽ tập trung đầu tư hạ tầng giao thông, điện và nước; có cơ chế khuyến khích dồn điền đổi thửa để tạo nên những vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa; quan tâm phát triển giống hoa, cây ăn quả năng suất, chất lượng cao; gắn các vùng chuyên canh hoa, cây cảnh, cây ăn quả với phát triển du lịch sinh thái.

Hiện nay trên địa bàn thành phố có  trên 2.000 ha trồng hoa, cây cảnh tập trung chủ yếu tại các huyện Từ Liêm, Mê Linh, Tây Hồ, Thường Tín, Đan Phượng… Giá trị sản xuất đạt trên 200 triệu đồng/ha.

Tại hội nghị lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo hai Đề án, ông Trần Xuân Việt cho rằng: việc triển khai thực hiện hai đề án trên đây đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn, do vậy cần lựa chọn làm thí điểm, tập trung vào một số giống cây và vùng nhất định, từ đó đánh giá và triển khai nhân rộng. Bên cạnh đó, cần có cơ chế huy động vốn, khuyến khích nghiên cứu, phát triển các loại giống mới.

Giang Đông

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ