(GD&TĐ) - Với mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên tiểu học, THCS các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam, trong suốt quá trình thực hiện từ pha I đến pha II, Dự án Việt-Bỉ đã góp phần rất quan trọng về nâng cao chất lượng GD ở những tỉnh khó khăn này.
Trình diễn dạy học tích cực |
Lời người trong cuộc
Cô giáo Trần Thị Bích Hoa, Trường THCS Quang Trung, TP Thái Nguyên chia sẻ: Tham gia vào Dự án Việt-Bỉ, chúng tôi đã được trang bị rất nhiều kỹ năng dạy học tích cực (DHTC), ví dụ đặt câu hỏi theo hệ thống, kỹ năng nhỏ trong ứng xử sư phạm thân thiện và cởi mở, kỹ năng kiểm tra HS, phương pháp đánh giá HS rất linh hoạt cả về thời điểm và cách thức. Được tập huấn các kỹ năng này và trải nghiệm nó, bây giờ chúng tôi có thể “dạy như chơi”, rất nhẹ nhàng, thoải mái. Nói như thế không có nghĩa là hời hợt, mà điều quan trọng từ gốc là chúng tôi đã có được sự thay đổi trong cả thái độ, ý thức làm việc có trách nhiệm của GV; không khí lớp học khác hẳn, thầy và trò cùng thăng hoa, tình cảm thầy trò rất mật thiết. Đó là những yếu tố rất quan trọng làm thay đổi chất lượng GD, thể hiện ở cả kiến thức và kỹ năng của HS. Nhiều người ngỡ ngàng khi tiếp xúc với HS hiện nay và so sánh với HS 5 năm trước. Các em giỏi và sáng tạo lắm.
Cô Ngô Thị Thanh Xuân, GV trường CĐSP Quảng Ninh thì khẳng định tính hấp dẫn riêng của những nội dung mà Dự án Việt-Bỉ đã cung cấp cho mình trong lĩnh vực biên soạn tài liệu địa phương. Đây là công trình lớn nhất trong đời dạy học mà tôi được trực tiếp cảm nhận và tham gia. Chúng tôi không chỉ có được kỹ năng viết giáo trình mở (có cả nội dung và phương pháp) và dạy giáo trình này theo phương pháp tích cực, biết cách tổ chức DHTC, có khả năng nghiên cứu ứng dụng sư phạm, lại có điều kiện nâng cao trình độ CNTT trong dạy học. Thông qua toàn bộ quá trình này, phông văn hoá nói chung của mỗi GV đã được nâng lên rất nhiều. Chúng tôi mới nhận ra rằng, lao động của nhà giáo là rất đặc thù, đòi hỏi một năng lực tổng hợp và kiến thức rộng. Những gì chúng tôi được đào tạo ban đầu chỉ là rất sơ đẳng, quá trình bồi đắp thường xuyên mới là quan trọng, và vai trò tự bồi dưỡng là lớn lắm. Muốn có vai trò đó, bản thân GV phải say mê, phải có ý thức, và phải nhận thức được mình thiếu gì, cần gì để yêu cầu được đáp ứng và tự đáp ứng.
Cô Vũ Thị Bình, GV Trường CĐSP Lào Cai đã dùng hình ảnh người làm vườn thay cho hình ảnh người lái đò để nói về công việc của nhà giáo. Cô nói: GV chính là người hiểu rõ nhất mảnh vườn của mình với các loại cây khác nhau, các kỹ thuật chăm sóc khác nhau, và biết cách áp dụng những kỹ thuật đó để làm cho cây nở hoa kết quả. Và cô cho đó là thay đổi lớn về nhận thức nghề nghiệp sau quá trình tham gia Dự án Việt-Bỉ suốt 2 pha liền. Cô nói: trong 10 năm ấy, lúc nào chúng tôi cũng háo hức đón chờ các nội dung tập huấn, bởi nhu cầu đổi mới phương pháp ở GV là rất lớn, nhất là với những GV dạy nghề sư phạm như chúng tôi. Và chúng tôi đã được đáp ứng, không chỉ để thay đổi trong công việc của chính mình, mà còn giúp cho SV những kỹ năng nghề nghiệp thông qua tập huấn, thực hành và trải nghiệm thực tế. Chúng tôi có được niềm tin về sự thành công của việc áp dụng các phương pháp DHTC. Chúng tôi được tạo cơ hội và điều kiện để “trình diễn nghề”, đồng thời cũng biết được những đổi mới nào là vì HS thực sự, còn cái gì chỉ là hình thức.
GV nào cũng có thể dạy học tích cực và thân thiện
Thành quả đạt được về chất lượng đội ngũ GV tiểu học và THCS không chỉ dừng ở 14 tỉnh miền núi phía Bắc, mà rất nhiều nội dung tập huấn đã được triển khai nhân rộng ra cả nuớc, như dạy và học tích cực, thư viện thân thiện, nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng, biên soạn tài liệu địa phương. Trong quá trình đổi mới giáo dục phổ thông, việc đổi mới phương pháp dạy học được coi là thành phần trì trệ nhất, khó thực hiện nhất. Vậy mà các nhà thiết kế Dự án Việt Bỉ lại lựa chọn vùng khó để triển khai, thì những thành công có được sẽ càng có ý nghĩa.
Các đại biểu tham gia Hội thảo THTT, HSTC |
Sau 5 năm tác động, dự án đã góp phần làm thay đổi cơ bản nhận thức và kỹ năng của GV và CBQLGD của các tỉnh tham gia dự án về DHTC, về nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng, về thư viện thân thiện, về biên soạn tài liệu giáo trình địa phương. Riêng xây dựng thư viên thân thiện là hoạt động nằm ngoài kế hoạch mà văn bản dự án đề ra song TVTT đã hỗ trợ đắc lực cho công tác DHTC, góp phần làm thay đổi các hoạt động GD, thay đổi diện mạo nhà trường, tạo không khí học tập cho HS và sự đam mê nghề nghiệp của GV. Hiện nay nhiều Sở GD&ĐT đã triển khai nhân rộng mô hình thư viện thân thiện ra các trường ngoài dự án.
Sản phẩm cụ thể sau Dự án chính là mô hình DHTC, mô hình TVTT; là 3 bộ sách về Nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng, Dạy và học tích cực, Thư viện thân thiện; 76 cuốn sách Giáo dục địa phương cho 14 tỉnh thuộc Dự án. Đaâ là phần nội dung rất có ý nghĩa để góp phần nhân rộng thành quả của Dự án sau này, tạo nên tính bền vững của Dự án.
Ngay trong thời gian triển khai Dự án thì một số hoạt động cũng đã được nhân rộng ngay (tập huấn Nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng, tập huấn DHTC...). Mới đây, ngày 19-5-2010, trong công văn hướng dẫn về bồi dưỡng hè 2010 cho GV của Bộ GD-ĐT cũng có nội dung bồi dưỡng phương pháp nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng. Tại Hội nghị tổng kết các kết quả Dự án Việt Bỉ diễn ra từ 23 đến 25-6-2010, Ban giám đốc Dự án cũng đã có khuyến nghị : Để tăng cường hơn nữa tính bền vững của Dự án, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên tổ chức tập huấn nhân rộng đội ngũ cốt cán trung ương, đặc biệt cần tập huấn cho các cán bộ chỉ đạo các môn học của các Vụ bậc học, Viện KHGD về các nội dung mà Dự án Việt Bỉ đã tiến hành trong pha 2 (2005-2010), đồng thời cần có thêm một dự án Pha 3 tiếp nối để hỗ trợ cho Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc triển khai, giám sát, đánh giá việc thực hiện tại các địa phương, hỗ trợ cho Bộ trong việc xây dựng chương trình bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên chu kỳ 2010-2015 và chương trình giáo dục phổ thông sẽ thực hiện trong năm 2015.
Nguyễn Hoàng