(GD&TĐ) - Có những điều suy ngẫm cả đời mới đúc rút ra được. Về thời đi học của tôi thì cái chính là sự may mắn của bản thân khi đã chọn được một ngành nghề mà mình thích thú”- Đó là tâm sự của GS.TS Ngô Đức Thịnh (Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Dân gian Việt Nam; Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam).
Say mê và may mắn
Tôi học chuyên ngành Dân tộc học, Trường Đại học Tổng hợp (khoá từ 1963 đến 1967). Lúc đó, được vào khoa Lịch sử, nhưng tôi lại không thích học ngành Lịch sử mà lại chọn học Dân tộc học, bây giờ gọi là Nhân học. Tuy cùng một khoa nhưng là 2 chuyên ngành khác nhau. Tất nhiên Dân tộc học thì phải cần có Lịch sử. Nói như thế để thấy rằng sự nghiệp của tôi hiện nay bắt nguồn từ sự say mê thời đi học. Nhưng cũng là một may mắn lớn khi tôi được học đúng lĩnh vực mình ưa thích, sau đó lại được làm việc ở đúng lĩnh vực này.
Ngày trước sinh viên thời chúng tôi cứ hỏi với nhau: Thế nào là hạnh phúc? Thế nào là niềm vui? Những điều đó bấy giờ còn mơ hồ lắm. Còn bây giờ những hỏi câu ấy mình có thể trả lời được: Hạnh phúc tức là được làm cái mình thích. Theo tôi, hạnh phúc ấy, niềm vui ấy không phải ai cũng có được, đạt được.
Nói may mắn là như vậy. Tất nhiên, để có được hạnh phúc cá nhân phải nhận thức được về lĩnh vực mình theo đuổi, rồi phải có sự nỗ lực của bản thân, nhưng may mắn cũng là cái không thể bỏ qua được. Trong cuộc đời tôi thấy có những người rất có năng lực, nhưng lại không may mắn được làm cái mình thích. Có lẽ để phát triển năng lực của từng con người thì phải làm sao hướng được người ta đến sự nỗ lực vào lĩnh vực người ta thích thú. Cho nên, nhiều sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh đến gặp tôi hỏi: Thầy ơi, em nghiên cứu cái này cái kia được không. Rồi bao giờ tôi cũng hỏi lại: Thế cậu thật sự thích làm cái gì? Trước hết, việc học tập, nghiên cứu phải tôn trọng ý nguyện của từng cá nhân. Bởi sự say mê là động lực của sáng tạo. Khi anh đã thích làm một điều gì đấy, anh sẽ tập trung toàn tâm toàn ý vào nó mà không có khái niệm vất vả. Chẳng hạn, nếu tôi chẳng may phải làm công việc không yêu thích, nghiên cứu lĩnh vực không đúng ý nguyện của tôi thì tin chắc tôi sẽ rất kém cỏi, đơn giản vì đã không thích thì khó mà thành công được.
Một lớp học thời kháng chiến chống Mỹ (Ảnh: Hãng thông tấn NDN Nhật Bản) |
Ấn tượng những người thầy
Hồi tôi thi vào ĐH Tổng hợp, ban đầu dự định chọn học ngành Lịch sử ở khoa Lịch sử cũng có phần “hướng nghiệp” từ một thầy giáo dạy cấp 3 (Trường Cấp 3 Hải Hậu, tỉnh Nam Định). Lâu rồi tôi chỉ còn nhớ thầy tên là Tú. Thầy Tú cũng vốn học khoa Lịch sử Trường ĐH Tổng hợp. Ấn tượng tôi vẫn nhớ rõ là thầy dạy rất hay, thầy đã khiến tôi thích theo đuổi ngành học này. Nhưng khi đã đỗ vào trường ĐH, tôi cảm thấy mình không thích hợp với môn Lịch sử bằng môn Dân tộc học - một môn học mà chỉ khi thi vào đại học tôi mới được biết đến. Điều đó cho thấy tác động bên ngoài là một phần, quyết định cá nhân lại là phần rất quan trọng đối với cả đời người.
Khi tôi học phổ thông còn có một thầy giáo dạy Văn để ấn tượng lớn cho tôi. Thầy cũng nguyên là sinh viên Văn Trường ĐH Tổng hợp. Kiến thức của thầy rất uyên bác, thầy có cách “lên lớp” không giống ai. Vào lớp thầy không bao giờ hỏi học sinh bài cũ. Cái này đương nhiên học trò rất thích. Nhưng thích hơn nữa cách dạy của thầy, dù nếu đem nguyên tắc sư phạm ra để “soi xét” thì có vẻ cách dạy như thế là không “đúng đắn”. Cứ mỗi giờ dạy, thầy lại lấy một chồng vở học trò đem đặt lên mặt bàn giáo viên, rồi... nhảy lên ngồi, nói từ đầu giờ đến cuối giờ gần như không nghỉ. Bài giảng của thầy luôn rất hay, rất cuốn hút. Ai kịp ghi gì vào vở thì ghi, không ghi kịp hết tất cả lời thầy cũng không sao. Nhưng đáng nói là ngay trên lớp hầu như học sinh bọn tôi ai cũng nhớ kỹ bài học hôm đó như thế nào, có nội dung gì, trọng tâm cần ghi nhớ ở đâu. Đến mức có những buổi thầy giảng ở lớp này, nhiều học sinh lớp khác trống tiết còn sang đứng ngoài cửa nghe thầy giảng. Sau nhiều năm tháng, tôi vẫn nhớ thầy tên là Trần Tăng Bí. Nhớ cũng phần vì học trò chúng tôi hồi đó khá nghịch, có lần còn vẽ lên bảng một ông sư ở trần ôm quả bí để trêu thầy. Cả lớp rất khoái trí, còn thầy không trách phạt ai mà cứ để nguyên cái hình đó trên bảng suốt buổi học. Mãi sau này khi đã trưởng thành, bạn bè cũ gặp lại nhau vẫn còn nhắc kỷ niệm về người thầy được học trò yêu quý ấy.
Vào đại học thì tôi lại có một may mắn khác mà có lẽ các thế hệ sinh viên bây giờ không gặp được. Thời tôi học khoa Sử có rất nhiều tên tuổi như thầy Trần Quốc Vượng, thầy Phan Huy Lê, thầy Đinh Xuân Lâm, thầy Hà Văn Tấn... Toàn những “cây đa cây đề”. Học với các thầy ấy, bên cạnh những kiến thức uyên bác được truyền đạt đã đành, cái quan trọng nữa là bản thân mỗi thầy đều là những biểu tượng, là tấm gương để mình vươn tới. Chứ không chỉ có vấn đề là kiến thức thôi đâu. Phải biết được rằng trạng thái của một sinh viên mới vào trường đại học mà được học với những tên tuổi đang nức tiếng, không ngưỡng mộ sao được. Tất nhiên, sau này có những việc các thầy làm thì mình cũng đạt được, nhưng những hình tượng người thầy như vậy rất cuốn hút sinh viên. Đấy là không kể ngày tôi mới vào trường, vừa có một lớp thầy đi khỏi trường, hay có được học các thầy mấy buổi rồi sớm chia tay vì một số lý do của các thầy. Nhưng với những người thầy như thầy Trần Văn Giàu, thầy Trần Đức Thảo, thầy Trương Tửu... dù sinh viên chỉ được học mấy buổi thôi đã không thể quên. Rồi có thầy tôi chỉ nghe “tiếng”, nhưng tiếng vang của thầy để lại thì rất lớn trong sinh viên, nhất là sách vở các thầy viết ra.
Nhớ lại thời còn học phổ thông, không hiểu sao áp lực học hành đối với con cái của cha mẹ không lớn lắm. Ít nhất là ở nhà tôi. Từ cấp 1 đến cấp 3, bố mẹ tôi có biết mặt ông thầy nào với ông thầy nào đâu. Chỉ có một vài lần có ông thầy đến nhà thăm, thì bố mẹ biết vậy thôi. Không bao giờ có chuyện phụ huynh đến thăm thầy cô giáo của con. Còn bây giờ thì khác quá. Các cháu mình đi học, bố mẹ mà không theo sát thì mệt lắm. Ngay cách học hồi trước cũng khác, cảm giác tuổi thơ tôi được “chơi” nhiều hơn học, nhưng mà cũng không kém cỏi. Mà đặc biệt là gia đình thì chưa bao giờ gây áp lực học hành cho con cái.
Phải học ngoại ngữ!
Từ kinh nghiệm thời đi học của mình, tôi thấy rằng, trong hình thành phương pháp tư duy cho học sinh, vai trò người thầy rất lớn và chúng ta phải nhìn nhận rõ điều này, càng lên bậc học cao vai trò của người thầy càng lớn. Không có thầy giỏi thì không thể có trò giỏi. Cho nên, khi làm chủ trì những cơ sở đào tạo, bao giờ tôi cũng bảo vệ quyền lợi cho người đi học bằng cách chọn lựa những người thấy tốt nhất “đứng lớp”. Chẳng hạn trước kia còn làm phục trách ở Viện Nghiên cứu văn hoá, có những thầy hỏi: “Tại sao anh không mời tôi dạy?”. Tôi bảo “Thế bây giờ anh chứng minh cho tôi là ở Hà Nội (chứ chưa nói là ở Việt Nam) có người nào dạy môn đó kém hơn anh thì tôi mời anh”. Còn có người thứ 2 giỏi hơn anh thì chắc chắn tôi mời người đó. Bây giờ có tình trạng rất tệ là “đóng cửa” lại để phân công nhau dạy. Như thế làm sao người học có cơ hội tiếp cận được với nhiều thầy giỏi. Vậy lấy đâu ra được nhiều học sinh thật sự giỏi. Thậm chí, có khi còn phải mời thầy nước ngoài đến dạy, bởi lẽ có lĩnh vực họ nắm, họ giỏi hơn thầy của mình, vậy tại sao không mời?
Một vấn đề nữa là chuyện học ngoại ngữ. Thời tôi đi học, nếu những người được ra nước ngoài học thì không nói làm gì, còn học trong nước, việc học ngoại ngữ không được coi trọng. Điều đó rất tai hại. Sau này con tôi học đại học, tôi vẫn khuyên con có thể hy sinh những điểm môn khác, không cần phải cao hết, mà hãy tập trung nhiều vào ngoại ngữ, sau này sẽ không còn thời gian để học nữa đâu. Không nhất thiết môn nào cũng phải giỏi. Nếu như cần phải đầu tư thì ngoại ngữ chính là một trong những hướng rất cần đầu tư cho học sinh, để sau này nó là phương tiện đi vào cuộc sống, tiếp cận với thế giới, nhất là tri thức nhân loại. Thế hệ mình nhiều người đã “hỏng” về ngoại ngữ rồi, một phần đất nước tụt hậu về khoa học công nghệ cũng vì thế.
“Có những điều suy ngẫm cả đời mới đúc rút ra được. Về thời đi học của tôi thì cái chính là sự may mắn của bản thân khi đã chọn được một ngành nghề mà mình thích thú”- Đó là tâm sự của GS.TS Ngô Đức Thịnh (Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Dân gian Việt Nam; Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam).
Sự say mê là động lực của sáng tạo. Khi anh đã thích làm một điều gì đấy, anh sẽ tập trung toàn tâm toàn ý vào nó mà không có khái niệm vất vả. Chẳng hạn, nếu tôi chẳng may phải làm công việc không yêu thích, nghiên cứu lĩnh vực không đúng ý nguyện của tôi thì tin chắc tôi sẽ rất kém cỏi, đơn giản vì đã không thích thì khó mà thành công được.
Bắc Sơn