Tôi từng có một khoảng thời gian không bao giờ muốn nhớ tới nữa. Đó là 2 năm tôi có chồng và chung sống với mẹ chồng. Phải nói mẹ chồng tôi khủng khiếp, khủng khiếp hơn cả những từ ngữ có thể dùng để nói về một người mẹ chồng độc ác .
Cũng phải thôi, khi đó, nhà chồng tôi giàu có nhất nhì thị trấn. Mẹ chồng tôi kinh doanh vàng bạc đá quý, nhà ở biệt thự, đi xe hơi, có tài xế riêng, có mấy mảnh đất vàng ở trung tâm thị trấn. Còn tôi, nhà tôi nghèo, bố mẹ thuần nông, tôi cũng chỉ là một cô nhân viên thu ngân bé nhỏ, chẳng có quyền lực hay ai chống lưng cho.
Mẹ chồng cũ luôn gọi tôi là con đỉa. Bởi bà nghĩ tôi đã dám mồi chài, câu kéo và bám riết con trai cưng của bà. Ngày cưới, bà còn cười nhạt hất đổ cả ly rượu tôi mời chỉ vì "không ưa nổi cái mặt của cô". Quan khách im lặng. Tôi điếng người. Bố mẹ tôi sững sờ rồi giận dữ đòi bỏ về.
Đám cưới phút chốc trở nên u ám. Ai cũng cúi mặt ăn cho nhanh rồi ra về. Tiếng tăm về tôi, một cô gái nghèo được làm dâu nhà giàu, bị mẹ chồng hắt hủi bỗng chốc lan khắp nơi.
Những ngày sau đó, tôi sống như trong địa ngục. Chỉ cần trong nhà có một hạt bụi thôi, mẹ chồng cũng lôi cả dòng họ tôi ra mắng chửi. Mà căn nhà ấy 5 tầng chứ có ít ỏi gì. Mỗi bữa cơm, tôi phải nấu đủ 5 món và một món tráng miệng.
Tôi cũng không được ngồi ăn chung với bố mẹ chồng và chồng mà luôn đứng cùng hai cô giúp việc. Họ ăn xong rồi, tôi mới được ngồi ăn. Chồng tôi thương, mấy lần lén ngồi ăn với tôi nhưng bị mẹ chồng bắt gặp được. Bà mắng mỏ chồng tôi như thể anh phạm tội to lắm.
Tôi từng có một khoảng thời gian không bao giờ muốn nhớ tới nữa. (Ảnh minh họa)
Tôi cắn răng chịu đựng vì chồng. Nhưng đến khi mẹ chồng tôi đòi tát cả mẹ tôi, lật đổ bàn thờ nhà tôi thì tôi chịu không nổi nữa. Chỉ vì mẹ tôi đến thăm, làm vỡ cái bát đắt tiền nhà bà. Cảm giác uất ức bấy lâu dồn nén nay bùng nổ. Tôi tuyên bố ly hôn, dẫn mẹ ra khỏi nhà ngay hôm đó mà không cầm theo bất cứ gì.
Kết thúc 2 năm sống chung, tôi chẳng có gì ngoài nỗi đau. Đến đứa con tôi cũng chẳng có vì mẹ chồng nói "không có con với kẻ hèn mọn".
Chồng tôi lại hèn nhát, nghe lời mẹ mà không dám vùng dậy để bảo vệ vợ. Như thế, tôi còn động lực gì để cố gắng tiếp tục ở lại nhà chồng?
Sau ly hôn, tôi mất một khoảng thời gian để cân bằng cuộc sống. Nhưng đêm đến, tôi vẫn hay ám ảnh bởi gương mặt mẹ chồng. Để tránh tổn thương, tôi bỏ vào Sài Gòn để tìm việc làm và ở lại hẳn trong ấy.
Đầu tháng nay, mẹ tôi bị bệnh nên tôi về thăm mẹ và ở nhà vài hôm. Hôm qua, lúc đang dọn dẹp đồ cũ trong kho thì tôi thấy một người buôn đồng nát đi ngang qua. Sẵn tiện có vài món đồ cần bán, tôi gọi bà ấy vào.
Nào ngờ, bà ấy cởi cái nón mê rách tươm trên đầu ra cũng là lúc tôi choáng váng vì gương mặt ám ảnh mình bấy lâu. (Ảnh minh họa)
Khi bà ấy vào, tôi thấy thương quá nên vào nhà lấy ly nước ra mời bà ấy uống cho đỡ khát. Nào ngờ, bà ấy cởi cái nón mê rách tươm trên đầu ra cũng là lúc tôi choáng váng vì khuôn mặt ám ảnh mình bấy lâu.
Ngay cả bà ấy cũng đứng sững lại, khuôn mặt hiện lên nét ngạc nhiên tột độ. Đó chính là mẹ chồng cũ của tôi.
Đúng là trái đất tròn. Chỉ là tôi không ngờ, khi gặp lại sau mấy năm, giờ mẹ chồng cũ tôi lại ra hình dáng và có cuộc sống khổ cực thế này. Cuộc mua bán diễn ra rất nhanh chóng rồi mẹ chồng cũ tôi vội vã gánh thúng đi.
Nghe mẹ tôi kể, nhà họ đánh liều bỏ hết tiền vốn ra đầu tư bất động sản nhưng không gặp thời, cuối cùng mất trắng hết. Chồng cũ tôi giờ phải đi làm nhân viên bảo vệ, mẹ chồng cũ thì đi buôn đồng nát.
Bà ấy sợ người ta biết nên phải đội nón che mặt đi. Không ngờ, bà ấy lại vào nhà tôi. Cũng đúng thôi, trước đây bà ấy có bao giờ bước chân đến nhà tôi đâu.
Tôi luôn không ưa mẹ chồng cũ. Nhưng giờ thấy bà ấy sa cơ, khổ cực lại thấy vừa xót vừa hả hê. Ở đời, đừng lúc nào cũng tỏ ra giàu sang mà coi thường người khác, biết đâu một lúc nào đó, mình lại rơi vào cảnh tương tự.
Giờ tôi có nên tìm gặp chồng cũ và giúp đỡ anh một ít cho trọn nghĩa vợ chồng không?