Công khai nhu cầu nhân lực ngành, lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý

GD&TĐ - Cử tri tỉnh Ninh Bình đề nghị Bộ GD&ĐT có giải pháp mạnh để khắc phục tình trạng các trường ĐH tuyển sinh đào tạo những gì mình có, không gắn với yêu cầu của thị trường nguồn nhân lực.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Về vấn đề này, Bộ GD&ĐT cho biết: Theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH, cơ sở giáo dục ĐH tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh; công bố công khai chỉ tiêu tuyển sinh, chất lượng đào tạo và các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo, tỷ lệ có việc làm của sinh viên tốt nghiệp; bảo đảm chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo đã công bố. Thực tế, việc xác định chỉ tiêu đào tạo của một số cơ sở giáo dục ĐH chưa thực sự phù hợp với nhu cầu nhân lực. Để khắc phục vấn đề này, Bộ GD&ĐT đã triển khai một số giải pháp sau: 

Về số lượng: Với những ngành trọng yếu (sư phạm, sức khỏe), Bộ GD&ĐT lấy ý kiến của UBND các tỉnh/thành phố hoặc Bộ Y tế về nhu cầu nhân lực đối với ngành đào tạo. Với những ngành còn lại, các cơ sở giáo dục ĐH phải khảo sát, xác định nhu cầu nhân lực theo trình độ và ngành/chuyên ngành đào tạo khi xây dựng chương trình đào tạo và công khai trên trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo để cộng đồng tham khảo và tham gia giám sát khi chọn trường, chọn ngành cho con em theo học. Giao Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực của Bộ GD&ĐT phát triển kênh khảo sát độc lập về số lượng và chất lượng giáo dục ĐH, từ đó có cơ sở để điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh và chỉ đạo sát hơn về những vấn đề liên quan đến chất lượng giáo dục ĐH.

Về chất lượng: Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về giáo dục ĐH, trao quyền tự chủ để các cơ sở giáo dục ĐH tự chủ về chuyên môn, học thuật và nghiên cứu khoa học. Quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở giáo dục ĐH, thực hiện khung trình độ quốc gia Việt Nam tiến tới tham chiếu với khung tham chiếu trình độ ASEAN. Xây dựng chuẩn chương trình đào tạo cho các ngành hoặc khối ngành để thực hiện chức năng quản lý và giám sát chất lượng đào tạo. Thúc đẩy quan hệ hợp tác ĐH - doanh nghiệp nhằm thu hẹp khoảng cách giữa đào tạo và thực tế, giúp sinh viên tốt nghiệp nhanh chóng tiếp cận với công việc. Tiếp tục nâng cao trình độ của đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý thông qua xây dựng và triển khai các đề án. Chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các cơ sở giáo dục ĐH thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu nhằm tìm ra giải pháp tốt hơn cho các vấn đề của giáo dục ĐH...

Về trách nhiệm quản lý Nhà nước: Theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH: “Bộ, cơ quan ngang Bộ có trách nhiệm nghiên cứu, dự báo nhu cầu nhân lực của ngành, lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý để hỗ trợ công tác xây dựng kế hoạch đào tạo, phối hợp với Bộ GD&ĐT thực hiện quản lý Nhà nước về giáo dục ĐH trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình”. Vì vậy, để giải quyết triệt để vấn đề cử tri quan tâm, các bộ, ngành cần thực hiện nghiêm túc quy định này của Luật và công khai nhu cầu nhân lực của ngành, lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý để ngành Giáo dục có cơ sở điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh và xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu nhân lực; tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở giáo dục ĐH về hoạt động tuyển sinh theo thẩm quyền.

Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành và địa phương để triển khai đồng bộ các giải pháp nêu trên nhằm sớm giải quyết việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp, bảo đảm phù hợp với nhu cầu nhân lực theo ngành, lĩnh vực và đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thủ môn Quan Văn Chuẩn thận trọng trước trận gặp U23 Iraq.

U23 Việt Nam 'đọc vị' U23 Iraq

GD&TĐ - Trước trận so tài với U23 Iraq ở tứ kết U23 châu Á, thủ môn đội trưởng U23 Việt Nam Quan Văn Chuẩn tỏ ra khá thận trọng.