Bài học trên chuyến tàu

GD&TĐ - Trên chuyến tàu từ Vinh ra Hà Nội vừa rồi, tôi tình cờ nghe được câu chuyên của hai mẹ con ngồi ở dãy ghế ngay phía trước. Người mẹ tỉ tê với con:

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

“Lát nữa chú soát vé đến, mẹ sẽ bảo với chú ấy là con mới có 5 tuổi và con phải gật đầu xác nhận đấy nhé!”. Đứa bé mở to đôi mắt nhìn mẹ đầy ngạc nhiên: “Nhưng con đã 6 tuổi, học gần hết lớp 1 rồi mà?”. Người mẹ thản nhiên: “Mẹ phải nói thế để người ta miễn vé cho con. Mẹ chỉ mua một vé thôi”. Đứa bé phụng phịu: “Nhưng con không thích bị bé đi đâu!”. Người mẹ trừng mắt nhìn con. đứa bé miễn cưỡng im lặng nhưng vẫn tỏ vẻ khó chịu.

Một lát sau, người soát vé đến. Mọi việc diễn ra đúng như dự tính của người đàn bà. Người soát vé vừa đi khuất, gương mặt người mẹ giãn hẳn ra đầy vẻ hả hê trong ánh nhìn ngơ ngác, khó hiểu của đứa trẻ.

Như vậy là chỉ vì cái lợi nhỏ trước mắt, người mẹ đã vô tình góp phần hình thành nên một thói quen xấu ở trẻ: Thói quen thiếu trung thực.

Thói quen xấu này nếu cứ phát triển và trở thành tính cách của đứa trẻ trong tương lai thì sẽ nguy hại biết chừng nào. Bởi các em đang ở lứa tuổi nhạy cảm nhất, mỗi lời nói, việc làm của người lớn, đặc biệt là các bậc phụ huynh – những người gần gũi thân thiết nhất của trẻ sẽ có tác động, ảnh hưởng lớn đến thế giới tâm hồn và sự phát triển nhân cách của các em.

Chuyến tàu vẫn lao nhanh về phía trước, trong tâm trí tôi cứ ám ảnh mãi ánh mắt trong veo của đứa trẻ nhìn người soát vé trong sự ngơ ngác, ngượng ngập…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ