Gỡ khó thực hiện Chương trình mới qua sinh hoạt chuyên môn

GD&TĐ - Sau mỗi buổi sinh hoạt chuyên môn, giáo viên được tháo gỡ những vướng mắc và có thêm kinh nghiệm giảng dạy chương trình mới hiệu quả hơn.

Tổ chức sinh hoạt chuyên môn lớp 10 nhằm gỡ khó cho GV triển khai Chương trình GDPT 2018.
Tổ chức sinh hoạt chuyên môn lớp 10 nhằm gỡ khó cho GV triển khai Chương trình GDPT 2018.

Sinh hoạt chuyên môn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được ngành Giáo dục Hà Tĩnh chú trọng nhằm góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Tăng cường hoạt động sinh hoạt chuyên môn

Đầu tháng 12, ngành Giáo dục Hà Tĩnh đã triển khai hoạt động sinh hoạt chuyên môn cấp tỉnh triển khai Chương trình GDPT mới cho khối THPT với sự tham dự của các chuyên gia.

Theo ông Đậu Quang Hồng (Trưởng phòng GDPT, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh), để các tiết dạy thực nghiệm chất lượng, ngành Giáo dục đã phân công đội ngũ giáo viên là GV cốt cán của tỉnh, có kinh nghiệm thực hiện. Sau khi nhận nhiệm vụ nhà trường và các GV đều dày công đầu tư tiết dạy.

Một tiết dạy minh họa Chương trình SGK 2018 môn Ngữ văn lớp 10 tại Trường THPT Hồng Lĩnh.
Một tiết dạy minh họa Chương trình SGK 2018 môn Ngữ văn lớp 10 tại Trường THPT Hồng Lĩnh.

Trường THPT Hồng Lĩnh được lựa chọn tổ chức trực tiếp buổi sinh hoạt chuyên môn cấp tỉnh về thực hiện chương trình và sách giáo khoa lớp 10 môn Ngữ văn. Buổi sinh hoạt chuyên môn được trực tuyến tại hơn 80 điểm cầu trong toàn tỉnh. Ngoài cán bộ, GV trên địa bàn Hà Tĩnh còn có sự tham dự của GS Phan Huy Dũng - Ban cố vấn NXB Giáo dục - đồng tác giả biên soạn bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống.

Được lựa chọn là GV dạy thực nghiệm, cô giáo Nguyễn Thị Quỳnh Giang – GV Trường THPT Hồng Lĩnh, cho biết bản thân mình khá hồi hộp. Để tiết dạy minh hoạ diễn ra chất lượng, sau khi nghiên cứu tài liệu, cô giáo Quỳnh Giang đã sử dụng các phương pháp dạy học tích cực: Sân khấu hóa đoạn trích; dự án học tập; kỷ thuật mảnh ghép; thảo luận nhóm và thuyết trình…

Các tiết dạy đều tập trung phát huy các năng lực cho học sinh.
Các tiết dạy đều tập trung phát huy các năng lực cho học sinh.

“Thực sự đứng trước một tiết dạy có sự tham dự trực tiếp và trực tuyến của hàng trăm cán bộ, giáo viên, tôi cảm thấy khá áp lực. Nhưng điều đó không ảnh hưởng đến giờ học vì khi thực hiện giờ dạy, tôi đã bị cuốn theo bài dạy cùng với các hoạt động của học sinh. Các em học sinh hào hứng, sôi nổi, tích cực trong các hoạt động”, cô Giang chia sẻ.

Còn tại Trường THPT Nguyễn Đình Liễn cũng vừa thực hiện Sinh hoạt chuyên môn lớp 10 theo Chương trình GDPT năm 2018 môn Toán. Chương trình được được phát trực tuyến qua ứng dụng Zoom trong toàn ngành ở hơn 40 điểm cầu.

Tiết dạy thực nghiệm môn Toán lớp 10 của bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống do GV Trường THPT Nguyễn Đình Liễn thực hiện.
Tiết dạy thực nghiệm môn Toán lớp 10 của bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống do GV Trường THPT Nguyễn Đình Liễn thực hiện.

Tại chương trình cô giáo Nguyễn Thị Trang đã dạy minh họa 1 tiết dạy môn Toán lớp 10 của bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống do NXB giáo dục ấn hành. Kết thúc tiết dạy, các chuyên gia và cán bộ chuyên môn đã tổ chức góp ý giờ dạy, trao đổi công tác chuyên môn môn Toán và một số hoạt động chuyên môn khác.

“Với sự sáng tạo, đổi mới phương pháp trong tiết dạy của giáo viên giúp cho HS thể hiện được năng lực về nhận thức và rèn luyện cho các em được nhiều năng lực khác như: tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo”, thầy Hoàng Quốc Quyết – Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Đình Liễn cho biết.

Đồng hành gỡ khó cho giáo viên

Sau các tiết dạy, Sở GD&ĐT đã tổ chức sinh hoạt chuyên môn trên phạm vi toàn tỉnh thông qua hình thức trực tiếp và trực tuyến. Tất cả giáo viên ở 2 bộ môn Toán và Ngữ văn tham dự sinh hoạt chuyên môn trao đổi, góp ý, nhận xét, đánh giá tiết dạy thể nghiệm.

Sinh hoạt chuyên môn giúp các GV có cơ hội giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, tiếp nhận nguồn tư liệu hữu ích, phục vụ cho hoạt động dạy học.

Sinh hoạt chuyên môn giúp các GV có cơ hội giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, tiếp nhận nguồn tư liệu hữu ích, phục vụ cho hoạt động dạy học.

GV cũng chia sẻ những cách làm hay, kinh nghiệm trong việc tổ chức dạy học, các hoạt động giáo dục giữa các nhà trường theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Qua đó, GV cùng rút ra được các ưu điểm và hạn chế của giờ dạy nói riêng và chương trình nói chung...

Đồng thời các các điểm cầu còn đề xuất các ý kiến với chuyên gia để nâng cao chất lượng dạy học. Cuối chương trình, các chuyên gia cũng trao đổi và định hướng cụ thể về những điểm mới của chương trình Toán và Ngữ văn lớp10 cũng như đổi mới dạy học tổng thể.

Tham gia một giờ dạy thực nghiệm môn Ngữ văn, cô giáo Nguyễn Thanh Hoài – GV Ngữ văn Trường THPT Nguyễn Công Trứ (huyện Nghi Xuân) cho biết: “Đây là năm đầu tiên lớp 10 triển khai Chương trình GDPT 2018, nên GV còn rất bỡ ngỡ trong việc chọn bài giảng, phương pháp phù hợp.

Buổi sinh hoạt chuyên môn vừa qua rất ý nghĩa và thiết thực, đáp ứng được mong muốn bao lâu nay của giáo viên. Qua những buổi sinh hoạt chuyên môn, GV được giao lưu, giải tỏa rất nhiều tâm tư với đồng nghiệp. Đặc biệt, với sự chia sẻ của PGS.TS Phan Huy Dũng, GV chúng tôi đã phần nào được tháo gỡ những băn khoăn, trăn trở trong việc thực hiện chương trình”.

Sau các tiết dạy, các chuyên gia đã lắng nghe và chia sẻ những khó khăn, vướng mắc của GV trong triển khai Chương trình GDPT 2018.

Sau các tiết dạy, các chuyên gia đã lắng nghe và chia sẻ những khó khăn, vướng mắc của GV trong triển khai Chương trình GDPT 2018.

“Các buổi sinh hoạt chuyên môn đã diễn ra nghiêm túc, hiệu quả; giúp cho các thầy cô có cơ hội giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, tiếp nhận nguồn tư liệu hữu ích, phục vụ cho hoạt động dạy học.

Đây là đợt sinh hoạt chuyên môn cấp tỉnh có ý nghĩa định hướng về phương pháp dạy và học trong bối cảnh đổi mới chương trình và sách giáo khoa ở khối lớp 10, cấp THPT. Đồng thời, chúng tôi cũng đánh giá cao và ghi nhận sự đồng hành của các nhà cung ứng đã có trách nhiệm phối hợp tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai SGK 2018”, ông Đậu Quang Hồng chia sẻ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ban lãnh đạo Trường THPT Trần Phú đến thăm, tặng quà cho em Phan Thị Ngọc.

Điểm tựa của những đứa trẻ yếu thế

GD&TĐ - Chương trình “Mẹ đỡ đầu - Kết nối yêu thương” của nữ công Công đoàn Trường THPT Trần Phú trở thành điểm tựa ấm áp cho những học sinh yếu thế.