Gỡ khó dạy tiếng Việt cho trẻ vùng cao

GD&TĐ - Bên cạnh giúp trẻ làm quen với bạn bè, trường lớp, giáo viên trường mầm non vùng cao phải linh hoạt dùng song ngữ trong dạy trẻ học tiếng Việt.

Giáo viên trường Mầm non xã Thu Lũm đón trẻ đến trường.
Giáo viên trường Mầm non xã Thu Lũm đón trẻ đến trường.

Ưu tiên tuyển dụng người địa phương

Năm học 2022 – 2023, trường Mầm non xã Thu Lũm, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu có 9 nhóm lớp với 190 trẻ. Các lớp được bố trí tại 8 điểm bản. Trong đó, có 53 trẻ từ 24 – 36 tháng tuổi. Nhà trường có 1 lớp nhà trẻ độc lập với 17 em, còn lại các bé nhà trẻ ở tại các lớp ghép 4 độ tuổi (từ 2 - 5 tuổi).

Cô Lê Thị Huyền, Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ. “Trẻ nhỏ lần đầu tiên ra lớp, mới rời xa vòng tay gia đình, đến lớp gặp cô giáo và các bạn lại cảm thấy xa lạ nên thường quấy khóc, cả ngày gọi mẹ rồi đòi về. Giáo viên phải rất vất vả trong việc chăm sóc, giáo dục, đặc biệt các nhóm lớp có nhiều độ tuổi”.

Cũng theo cô Huyền, 100% trẻ nhà trẻ là con em đồng bào dân tộc thiểu số (Hà Nhì, Dao, La Hủ). Khi mới đến lớp, trẻ biết ít và thậm chí là không biết nói tiếng Việt. Đồng thời, trẻ thường xuyên quấy khóc ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng tiếp thu kiến thức tại nhóm lớp.

Chính vì vậy, trường Mầm non xã Thu Lũm luôn tham mưu cho lãnh đạo cấp trên ưu tiên tuyển giáo viên người địa phương công tác tại địa bàn xã.

Trường Mầm non xã Thu Lũm có 12 giáo viên là người Hà Nhì.

Trường Mầm non xã Thu Lũm có 12 giáo viên là người Hà Nhì.

“Nhà trường có 12/14 giáo viên là người Hà Nhì. Điều đó thuận lợi cho những điểm bản có con em người Hà Nhì học tập. Tuy nhiên, còn có 4 giáo viên dạy tại điểm bản, trẻ không cùng dân tộc, giáo viên chưa thành thạo tiếng của trẻ. Do bất đồng ngôn ngữ với trẻ nên thời gian đầu năm, việc chăm sóc giáo dục, rèn nền nếp cho trẻ gặp nhiều khó khăn” – cô Lê Thị Huyền cho biết.

Cũng theo cô Huyền, giáo viên bản địa có rất nhiều thuận lợi khi giáo dục, chăm sóc trẻ. Vì cùng dân tộc, biết tiếng của trẻ cũng như phụ huynh nên giáo viên có thể hiểu được tâm tư nguyện vọng phụ huynh và nhu cầu ở trẻ. Từ đó, việc tuyên truyền vận động phụ huynh phối hợp trong công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ rất thuận lợi.

Cô trò cùng học

Là giáo viên dạy lớp nhà trẻ, cô Chu Thanh Nu, giáo viên trường Mầm non Thu Lũm chia sẻ: “Tôi dạy lớp nhà trẻ độc lập với 17 em. Khi mới ra lớp, các cháu thường không biết nói tiếng Việt và chưa biết nói ra những nhu cầu cá nhân nên rất vất vả để chăm sóc, thu dọn cho trẻ. Tuy nhiên, tôi may mắn là người địa phương, biết tiếng trẻ nên có thể giao tiếp và hướng dẫn bằng tiếng dân tộc rồi dần dần giảng dạy cho trẻ bằng tiếng Việt”.

Trước những khó khăn gặp phải khi đón trẻ lần đầu ra lớp, trường Mầm non xã Thu Lũm đã bố trí mỗi nhóm lớp có 1 giáo viên biết tiếng địa phương. Ưu tiên chọn giáo viên có kinh nghiệm, tâm huyết, là người địa phương dạy lớp nhà trẻ.

“Giáo viên cùng dân tộc sẽ hiểu được trẻ, từ đó động viên khích lệ và giúp trẻ bình tĩnh, an tâm khi đến trường” – cô Huyền cho biết thêm.

Tạo môi trường học tiếng Việt cho trẻ trong khuôn viên nhà trường.

Tạo môi trường học tiếng Việt cho trẻ trong khuôn viên nhà trường.

Tuy nhiên, trường hiện còn có 4 giáo viên dạy tại điểm bản của người La Hủ, Dao. Do trẻ không cùng dân tộc, giáo viên chưa thành thạo tiếng bản địa nên thời gian đầu năm, việc chăm sóc giáo dục, rèn nền nếp cho trẻ gặp nhiều khó khăn.

"Do bất đồng ngôn ngữ nên nhà trường khuyến khích giáo viên học tiếng để hiểu, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của phụ huynh, trao đổi với phụ huynh về tình hình của trẻ. Từ đó, có biện pháp chăm sóc, giáo dục trẻ tốt hơn" - cô Huyền nói.

“Tôi đang dạy lớp nhà trẻ nên việc dạy tiếng Việt cũng tập trung vào những từ đơn giản để trẻ nói ra những nhu cầu của mình. Sau khi nói giải thích cho trẻ hiểu kiến thức mới bằng tiếng mẹ đẻ, tôi phiên âm sang tiếng Việt ngay để trẻ dễ hiểu và ghi nhớ” – cô Chu Thanh Nu chia sẻ.

Bên cạnh đó, trường Mầm non xã Thu Lũm chỉ đạo các nhóm lớp tạo môi trường trong và ngoài lớp học an toàn, thân thiện, gần gũi theo hướng lấy trẻ làm trung tâm. Giáo viên sưu tầm, sử dụng các nguyên vật liệu, đồ dùng gần gũi phù hợp với bối cảnh địa phương để thu hút trẻ đến trường lớp.

Trẻ được tham gia làm đồ dùng, đồ chơi cùng giáo viên và phụ huynh.

Trẻ được tham gia làm đồ dùng, đồ chơi cùng giáo viên và phụ huynh.

Tại các điểm trường, lớp học, giáo viên thường tạo môi trường tăng cường tiếng Việt cho trẻ gắn với tiếng mẹ đẻ. Cùng với đó, gắn từ tiếng Việt kèm tiếng mẹ đẻ vào tên một số đồ dùng, đồ chơi, các loại rau, củ, quả…

Song song với các hoạt động giáo dục, nhà trường đã tham mưu với chính quyền địa phương, phối hợp cùng trưởng bản tuyên truyền đến phụ huynh cho trẻ trong độ tuổi ra lớp. Kết quả huy động đạt 100% chỉ tiêu giao. Tỷ lệ chuyên cần đạt từ 96 - 98% trở lên; riêng trẻ 2 tuổi đạt trên 95%.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.