Giúp trẻ khó khăn hòa nhập

Giúp trẻ khó khăn hòa nhập

(GD&TĐ) - Với những trẻ thiểu năng hay bất hạnh, chuyện hoà nhập xã hội để trở thành người công dân có ích đang được xã hội khắp nơi quan tâm. Ngoài chuyện dạy chữ, các nhà giáo dục đã nghĩ đến nhiều hình thức khác, không ngoài mục đích giúp các em có được môi trường tốt để phát triển.

Quán cà phê của trẻ tự kỷ

Quán cà phê tại trường trung học Woodrow Wilson rất coi trọng công việc kinh doanh của mình, bằng cách khuyến khích các nhân viên thể hiện nụ cười với khách. Khi Edward Lin, một học sinh lớp 7, im lặng nhìn chằm chằm xuống bàn chân mình thay vì ngước lên chào khách, giáo viên của cậu lại thúc vào tay để nhắc nhở. “ Tôi có thể giúp gì cho ông?”- cậu bé lẩm bẩm và vẫn nhìn xuống chân. Giáo viên của cậu lại thúc lần nữa. Lúc này Edward mới ngước lên. Sau đó, cậu nói lớn hơn và viết những yêu cầu của khách ra giấy, nhoẻn miệng cười…

Edward là học sinh thuộc lớp đặc biệt dành cho trẻ mắc chứng tự kỉ hoặc gặp khó khăn trong học tập vì các chứng bệnh bẩm sinh. Vào mỗi thứ sáu trong tuần, em và các bạn được đưa đến làm công việc phục vụ ở quán cà phê của trường. Các em thay nhau làm các công việc trong quán. Em ở quầy thanh toán có thể luyện các phép toán khi tính tiền lẻ. Em giao cà phê thì học cách định vị trường học.

Giúp trẻ khó khăn hòa nhập ảnh 1
 

Quán cà phê là ý tưởng của thầy giáo phụ trách lớp học này, Thomas Macchiaverna, 26 tuổi. Anh cho rằng công việc này không chỉ làm học sinh tự kỷ thấm nhuần cách giao tiếp tế nhị về mặt xã hội mà còn giúp chúng trau dồi những kỹ năng giao tiếp ngoài học đường. “Mục đích của công việc này là làm cho những đứa trẻ trở thành những thành viên thực sự của xã hội. Đây là phương pháp khác hoàn toàn với chương trình giáo dục tiêu chuẩn”- anh nói.

Lợi nhuận thu được từ quán cà phê – bình quân 100 USD một tuần – đã giúp cho các em có tiền tổ chức các buổi đi chơi, đi dã ngoại của lớp, hay tổ chức bữa tiệc trong ngày lễ Tạ ơn… Những khoản tiền trợ cấp cho các hoạt động trên mới đây đã bị cắt do ngân sách của quận eo hẹp.

Quán cà phê Edison là một minh họa rõ nét về cách mà các trường học ở New Jersey đang tìm nhằm mở rộng các chương trình giáo dục đặc biệt và dịch vụ bên ngoài phòng học truyền thống để giúp các học sinh tự kỷ và thiểu năng trí tuệ hòa nhập với cộng đồng. Nhiều học sinh dạng này đã được gửi đến các trường ở ngoài quận với chi phí rất cao.

Ở trường trung học Khu vực Bắc Burlington, Columbus, các em thuộc chương trình giáo dục đặc biệt còn tự quản lý các trang bán hàng tự động trên mạng, tham gia dịch vụ rửa xe do giáo viên và phụ huynh mở ra.

Còn các em tự kỷ ở trường khu vực phía nam tại Manahawkin thì mở quán kem và dịch vụ làm vườn, trồng cây, rau để bán. Trong ba năm qua, các em đã kiếm được khoảng 10.000 USD hỗ trợ cho các hoạt động của nhà trường.

Những nỗ lực như vậy đang được khuyến khích trên toàn bang nhằm đẩy mạnh sự chăm sóc các học sinh tự kỷ, đồng thời giảm áp lực tài chính đối với các quận mà vẫn đảm bảo chất lượng giáo dục.

Mở quán cà phê cho trẻ tự kỷ hoà nhập xã hội là một mô hình mới nhưng không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Những ngày đầu, các em có thể làm hỏng máy móc, không có cà phê để bán. Khách hàng có thể phàn nàn về chất lượng cà phê mà các em pha, hay các em tự đổ nước nóng lên chân mình, mặc dù đã có giáo viên đứng bên cạnh giám sát.

Tuy nhiên, dần dần mọi chuyện cũng trở nên suôn sẻ khi các em đã quen công việc. Tại đây, các em được phân công công việc cụ thể và sự hoạt động đã nhịp nhàng. Mọi người hài lòng với sản phẩm mà các em bán. Theo các giáo viên, cái mà người ta quan tâm không phải là lợi nhuận từ món hàng các em bán, mà là sự tiến bộ của các em trong giao tiếp và nhiều kĩ năng khác nữa...

 

Trường dạy ảo thuật cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn

Tại Cape Town, thành phố đông dân thứ nhì của Nam Phi có một ngôi trường đặc biệt thu nhận các em nghèo đói vào dạy cho chúng làm trò… ảo thuật.

Ông David Gore – người sáng lập trường, cho biết trẻ em cần có niềm hi vọng ở tương lai, một cái gì đó tích cực, tươi sáng trong cuộc đời chúng và ảo thuật chính là câu trả lời. Ảo thuật mang lại tất cả những động lực và niềm thích thú mà một đứa trẻ thực sự cần.

Trường thành lập vào năm 1980, đã đào tạo gần 4000 em học các trò ảo thuật. Hiện số học sinh của trường là 150 em. Nhiều em có hoàn cảnh khó khăn, thiệt thòi và các em được miễn học phí nhờ tài trợ của nhiều các cá nhân, tổ chức từ thiện trên toàn thế giới.

Monica Nyakatya, ở Khayelitsha, Cape Town, từng học ở trường nói rằng ảo thuật đã mang lại ánh sáng cho cuộc đời cô. “Tôi vẫn sống trong một khu nghèo nàn nhưng cuộc đời tôi đã thay đổi bởi vì tôi không còn ngồi trong các xó xỉnh cả ngày làm những việc ngu ngốc như hút ma tuý nữa, tôi dành hầu hết thời gian của mình ở đây, học và biểu diễn ảo thuật”.

Ông David Gore cho biết : “Phát huy trí tưởng tượng của trẻ em chính là một trong những lợi thế của ảo thuật, các kĩ năng mà các em học được trong chương trình của nhà trường sẽ mang lại nhiều lợi ích học thuật và cải thiện quan điểm, thái độ của các em trong gia đình và cộng đồng. Ảo thuật mang lại cho người học nhiều kĩ năng, muốn biểu diễn ảo thuật trước hết phải có tình yêu và sự tôn trọng đối với nó, điều này sẽ giúp phát triển các đức tính tốt đẹp như cư xử lịch sự, tích cực và lòng biết ơn. Bọn trẻ cũng học cách giao tiếp một cách rõ ràng, chính xác, và sáng tạo. Chúng cũng tự hình thành sự tự tin, lòng tự trọng và chính những điều này sẽ là động lực tích cực trong cuộc đời chúng”. 

Minh Thư (Theo Nytimes CNN)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ