Những cách sau đây nhẹ nhàng và thú vị, khơi gợi tinh thần yêu khoa học của con trẻ.
1. Thay đổi tư duy tiếp cận khoa học
Khái niệm “khoa học” thường gợi cho trẻ ở bậc Tiểu học hiểu về các con số, dữ liệu, các bài toán phức tạp hoặc các bảng thiết kế chi tiết. Chính điều này làm con trẻ ngán ngại theo đuổi khoa học. Thậm chí, học sinh các cấp lớn hơn cũng ngại khoa học vì cách tiếp cận sai lầm này.
Với học sinh trong độ tuổi Tiểu học, thí nghiệm khoa học, khái niệm khoa học nên “dễ thương hóa”, như vậy sẽ gợi nên cảm hứng yêu khoa học đối với các em.
Thay cho các con số khô khan, những thiết bị thí nghiệm có vẻ nghiêm túc, bạn nên cho con tham gia vào các trò chơi. Bông hoa cúc trắng cắm vào lọ nước màu, để qua đêm sẽ nhuộm màu hoa là thí nghiệm đơn giản về hiện tượng thẩm thấu. Hai thanh nam châm cùng chiều thì đẩy nhau, khác chiều thì hút vào nhau… Có rất nhiều thí nghiệm vui nhộn và thú vị mà cha mẹ có thể hướng dẫn con “chơi”.
Khoan hãy nhồi cả tủ sách khoa học cho trẻ, chúng sẽ sợ và trốn tránh khoa học. Cứ cho con trẻ chơi vui vẻ và tự nhiên khám phá. Khi khoa học đủ hấp dẫn, con sẽ chủ động tìm kiếm sách đọc để lý giải những thắc mắc của mình.
2. “Phòng thí nghiệm” ngay tại nhà
Trong giai đoạn đầu con trẻ tiếp cận các thí nghiệm, cha mẹ nên là người lý giải mọi thắc mắc cho con dưới góc độ khoa học. Lúc này, trẻ Tiểu học chưa có kỹ năng tìm tòi thông tin qua sách vở, chúng chỉ tiếp thu tốt qua việc nghe và tự trải nghiệm.
Sử dụng nguyên liệu và vật dụng sẵn có trong nhà, bạn vẫn có thể tạo được những thực nghiệm khoa học nho nhỏ cho con tham gia. Dạy con xếp và thả bay, bạn nên hướng dẫn cho con em mình những mẹo để máy bay giấy bay xa hơn. Đây là kiến thức về khí động học đơn giản và thú vị.
3. Dạy trẻ kiến thức khoa học từ trong bếp ăn
Cha mẹ nên đưa con vào bếp cùng mình, vừa dạy con làm bếp vừa truyền đạt kiến thức khoa học cho con, kích thích tình yêu khoa học trong con. Trẻ em học hỏi tốt nhất qua các trải nghiệm mắt thấy tai nghe. Trẻ tự tin quan sát, ngửi, nếm và bắt tay làm giúp con hiểu về khoa học dễ hơn.
Đun sôi nước và dùng nhiệt kế để trẻ thấy rõ nước lọc sôi ở 100°C, đông lạnh ở 0°C là kiến thức khoa học cơ bản. Cho muối vào ly nước lọc và khuấy cho đến khi muối không còn tan được, bạn đã dạy con hiện tượng bão hòa vật chất… Rất nhiều cách thú vị dạy con về khoa học từ gian bếp nhỏ của gia đình.
4. Giải thích khoa học khi đưa con đi chơi
Vào ngày rảnh rỗi, cha mẹ và con cái có thể cùng nhau thực hiện chuyến khám phá thiên nhiên quanh nhà. Cả nhà cùng thu thập mẫu đá, mảnh vỏ sò hoặc cây cối làm thành bộ sưu tập thiên nhiên… Bạn sẽ thấy thiên nhiên tác động tích cực đến sự phát triển của trẻ nhiều thế nào.
Đưa con đến vườn bách thú, cha mẹ có thể chỉ cho con hiểu về quá trình quang hợp của cây xanh. Con sẽ hào hứng khám phá đời sống các loại côn trùng, các loại thực vật trong thế giới tự nhiên. Bạn cũng có thể đưa con em mình cùng đến các triển lãm khoa học. Tất cả sẽ góp phần giúp chúng hứng thú và yêu khoa học hơn.
Trẻ con có động lực học và chơi khi có bạn bè chơi cùng. Bạn có thể tổ chức cho con khám phá bên ngoài cùng bạn bè, anh chị em, trẻ càng vui và hào hứng hơn.
5. Cho trẻ xem các kênh truyền hình bổ ích
Các chương trình truyền hình, kênh Youtube Kid và Facebook có rất nhiều chương trình thực hành thí nghiệm khoa học từ đơn giản tới phức tạp, rất thú vị. Con trẻ cũng rất thích xem chương trình trên các kênh này.
Bạn có thể chọn cho trẻ các kênh bổ ích. Xem quá trình sáng tạo đồ chơi, các thí nghiệm hóa học, chúng sẽ có động lực bắt chước và muốn thực hành ngay.