Đây là vấn đề làm đau đầu các bậc phụ huynh, phải làm sao để con cái chịu chú tâm vào việc học mà gác lại những chuyến đi chơi, sinh hoạt tự do trong mấy ngày Tết tưng bừng vừa qua.
Để con trẻ khởi động lại sau Tết cổ truyền một cách năng động thì phụ huynh phải làm gương. Hãy tạm gác các cuộc vui chè, rượu, đi lễ hội, tiệc tùng, buôn chuyện… mà bắt tay vào lao động nghiêm túc. Ông bà, anh chị, cô bác cũng nên chung tay ủng hộ trẻ chăm chỉ học thông qua những hành động thiết thực, phù hợp với từng cá nhân. Chỉ có thế mới dạy dỗ trẻ nghe theo và trẻ không có lý do để “tranh luận” cho sự lười biếng của mình.
Cần tạo cho trẻ cảm giác thoải mái, tức là không quá ép buộc nhưng cũng không lơi lỏng. Như một cỗ máy, khi khởi động cần phải nhịp nhàng, từ từ mới có thể tăng tốc. Luôn luôn nói về việc học để trẻ quên đi những chuyến đi chơi ngày Tết vừa qua và phải thường xuyên theo dõi, quan tâm con làm bài tập và việc học trên lớp. Đôi khi có những bài tập dễ, vừa với khả năng trẻ nhưng vì “thói lười” còn “dư âm” nên trẻ không chịu khó suy nghĩ, vận động trí não. Bậc phụ huynh cần sẵn sàng ngay, cùng ngồi vào bàn làm bài tập bên con cho con có chỗ dựa tinh thần, động lực phấn đấu.
Cũng đừng quên phối hợp với nhà trường, giáo viên chủ nhiệm trong việc học của con sau Tết. Khi biết học lực con tuột dốc, nên điều chỉnh ngay, vực dậy tính năng động trong tư tưởng của trẻ. Nếu kết quả các môn học của trẻ có phần yếu kém, đừng nên la rầy hay so sánh với những bạn học giỏi mà nên khuyên nhủ trẻ cố lên: “Sức học của con có thể hơn thế này nếu con hết lười và hãy chứng minh cho cả nhà, thầy cô, bạn bè thấy con làm tốt điều đó”; “Điểm kém hả, không sao đâu, ngày xưa cha mẹ cũng đã từng như thế. Nhưng cha mẹ đã cố gắng học tập miệt mài để những điểm số dưới trung bình không còn nữa”.... Với việc quan tâm đúng mực như thế, chắc chắn trẻ sẽ vào guồng và siêng năng học tập trở lại bình thường.