Giữa thinh không núi rừng biên viễn, ê a tiếng trẻ đọc bài

GD&TĐ - Tại nơi không có đường, không sóng điện thoại, không nước sạch, không điện vẫn có những giáo viên cắm bản miệt mài cõng chữ lên non.

LTS: Năm học mới với lễ khai giảng đặc biệt đã bắt đầu. Như thường lệ, bỏ lại niềm vui, nỗi buồn và đôi điều mong nhớ, thầy trò cả nước bước vào công việc dạy và học.

Báo Giáo dục và Thời đại cũng đồng hành cùng nhịp sinh hoạt ấy, và từ đây, những câu chuyện trường lớp, khi gần, lúc xa xin được chuyển tải đến với bạn đọc...

Con đường mòn dẫn vào điểm trường U Pa Tết (thuộc trường mầm non Tà Tổng, xã Tà Tổng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) chỉ dài khoảng 18km nhưng phải đi mất nửa ngày mới đến nơi.

Trên con đường đó, dấu chân trâu, bò, dê còn dày hơn dấu chân người.

Thế nhưng, đều đặn mỗi ngày, giữa thinh không núi rừng biên viễn vẫn ê a tiếng trẻ con đọc bài.

Tất cả là nhờ những cố gắng của giáo viên cắm bản - những người đã chấp nhận hi sinh hạnh phúc cá nhân để mang con chữ, thắp sáng những thôn bản nơi thâm sơn, cùng cốc không điện, không nước sạch, không sóng điện thoại.

Điểm bản U Pa Tết là nơi 4 không, không đường, không điện, không sóng điện thoại, không nước sạch.

Điểm bản U Pa Tết là nơi 4 không, không đường, không điện, không sóng điện thoại, không nước sạch.

Trèo đèo, lội suối, băng rừng vào điểm trường

Ba năm trước, trong một sớm mưa phây phẩy, chị Chim Thị Mừng, giáo viên cắm bản tại điểm trường mầm non U Pa Tết khoác vội chiếc áo mưa tránh gió rét, chống gậy để leo tận lên đỉnh ngọn núi ngoài bản dò sóng điện thoại.

Chị cần phải gọi cho một đồng nghiệp sẽ về nhận công tác tại U Pa Tết trong ngày hôm đó.

Giữa sương núi bảng lảng, chị Mừng cứ vạch lá, rẽ rừng mà đi.

Cuối cùng cũng đến nơi có sóng điện thoại. “Ơn giời! được một vạch, đủ để gọi”, chị nghĩ thầm.

Chị Mừng tay run run bấm số điện thoại, lòng khấp khởi mừng khi đầu dây bên kia giọng một người đàn ông vẳng lại mải miết: “Anh đang bắt đầu di chuyển từ Ka Lăng sang đây. Chắc phải chiều tối mới đến nơi vì đường khó đi quá”.

Chị chưa kịp trả lời thì điện thoại mất liên lạc. Vạch sóng duy nhất biến mất nhưng chị vui lắm vì thầy giáo đang từ Ka Lăng sang U Pa Tết cắm bản chính là chồng chị, anh Đao Văn Thích.

Năm 2016, đang công tác tại trường mầm non Tà Tổng thì chị Mừng xung phong vào điểm trường U Pa Tết.

Thấy mình đang sức trẻ, lại yêu nghề, thương trẻ, cớ gì không tìm một nơi nào xa xôi, khó khăn rồi xin cắm bản.

Nghe nói U Pa Tết là nơi thâm sơn cùng cốc, đường đi vào trúc trắc, nhiêu khê, thế là chị xin đi U Pa Tết thật.

Ngày nhận công tác ở cơ sở mới, chị Mừng một mình một xe máy, chào chồng con rồi khăn gói quả mướp vào U Pa Tết.

Đi được nửa đường, chị dừng xe, ngồi bên vệ suối khóc rưng rức vì không nghĩ cung đường vào điểm bản này lại khó khăn đến thế.

Đồ rằng có dùng cả kho tiếng Việt trong suốt từng ấy năm đi học rồi đi dạy mầm non cũng không đủ để chị miêu tả được sự oái ăm của cung đường này.

Con đường đến điểm trường U Pa Tết của vợ chồng thầy Thích, cô Mừng.

Con đường đến điểm trường U Pa Tết của vợ chồng thầy Thích, cô Mừng.

Điểm bản U Pa Tết ở nơi thâm sơn, cùng cốc của huyện Mường Tè. Đến U Pa Tết là coi như… cùng đường, từ đây không có đường liên thôn, liên xã sang địa phương khác, chỉ có thể men theo lối mòn mà đi.

Cung đường ngoằn ngoèo như sợi chỉ giăng giữa những quả đồi từ trung tâm điểm bản Nậm Ngà đến U Pa Tết trơ khốc một màu đỏ của đất, bề ngang chỉ rộng khoảng 40cm.

Một bên là vực sâu hun hút, một bên là vách núi tai bèo lởm chởm. Cầm lái giữa mênh mông bể sở sương giăng, gió hú, đằng sau đá cuội, đá dăm sạt lở ầm ầm khiến bất cứ ai cũng phải sở da gà.

Mùa nắng, gió rít trên non, sương bảng lảng vắt ngang sườn núi, người đi đường chỉ cần sơ sẩy một giây là đâm xuống vực.

Mùa mưa, đường trơn trượt, tróc vẩy từng mảng, bùn nhoe nhoét cuốn lấy bánh xe. Nước lũ dồn về, chảy xiết qua suối.

Dặn lòng có nhớ nhà thì cũng ngồi nhìn thác chảy, suối reo mà ôm cô đơn vò võ chứ cũng chẳng biết làm thế nào.

Vậy mà trên con đường dấu chân bò, dê nhiều hơn dấu chân người, vợ chồng chị Mừng, anh Thích đã đi lại hàng nghìn lần, cõng từng chữ cái vào nơi đây.

Hỏi thầy Thích, cô Mừng bây giờ đi cung đường này còn khiếp đảm nữa không?

Thầy cô giáo cõng học trò qua suối đến lớp
Thầy cô giáo cõng học trò qua suối đến lớp

Thầy Thích cười hồn nhiên: “Lần đầu vào đây cứ đi khoảng vài kilomet là dừng xe ngồi… khóc một lần. Đi mãi cũng quen, bây giờ cuối tuần là vợ chồng tôi đều lái xe về trung tâm huyện để thăm các con.

Nhưng mùa lũ thì chịu, có khi vài tháng mới về một lần. Mùa lũ là vợ chồng tôi đi bộ men theo đường mòn, băng rừng, vượt suối để về với con”.

Cắm bản nơi “bốn chấm không”

Đưa chúng tôi từ Tà Tổng vào U Pa Tết, thầy Đào Văn Thích vừa đi vừa hát.

Tiếng hát văng vẳng giữa thinh không như sợi dây chỉ dấu cho chúng tôi bám theo phía sau: “Bản của em lưng chừng núi, lưng chừng đèo/ Từng bậc thang lên xuống như cung đàn ngân dài…”.

Sau 6 tiếng băng rừng, vượt suối điểm bản U Pa Tết hiện ra cùng với dáng lưng của cô Mừng đang lom khom nhóm bếp nấu cơm.

Chúng tôi gọi U Pa Tết là điểm trường “bốn chấm không” vì không có điện, không có nước sạch, không có sóng điện thoại và không có đường.

Không có điện chiếu sáng nên mọi sinh hoạt của thầy cô rất bất tiện.

Không có điện chiếu sáng nên mọi sinh hoạt của thầy cô rất bất tiện.

Ban ngày, trong những lớp học tạm bợ, thầy trò vẫn phải căng mắt đánh vần từng chữ trên bảng vì không có đèn thắp sáng.

Sau mỗi buổi học, thầy Thích lại ra suối giăng lưới, bắt cá để cải thiện bữa ăn. Nguồn nước duy nhất của điểm trường này dẫn từ mạch nước suối tít trên cao.

“Không có điện, không sợ bằng không có nước. Mùa khô, nước trên suối cạn sạch, chúng tôi phải hứng từng giọt nước hoặc ra con suối cách đó khá xa để gánh từng thùng nước về. Nhiều khi không dám tắm rửa vì không có nước”, cô Mừng cho biết.

Thầy Thích đi bắt cá suối để cải thiện bữa ăn.

Thầy Thích đi bắt cá suối để cải thiện bữa ăn.

Tối, hai vợ chồng chong ngọn đèn pin để ăn cơm.

Trong căn nhà tạm bợ, nền đất, vách gỗ, gió thổi phần phật qua từng khe hở.

Hai vợ chồng cứ chong đèn mà co ro ăn cơm trong từng chặp gió đông hoang hoải.

Bữa cơm chỉ có một chút lá sắn xào ăn với măng cay và một ít cá bống thầy Thích đánh bắt được ngoài suối.

Thi thoảng có hôm bà con trên bản ai bắt được con cá, đi chợ có miếng thịt lại biếu thầy cô để cải thiện bữa ăn.

Thầy Thích tâm sự: “Lần đầu tiên đến U Pa Tết, tôi thấy thương vợ lắm vì biết cô ấy đã rất vất vả trong mấy năm qua. Dù sao có bàn tay người đàn ông chăm sóc cũng bớt cô đơn. Phụ nữ mà”.

Nhớ lại mấy năm trước, thời điểm thầy Thích chưa vào cắm bản tại U Pa Tết, ngoài giờ đứng lớp, cô Mừng chỉ có nỗi buồn làm bạn - vì cô đơn, vì nhớ nhà, nhớ chồng con.

Đêm đông, nằm co ro trong giá rét giữa sấm sét ùng oàng cô chỉ ước trời mau sáng thật nhanh để leo lên đỉnh ngọn núi ngoài bản bắt sóng điện thoại gọi điện về cho gia đình.

Nơi ở và sinh hoạt có phần đơn sơ của vợ chồng thầy Thích, cô Mừng.
Nơi ở và sinh hoạt có phần đơn sơ của vợ chồng thầy Thích, cô Mừng.

Bấy giờ 2 vợ chồng đều là giáo viên mầm non, gia đình 4 người ở ba “đầu nỗi nhớ”.

Cô Mừng cắm bản ở U Pa Tết cách nhà gần 80km.

Thầy Thích dạy trẻ mầm non tại xã Ka Lăng cũng cách nhà 80km.

Hai đứa con thì gửi ông bà chăm sóc ở thị trấn Mường Tè. Hai vợ chồng cách nhau gần 200km, có khi cả năm mới gặp nhau được đôi lần.

Mỗi dịp gặp được nhau, cô Mừng nắm tay chồng mừng mừng, tủi tủi, không nỡ xa. Hai anh chị có một quy ước, nếu muốn gọi điện thoại cho nhau thì phải trong một khung giờ nhất định bởi tại U Pa Tết không có sóng điện thoại.

Muốn dò được sóng, cô Mừng phải leo lên tận ngọn núi ngoài bản mới dò được nhưng mạng không ổn định, lúc được, lúc không.

Sau này, thầy Thích phát kiến ra một thiết bị bắt sóng công nghệ…không chấm bốn.

Đó là một cái bàn thô sơ bằng gỗ, xếp mấy cái ghế ngồi tại chính nơi có sóng điện thoại khỏe nhất bản.

Từ đó chiều tối, anh chị ngồi xếp hàng để dò sóng điện thoại, gọi về cho gia đình.

Phải mất một hồi lâu mới có sóng điện thoại. Cô Mừng bật khóc ngay khi nghe thấy tiếng của con. Đã lâu rồi không về nhà, hai vợ chồng nhớ con lắm.

“Khi nào bố mẹ về với bọn con. Chúng con nhớ bố mẹ lắm. Cuối tuần này mẹ về nhé mẹ”, đứa trẻ nói như thỉnh cầu.

Cô Mừng mắt đỏ hoe, giọng nghẹn ngào nhưng chưa kịp nói gì thì sóng điện thoại lại tậm tịt. Hai vợ chồng lại tất tả chạy đi dò sóng điện thoại giữa núi rừng hoang vu không một tia sáng với lại.

‘Thiết bị’ tự chế giúp thầy cô có thể bắt được 1 vạch sóng điện thoại.
‘Thiết bị’ tự chế giúp thầy cô có thể bắt được 1 vạch sóng điện thoại.

Yêu nghề bằng cả trái tim

Gà gáy, vợ chồng thầy Thích, cô Mừng thức dậy để chuẩn bị cho một ngày mới.

Cơm nước xong, hai vợ chồng đi đón trẻ.

Mặt trời lên cao, sự cô đơn lạnh người của đêm trường nơi thâm sơn, cùng cốc được thay bằng nụ cười rạng rỡ của những đứa trẻ.

Trường học bắt đầu tíu tít tiếng trẻ. Từ những con đường mòn vắt qua núi, bọn trẻ tíu tít dắt tay nhau xuống lớp học.

Điểm trường mầm non U Pa Tết là một dãy phòng học được làm bằng những phiên gỗ, chưa có nhà vệ sinh, cơ sở vật chất còn nhiều đơn sơ.

Đây là nơi theo học của 55 học sinh trong độ tuổi từ 2-5 tuổi. Các con hầu hết là đồng bào người dân tộc H’Mông.

Thầy Đao Văn Thích phụ trách lớp học 2 đến 3 tuổi, cô Mừng dạy lớp 4 đến 5 tuổi.

Chọn nghề giáo viên mầm non nhất là giáo viên cắm bản những thầy cô như thầy Thích, cô Mừng thay phụ huynh chăm sóc các con.

Mỗi ngày, những đứa trẻ lại theo mẹ đến trường trong tình trạng đầu trần, chân đất, đùm dúm một ít cơm trắng, măng cay.

Thầy Thích, cô Mừng đón các em từ cổng mà ôm lấy. Trong khi thầy đi dép, rửa mặt mũi cho học sinh thì cô Mừng buộc tóc cho các em gái.

“Đôi khi phụ nữ làm nghề giáo viên mầm non còn thấy vất vả chứ đừng nói đến nam giới như mình. Hồi đầu mới vào nghề cũng bỡ ngỡ lắm vì không biết chăm trẻ như thế nào.

Nhưng trong quá trình vừa giảng dạy, vừa học hỏi từ đồng nghiệp nên chuyên môn của mình cũng được nâng cao rõ rệt”, thầy Thích chia sẻ.

Thầy thích và cô Mừng là cặp vợ chồng giáo viên cùng sinh sống và giảng dạy tại một điểm trường.

Thầy thích và cô Mừng là cặp vợ chồng giáo viên cùng sinh sống và giảng dạy tại một điểm trường.

Thầy giáo mầm non như thầy Đao Văn Thích đã ít gặp, nhưng hai vợ chồng đều cắm bản tại một điểm trường lại càng hiếm hơn.

Ngược về nhiều năm trước, cậu bé Đao Văn Thích và cô bé Chim Thị Mừng cùng sinh ra và lớn lên tại xã Bum Nưa (huyện Mường Tè).

Nhà của hai người chỉ cách nhau 300 mét và cùng nuôi ước mơ được đi học để thay đổi số phận của mình - số phận những đứa trẻ nghèo tại Bum Nưa.

Ngày thi Đại học, họ chào nhau để xuống Hà Nội. Hai người theo hai ngã rẽ khác nhau.

Nhưng không ngờ hai ngã rẽ ấy lại cùng về một điểm.

Nhiều năm sau gặp lại, hai anh chị đều đang là giáo viên mầm non nhưng dạy ở hai nơi khác nhau. Họ bén duyên và nên vợ, nên chồng.

“Ngày mới lên U Pa Tết tôi buồn và nhiều lần chán nản đến độ muốn bỏ nghề.

Đi trên cung đường đó tôi nghĩ đời mình và đời vợ mình tại sao lại phải chọn cái nghề khổ như thế.

Nhưng nghĩ lại tôi rất vui vì đã được thay cha mẹ uốn nắn các con từ tấm bé.

Đó là điều tuyệt vời nhất mà nghề giáo viên mang lại cho tôi. Chính vì thế chắc chắn tôi không bao giờ bỏ nghề”, thầy Đao Văn Thích nói.

Vượt qua mọi khó khăn, thầy cô vẫn luôn tâm huyết và yêu thương con trẻ.

Vượt qua mọi khó khăn, thầy cô vẫn luôn tâm huyết và yêu thương con trẻ.

Nhớ lại ngày đầu cắm bản, thầy Thích không bao giờ quên được hình ảnh những đứa trẻ ôm nắm cơm, túi măng cay vào lòng.

Những ngày trời mưa, có em bị ngã, cơm và măng cay vương vãi trên đất. Đứa  nhỏ vội vàng nhặt miếng cơm, phủi phủi đất bám bên ngoài rồi lại đùm dúm ôm vào lòng.

Bây giờ, nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước các con đã được ăn cơm nóng có thịt tại trường. Dẫu vậy, ký ức về ngày đầu gian khó vẫn còn mãi trong lòng những giáo viên nơi đây.

Trời bắt đầu hưng hửng, thầy Thích, cô Mừng cùng học sinh xếp thành đoàn tàu ra ngoài sân tắm nắng, tập thể dục.

Đám trẻ mắt sáng long lanh, khúc khích cười giữa núi rừng biên viễn.

Một năm học mới đã bắt đầu.

Cô Đỗ Thị Hương, Hiệu trưởng trường mầm non Tà Tổng cho biết, tại trường có một số cặp vợ chồng cùng cắm bản tại điểm lẻ. Điểm trường U Pa Tết là một nơi khó khăn vì không có điện, không có đường đi vào, chỉ men theo lối mòn mà đi.

“Chúng tôi rất cảm thông và chia sẻ với những khó khăn của đồng nghiệp. Nhà nước và Phòng Giáo dục và Đào tạo cũng cố gắng tạo mọi điều kiện cho giáo viên yên tâm công tác.

Vượt qua mọi khó khăn, những giáo viên cắm bản vẫn xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ, mang con chữ đến với học sinh nơi đây bằng tất cả tình yêu và sự nhiệt huyết với công việc”, cô Hương cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.
AFC khen cổ động viên U23 Indonesia

AFC khen cổ động viên U23 Indonesia

GD&TĐ - Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) hết lời khen ngợi Indonesia sau khi gây địa chấn hạ Hàn Quốc để vào bán kết U23 châu Á 2024.