Giữ trẻ ngoài giờ tại TPHCM: Hay nhưng chưa hiệu quả

GD&TĐ -Sau một năm triển khai, Đề án giữ trẻ ngoài giờ ở trường mầm non công lập đã giúp hàng trăm công nhân giảm nỗi lo giữ con mỗi khi tăng ca buổi chiều và làm thứ Bảy. Tuy nhiên, kết quả này còn quá thấp so với chỉ tiêu đề ra và với nhu cầu thực tế của người lao động.

 Giữ trẻ ngoài giờ tại TPHCM:  Hay nhưng chưa hiệu quả

Giảm gánh nặng cho phụ huynh

Năm học 2017 - 2018 là năm thứ hai TPHCM triển khai Đề án giữ trẻ ngoài giờ đến 17 giờ 30 hàng ngày và thứ Bảy hàng tuần. Hiện có 5 trường tại 4 quận/huyện thực hiện, gồm: KCN Vĩnh Lộc (quận Bình Tân), KCX Linh Trung 1 và 2 (quận Thủ Đức), KCX Tân Thuận (quận 7) và KCN Tây Bắc (Củ Chi).

Thủ Đức là quận duy nhất của TP có đến hai trường MN thực hiện đề án này, là Trường MN Hoa Đào (KCX Linh Trung 1) và Hoàng Yến (KCX Linh Trung 2). Năm nay, tổng số trẻ theo học ở đây khoảng gần 1.000 trẻ từ 6 tháng tuổi đến năm tuổi, đều là con em của công nhân do chính các công đoàn của các công ty lựa chọn để cho con học.

Có con được học ở ngôi trường khang trang và còn có giữ trẻ ngoài giờ, chị Phạm Thị Ngọc Mai cho biết, học phí cũng được hỗ trợ nên mỗi tháng chỉ tốn khoảng 1,5 triệu đồng, cũng không quá cao mà con lại được học đàng hoàng, các cô nuôi dạy chu đáo.

“Dù tốn thêm chút tiền nhưng từ ngày có lớp này mình bớt lo hẳn, nhất là thứ Bảy, không còn lo bồng bế con gửi hàng xóm hoặc lớp tư nữa. Mỗi ngày thêm một tiếng cũng không được nhiều nhưng như thế mình cũng chủ động hơn, không vội vàng đưa đón con như trước, chỉ thương các cô vất vả thôi” - chị Mai nói.

Tại Trường MN Tân Thuận (quận 7) cũng tương tự khi là năm thứ hai triển khai đề án này nên cũng đã giúp nhiều công nhân có chỗ gửi con an toàn mỗi khi làm tăng ca. Anh Chung Hiền, công nhân làm sơn trong KCX Tân Thuận có con học ở đây phấn khởi cho biết, có trường dành cho công nhân như vậy đã là may mắn rồi, không còn chật vật gửi con ở các nhóm trẻ nhỏ hay kêu ông bà thay nhau giữ bé như trước đây nữa.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, Hiệu trưởng Trường MN Hoa Đào chia sẻ, trường triển khai đề án của TP khá thuận lợi, chỉ tiêu giao cho trường là nhận 180 trẻ nhưng phụ huynh đăng ký giữ hàng ngày đến 17 giờ 30 cũng không nhiều, chỉ hơn 30 bé. Thu phí một giờ cũng chỉ có 6.000 đồng nên rất tiện cho phụ huynh. Riêng thứ Bảy mới có 150 - 180 bé. Theo bà Hằng, có thể do phụ huynh tăng ca thất thường nên không cố định thời gian mỗi ngày.

Chưa đạt nửa chỉ tiêu đề ra

Mục đích Đề án giữ trẻ ngoài giờ này của TPHCM triển khai xuống các trường MN rất nhân văn và thực tế, nhằm hỗ trợ công nhân lao động trong việc cho con đi học. Tuy nhiên, khi áp dụng vào thực tế, dù chỉ mới thí điểm tại một số trường ở các KCN - KCX nhưng nó đã lộ rõ nhiều bất cập so với đặc thù công việc chung của công nhân. Điều này cũng sẽ khiến việc nhân rộng mô hình này trong thời gian tới sẽ khó hiệu quả nếu không được điều chỉnh, cân nhắc phù hợp.

Cụ thể, chỉ tiêu thí điểm nhận trẻ ngoài giờ của TP đưa ra cho 5 trường MN tại 4 KCN - KCX là hơn 400 trẻ nhưng đến nay kết quả ở các trường chưa đạt được một nửa. Như tại Trường MN Hoa Đào (Thủ Đức) được giao chỉ tiêu là 180 trẻ nhưng mỗi ngày chỉ có trên dưới 30 bé, cao nhất cũng chỉ 37 bé ở lại thêm giờ. Tại Trường MN Tây Bắc (Củ Chi) cũng tương tự.

Theo Hiệu trưởng Võ Thị Vững, do trường mới khánh thành đầu năm học này nên tổng số trẻ theo học hiện tại có hơn 100 trẻ, chủ yếu là con của công nhân. Năm nay, trường cũng được thí điểm nhận giữ trẻ ngoài giờ và thứ Bảy nhưng hàng ngày, chỉ có vài trẻ được phụ huynh gửi giữ. Do đó theo quy định, nhà trường chỉ giữ thêm miễn phí. Riêng thứ Bảy khá hơn thì được 20 - 30 trẻ nên nhà trường thu phí mỗi bé khoảng 25.000 đồng/ngày để có thêm kinh phí chi trả cho các cô.

Hay như tại Trường MN 30 - 4 (Bình Tân), tình hình cũng không khá hơn. Dù tổng số trẻ của trường gần 400 trẻ theo học, chủ yếu là con em của công nhân làm việc tại KCN Vĩnh Lộc, chỉ tiêu được giao có 60 trẻ, thế nhưng kết quả cũng không đạt được khi chỉ có khoảng 40 trẻ đăng ký.

Lí giải vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường MN 30 - 4 cho rằng, có thể do mới thí điểm nên chỉ áp dụng với khối mẫu giáo, trong khi nhu cầu thực tế của phụ huynh có con ở các lứa tuổi khác rất nhiều nhưng trường chưa thể nhận. Hơn nữa, chủ yếu giữ trẻ theo đề án này hiệu quả vào thứ Bảy là chính vì phụ huynh gửi trẻ được cả ngày. Còn quy định chỉ nhận giữ trẻ hàng ngày đến 17 giờ 30 là chưa hợp lí với thời gian làm ca kíp của công nhân.

Được biết, với những trẻ có đăng ký giữ ngoài giờ thì tổng tiền hàng tháng mỗi trẻ phải đóng khoảng gần 1,8 triệu đồng, trong đó có 450.000 đồng là tiền ngoài giờ.

“Mức phí không hề rẻ so với thu nhập của công nhân, mặc dù đã được ngân sách hỗ trợ 50% theo chủ trương của TP. Địa bàn quanh các KCN, KCX lại rất nhiều nhà trẻ, nhóm lớp tư thục hoạt động, cũng có mức phí thu tương tự hoặc cao thấp hơn không đáng kể, lại gần nhà hay gần chỗ làm hơn. Do đó, nhiều công nhân vẫn lựa chọn gửi con các lớp ngoài để thuận tiện hơn là điều dễ hiểu” - bà Nguyễn Thị Toàn phân tích.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bên trong căn hầm tái hiện hoạt động in ấn tài liệu, truyền đơn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn trong những năm kháng chiến.

Hầm in tài liệu bí mật giữa lòng Sài Gòn

GD&TĐ - Nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Ngô Gia Tự, Quận 10, TPHCM, cơ sở in ấn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn năm 1954 là nơi in cả nghìn ấn bản phục vụ cách mạng.