Giữ gìn, phát huy ngôn ngữ, văn hóa, nghệ thuật dân tộc Khmer Nam Bộ

GD&TĐ - Khoa Ngôn ngữ-Văn hóa-Nghệ thuật Khmer Nam Bộ (Trường ĐH Trà Vinh) góp phần quan trọng đào tạo nhân lực, giữ gìn văn hóa, nghệ thuật dân tộc Khmer.

Sinh viên Khoa Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam Bộ (Trường ĐH Trà Vinh) biểu diễn nhạc cụ dân tộc.
Sinh viên Khoa Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam Bộ (Trường ĐH Trà Vinh) biểu diễn nhạc cụ dân tộc.

Thực hiện nhiệm vụ trọng điểm quốc gia

Khoa Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam Bộ (Trường ĐH Trà Vinh) thực hiện nhiệm vụ trọng điểm quốc gia đào tạo nguồn nhân lực về Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam Bộ.

Đây là Khoa đặc thù và là Khoa đầu tiên trong cả nước đào tạo hệ chính quy các chuyên ngành ngôn ngữ, văn hóa và nghệ thuật Khmer Nam Bộ. Mục tiêu nhằm nâng cao trình độ dân trí, đào tạo cán bộ có trình độ cao, góp phần giữ gìn và phát huy vốn ngôn ngữ, văn hóa, nghệ thuật Khmer Nam Bộ.

Thời gian qua, nhà trường đặc biệt chú trọng đến việc giữ gìn và phát huy ngôn ngữ, văn hoá các dân tộc thiểu số tại Việt Nam, cụ thể là dân tộc Khmer. Xác định đây không chỉ là công tác chính sách dân tộc mà còn là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong việc gìn giữ, gắn kết hữu nghị với đất nước Campuchia láng giềng.

Ngoài hệ thống phòng học cơ sở, Khoa Ngôn ngữ - Văn hoá - Nghệ thuật Khmer Nam Bộ còn trang bị phòng Lab, phòng trưng bày văn hoá hiện vật Khmer và nhạc cụ dân tộc, các văn phòng làm việc của Bộ môn và Hội trường khu thực hành biểu diễn sân khấu nhằm phục vụ tốt nhất cho việc nghiên cứu ngôn ngữ, văn hoá, nghệ thuật Khmer Nam Bộ (Phòng thực hành sân khấu Dù Kê, Phòng trưng bày nhạc cụ - trang phục truyền thống, Phòng thực hành biểu diễn nhạc cụ, Khu thực hành khối ngành Văn hóa – Du lịch, Trung tâm văn hóa miền tây).

Năm 2014 được sự cho phép của GD&ĐT, Trường ĐH Trà Vinh bắt đầu tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ, với ngành tuyển sinh là Văn hóa học, chuyên ngành Văn hóa Khmer Nam Bộ. Năm 2021 trường được Bộ GD&ĐT đưa vào danh sách các cơ sở đào tạo tham gia đào tạo trình độ tiến sĩ ngành Văn hóa học theo đề án nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2030 (Đề án 89).

Đến nay, Khoa Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam Bộ có 5 ngành đào tạo Cử nhân lĩnh vực Ngôn ngữ, văn hóa, nghệ thuật Khmer; 2 ngành thạc sĩ và 2 ngành tiến sĩ. Ngoài ra còn có các khóa đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng: Bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng Khmer; Bồi dưỡng tiếng Khmer giao tiếp; Bồi dưỡng tiếng Khmer chuyên ngành; Bồi dưỡng tiếng Khmer nâng cao; Đào tạo tiếng Khmer cho công chức viên chức công tác ở vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer; Biểu diễn múa dân gian dân tộc Khmer…

Sinh viên Khoa Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam Bộ (Trường ĐH Trà Vinh) biểu diễn mừng lễ Sêne Đôlta.

Sinh viên Khoa Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam Bộ (Trường ĐH Trà Vinh) biểu diễn mừng lễ Sêne Đôlta.

Bảo tồn, phát huy nghệ thuật Khmer Nam bộ

Ra đời từ năm 2012, Bộ môn Nghệ thuật thuộc Khoa Ngôn ngữ - Văn hoá - Nghệ thuật Khmer Nam Bộ của Trường ĐH Trà Vinh đã đóng góp tích cực trong việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật Khmer Nam bộ trên vùng đất Trà Vinh, khu vực Nam Bộ.

Bộ môn thực hiện nhiệm vụ giữ gìn và phát huy nghệ thuật Khmer Nam Bộ, đào tạo đội ngũ kế thừa, lực lượng trẻ tiếp bước thế hệ đi trước giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc truyền thống dân tộc.

Ông Sơn Cao Thắng, Phó trưởng Bộ môn Nghệ thuật cho biết: Bộ môn Nghệ thuật là 1 trong 4 đơn vị thuộc Khoa Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam Bộ, cùng thực hiện nhiệm vụ trọng điểm quốc gia về đào tạo nhân lực ngành Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam bộ, đáp ứng nhu cầu phát triển văn hóa - xã hội ở Nam bộ được Thủ tướng Chính phủ giao.

Có 2 chương trình đào tạo bậc đại học thuộc Bộ môn Nghệ thuật gồm Biểu diễn nhạc cụ truyền thống và Âm nhạc học. Bên cạnh đó, bộ môn xây dựng các chương trình đào tạo ngắn hạn về ngành Biểu diễn nhạc cụ truyền thống, Âm nhạc học, Organ, Múa dân gian Khmer… cung cấp đa dạng các loại hình để người học dễ dàng tiếp cận các khóa học đáp ứng nhu cầu học tập cho cộng đồng.

Đây là ngành học đặc thù, bởi người học không chỉ có năng khiếu, cần phải có đam mê yêu thích lĩnh vực nghệ thuật của dân tộc Khmer. Những kiến thức từ cơ bản đến nâng cao, giúp người học nắm vững lý thuyết về âm nhạc, kỹ thuật, kỹ năng biểu diễn nhạc cụ truyền thống và năng lực thực hành nghề nghiệp tương xứng với trình độ đào tạo.

Đặc biệt, theo học ngành Biểu diễn nhạc cụ truyền thống, sinh viên được miễn 100% học phí, hỗ trợ sinh hoạt phí 450.000 đồng/1 tháng/1 sinh viên (10 tháng/năm học), miễn phí tiền ở ký túc xá của trường và hưởng các chế độ ưu đãi khác theo quy định hiện hành. Trong quá trình học tập, sinh viên được đào tạo kiến thức âm nhạc, rèn luyện các kỹ năng trình diễn, biên tập, dàn dựng chương trình biểu diễn âm nhạc truyền thống dân tộc…

Đến nay, Bộ môn Nghệ thuật thu hút được nhiều thế hệ trẻ, con em đồng bào người Khmer và những người yêu thích âm nhạc từ các tỉnh thành ở Nam bộ: Trà Vinh, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bạc Liêu, An Giang, Hậu Giang...

Khi tham gia ngành Âm nhạc học, Biểu diễn nhạc cụ truyền thống, ngoài lý thuyết, sinh viên sẽ được đào tạo về hát dân ca Khmer, biểu diễn Hòa tấu nhạc cưới Khmer, đàn Tà Khê, Khưm tôuch, Roneat Ek, Chhưng, Srolay Pinpeat, hòa tấu nhạc Ngũ âm, Mhôry, nhạc khí Khmer Nam bộ, đào tạo trình diễn Dù kê, nghệ thuật sân khấu Rô băm, Múa cổ điển Têp Monorom, sáng tác nhạc Khmer, tham gia thực tế học phần loại hình âm nhạc dân gian Chomriêng Chapây …

Đội ngũ giảng dạy có học vị từ tiến sĩ, thạc sĩ đến các nhà nghiên cứu những nghệ nhân, nghệ sĩ kỳ cựu trong lĩnh vực nghệ thuật Khmer đến từ các viện, trường, các đoàn nghệ thuật biểu diễn của các tỉnh, thành trong cả nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng chức năng duy trì công tác tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn. Ảnh: TT

Giữ bình yên trên cao nguyên M’Nông

GD&TĐ - Bước vào thu hoạch cà phê niên vụ 2024, người dân trên cao nguyên M’Nông (Đắk Nông) đang hân hoan phấn khởi vì sản phẩm được giá.