Giới trẻ tiếp cận phương tiện tránh thai: Quyền cơ bản đang bị hạn chế

GD&TĐ - Trong khi thế giới có hẳn Ngày tránh thai, ngành dân số ra sức tuyên truyền, kêu gọi người dân, đặc biệt là giới trẻ sử dụng các biện pháp tránh thai như một cách bảo vệ cuộc sống, tương lai của chính mình thì không ít phụ huynh, người cung cấp phương tiện tránh thai lại có thái độ kỳ thị với việc làm trên.

Giới trẻ tiếp cận phương tiện tránh thai:  Quyền cơ bản đang bị hạn chế

Quan niệm dùng bao cao su là sự hư hỏng của người lớn đã khiến không ít bạn trẻ phải nạo phá thai, sinh con ngoài ý muốn.

Biết sớm, hư sớm

Đó là quan niệm của nhiều phụ huynh khi nhắc đến vấn đề sức khỏe sinh sản, tình dục an toàn của thanh thiếu niên. Phần lớn các bậc phụ huynh cho rằng, đây là vấn đề tế nhị, không nên cho trẻ biết sớm hoặc càng không biết càng tốt. Cũng có người cởi mở hơn, có đề cập đến vấn đề trên nhưng với mục tiêu răn đe, nghiêm cấm là chủ yếu chứ hiếm cha mẹ nào lại trao đổi cởi mở với con cái như những đề tài khác trong cuộc sống hàng ngày.

Thu Uyên (sinh viên năm nhất, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Hà Nội) tâm sự: Bước vào giai đoạn dậy thì, mọi kiến thức có được đều từ chị gái hoặc hỏi các bạn trong lớp. Mẹ chưa bao giờ dạy em cách vệ sinh khi đến tháng chứ nói gì đến việc cung cấp kiến thức về tình dục an toàn.

Nhớ lại thời “non dại” của mình, Tường Vy (Tứ Kỳ, Hải Dương) vừa buồn cười lại thấy tủi thân. Vy cho biết: Mình thấy ngực cứ to dần lên mà không hiểu vì sao; cũng chẳng biết làm cách nào che đi nên đành khom người xuống hoặc mặc áo thật dày. Còn Hạnh Dung (Hà Đông, Hà Nội) lại hét lên thất thanh khi tiểu ra máu. “Lúc đó mình không hiểu tại sao lại ra nhiều máu như vậy. 

Xấu hổ, sợ hại không dám tâm sự với ai nên mình lấy giấy vệ sinh lót vào quần. Những ngày như vậy đi đâu, làm gì cũng lóng ngóng vì sợ… ra quần. Mãi đến khi cô bạn thân biết chuyện, cho mượn cuốn sách đọc mới vỡ ra nhiều điều” - Dung chia sẻ. Ngọc Bích (Tây Hồ, Hà Nội) may mắn hơn khi được mẹ tặng mấy cuốn sách về tuổi dậy thì, cách vệ sinh và phòng ngừa có thai. 

“Lần đầu mình tưởng mẹ nhầm nên mang trả lại. Lần sau lại thấy mẹ kẹp cùng quyển truyện khác nên cũng lật ra xem nhưng đọc vài trang thấy xấu hổ vì toàn… chuyện người lớn nên cất đi đến khi thấy lông mọc bất thường một số nơi mới mang ra đọc. Cũng may có quyển sách trên nên mình trải qua giai đoạn dậy thì tương đối nhẹ nhàng và còn là chuyên gia tư vấn cho nhiều bạn khác” - Bích trao đổi.

Khó tiếp cận biện pháp tránh thai vì… người lớn

Không chỉ bảo, không cung cấp kiến thức khi con đến tuổi dậy thì nhưng nhiều bậc phụ huynh còn có cái nhìn khắc nghiệt với việc sử dụng phương tiện tránh thai ở giới trẻ. Nhiều người coi bao cao su là biểu tượng của sự hư hỏng nên không chấp nhận hoặc bàn tán khi thấy giới trẻ mua bao cao su. Tình trạng trên cũng thường xảy ra với chính người cung cấp phương tiện trên. “Họ thường tò mò, hỏi những câu khó chịu khi mình hỏi mua bao cao su”, -Phương Trang (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tình dục là nhu cầu thiết yếu của con người, như cơm ăn áo mặc hàng ngày. Do vậy, dù cha mẹ có muốn hay không thì việc thanh thiếu niên ăn “trái cấm” vẫn diễn ra hàng ngày, hàng giờ. Hậu quả của việc vượt rào trong khi thiếu kiến thức về sức khỏe sinh sản, tình dục là hàng trăm ca nạo phá thai mỗi năm. 

Theo thống kê của Hội Kế hoạch hóa gia đình, trung bình mỗi năm nước ta có khoảng 70.000 ca phá thai ở lứa tuổi vị thành niên chưa có gia đình. Chỉ riêng Bệnh viện Phụ sản Trung ương hàng năm có khoảng 5.000 ca phá thai, trong đó có tới 30% thai phụ dưới 24 tuổi, thậm chí có em 15 tuổi đã có 2 lần phá thai. Còn tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, tỷ lệ này khoảng 18% nhưng tuổi đời của thai phụ trẻ hơn, trung bình 20 tuổi. 

Thiếu hiểu biết cũng là nguyên nhân khiến các em tìm đến dịch vụ phá thai không an toàn, dẫn đến nhiều hệ lụy đáng tiếc. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) Lê Cảnh Nhạc cho rằng, tiếp cận phương tiện tránh thai là quyền cơ bản của mỗi người để đảm bảo sức khỏe, tương lai của họ nên không ai có quyền ngăn cản, cấm đoán. Người lớn, đặc biệt là cha mẹ, thầy cô và toàn xã hội cần có cái nhìn toàn diện hơn về biện pháp tránh thai để có lựa chọn phù hợp với mình cũng như tôn trọng quyền cơ bản của giới trẻ.

- Kết quả điều tra về vị thành niên, thanh niên Việt Nam cho thấy, có tới 44% thanh, thiếu niên được hỏi chấp nhận “làm chuyện ấy” trước hôn nhân, trong đó nhóm tuổi 14 – 17 là 36%, nhóm tuổi 18 – 21 là 51% và nhóm 22 – 25 là 54%.

- Tử vong liên quan đến mang thai là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho phụ nữ trẻ, do cơ thể của họ chưa sẵn sàng cho việc sinh con. Giáo dục giới tính giúp cho giới trẻ nhận thức đúng đắn về tình yêu và tình dục an toàn. Mỗi bạn trẻ đều cần được trang bị kiến thức về quan hệ tình dục lành mạnh, an toàn và chỉ mang thai khi họ đã sẵn sàng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ