(GD&TĐ) - Thông tin từ ngày 21 đến ngày 28/4/ 2013, Tuần lễ Toàn cầu “Hành động giáo dục cho mọi người” diễn ra với chủ đề “Đội ngũ giáo viên có năng lực và tâm huyết cho mọi người học" và điểm nhấn của Tuần lễ toàn cầu hành động GDCMN năm nay là sự kiện quốc gia với chủ đề “Học sinh nào cũng có quyền có giáo viên tốt” đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội.
Ảnh minh họa/internet |
Một hoạt động thường niên với một chủ đề hết sức giản dị, không có gì cao xa, nhưng chỉ sau khi được Bộ GD&ĐT phối hợp cùng Liên minh Chiến dịch toàn cầu vì giáo dục tại Việt Nam phát động, sức lan tỏa của nó lại vô cùng mạnh mẽ. Phải chăng, bởi “Học sinh nào cũng có quyền có giáo viên tốt” đã chạm đúng mạch nguồn tâm tư, tình cảm của hàng triệu triệu người qua bao thế hệ ít nhất cũng có được một lần đi qua cánh cổng trường.
Giáo viên đóng vai trò then chốt của chất lượng; Giáo viên làm nòng cốt của đổi mới; Giáo viên là lực lượng quyết định nguồn nhân lực xã hội… Chúng ta đã từng được nghe rất nhiều những ngôn từ đẹp đẽ đề cao vai trò của người thầy giáo như vậy. Nhưng việc đặt ra câu hỏi giản dị “thế nào là một giáo viên tốt” và trả lời cho câu hỏi đó xem ra còn rất khiêm tốn. Mặc dù hầu hết các trường học, các cơ sở giáo dục đều định vị rõ vai trò quan trọng của người thầy giáo, các hội nghị, hội thảo về đổi mới phương pháp ở các trường phổ thông, đổi mới đào tạo giáo viên ở các trường sư phạm thường xuyên diễn ra, nhưng hiệu quả mang lại chưa cao. Đây đó vẫn tồn tại những người thầy “chưa ra thầy”, “chưa đàng hoàng, tử tế trong mắt học sinh” (lời GS,NGND Phan Trọng Luận). GS, NGND Trần Đình Sử cũng đã nhiều lần trăn trở “Các bậc cha mẹ khi cho con đến trường ai cũng muốn trao con mình cho người thầy giỏi. Việc con em họ phải chịu sự giáo dục của thầy giáo dở, thầy giáo kém là một bất hạnh lớn đối với họ!”. Có bao nhiêu học sinh may mắn được hưởng thụ nền giáo dục từ người thầy tốt và bao nhiêu học sinh chưa được quyền lựa chọn người thầy chưa tốt? Khó có thể đưa ra một số liệu thống kê chính xác!
Do vậy, việc Bộ GD&ĐT yêu cầu các sở GD&ĐT chỉ đạo công tác tuyên truyền cho Tuần lễ Toàn cầu hành động GDCMN với khẩu hiệu “Mỗi học sinh đều có quyền có giáo viên tốt” bằng các hình thức như tranh cổ động, băng rôn, phù hiệu đeo trong ngày tổ chức sự kiện tại các sở GD&ĐT, các trường học và những nơi công cộng khác là một sự kiện giàu sức thu hút, được sự hưởng ứng của toàn xã hội. Có thể coi sự kiện này như một que diêm đốt lên ngọn lửa đầy sinh khí soi cho các nhà giáo trên mọi miền của đất nước tìm đến con đường của những người kỹ sư tâm hồn lâu nay vẫn chưa thật rộng mở. Hi vọng chủ đề “Học sinh nào cũng có quyền có giáo viên tốt” không chỉ nhân lên những người thầy tốt mà còn nhân lên gấp bội những công dân tốt cho đất nước, dù là ở miền đồng bằng thuận lợi, chốn phồn hoa đô thị hay ở miền rừng núi hải đảo xa xôi còn lắm gian nan, vất vả.
Hồng Thúy