Bị kỷ luật vì nội dung tác phẩm?
Vụ việc lùm xùm từ đầu năm 2019 và thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận khi thầy Phạm Quốc Đạt - dạy Ngữ văn tại Trường THPT Võ Trường Toản, quận 12 - sân khấu hóa tiết học và cho học sinh tái hiện một số tác phẩm như “Quan âm Thị Kính”, “Bỉ vỏ”, “Xuân tóc đỏ”... Đáng nói, trong các tiểu mục do học sinh thực hiện có diễn cảnh “nhạy cảm”, vượt quá khuôn khổ của sự sáng tạo như cảnh ân ái giữa Xuân tóc đỏ và cô Tuyết, hay nhân vật Tám Bính bị hãm hiếp… gây ý kiến trái chiều trong dư luận về giới hạn trong sân khấu hóa tác phẩm văn học.
Ngay sau đó, tổ chuyên môn, Hội đồng kỷ luật Trường THPT Võ Trường Toản đã họp, phân tích và đi đến kết luận: Thầy Phạm Quốc Đạt có sai phạm về hoạt động chuyên môn, gây hậu quả nghiêm trọng vì nhiều lỗi, trong đó có nội dung là cho học sinh diễn kịch “không phù hợp với lứa tuổi”, “diễn những cảnh nhạy cảm”.
Tháng 1/2019, ông Lương Văn Định - Hiệu trưởng Trường THPT Võ Trường Toản đã ký quyết định kỷ luật thầy Phạm Quốc Đạt hình thức cảnh cáo, không được giảng dạy, làm chủ nhiệm trong thời gian 12 tháng, đồng thời chuyển về làm công tác thư viện.
Nhắc lại sự việc với Báo GD&TĐ sáng 1/7 (sau khi TAND quận 12 chính thức thụ lý đơn khởi kiện), thầy Phạm Quốc Đạt vẫn chưa nguôi bức xúc: Tôi khẳng định mình không làm gì sai. Việc tôi khởi kiện không chỉ là đòi lại danh dự cho bản thân mà còn để bảo vệ quan điểm và chính kiến của mình trong dạy học. “Mục đích của tôi không gì khác là mong muốn mang đến sự sinh động trong từng tiết học cho học sinh.
Mỗi tiết học ngoài việc truyền cảm hứng yêu thích văn học cho học sinh, thì cái lớn nhất tôi muốn hướng đến là thông qua văn học để dạy các em đạo lý làm người, dạy kỹ năng sống cho các em. Đặc biệt, tham vọng lớn của tôi là mỗi tiết học văn phải trở thành niềm mong đợi, yêu thích của học sinh mình. Nói tôi sai phạm, nói tôi gây hậu quả nghiêm trọng tôi không chấp nhận”, thầy Đạt nói.
Chia sẻ thêm với phóng viên, thầy Phạm Quốc Đạt cho rằng mình bị kỷ luật không chỉ đơn thuần vì công tác chuyên môn, mà vì bị trù dập. Nguyên nhân theo thầy Đạt, là do ông đã xúc phạm vị Hiệu phó trong một cuộc họp chuyên môn. “Sai đến đâu, tôi chịu đến đó nhưng tôi tin mình đúng. Tôi sẽ theo đuổi vụ kiện này tới cùng. Hiện, tòa đã thụ lý đơn kiện của tôi. Ngay buổi triệu tập lần 1 của tòa, đại diện Ban giám hiệu nhà trường không ai tới, cũng như không có văn bản phản hồi ý kiến… Tôi sẽ đòi lại công bằng cho mình”- thầy Phạm Quốc Đạt nói.
Thông báo về việc thụ lý vụ án của Tòa án nhân dân quận 12, TPHCM |
Đơn khởi kiện yêu cầu những gì?
Thầy Phạm Quốc Đạt khẳng định các quyết định kỷ luật của nhà trường với ông là không “đúng người, đúng tội”, vì phần sân khấu hóa các tác phẩm văn học của học sinh lớp 11 được sáng tạo trên hiệu ứng chiếu bóng. Học sinh đứng sau tấm màn, không có sự đụng chạm xác thịt, chỉ dùng kỹ xảo để diễn tả hành động.
“Khi xem các video bị rò rỉ trên mạng, mọi người nói dung tục, phản cảm thì phải coi lại là xem trong bối cảnh nào. Phần tái hiện tác phẩm dài khoảng 15 phút với nhiều diễn biến, tình tiết… nhưng bị bóc, tách những phân cảnh nhạy cảm để bình phẩm thì khó đánh giá toàn diện và đúng đắn”, thầy Đạt phân tích.
Khẳng định mình không sai, vì vậy trong đơn kiện, thầy Đạt yêu cầu TAND quận 12 giải quyết các vấn đề như: Đề nghị Trường THPT Võ Trường Toản hủy các quyết định xử lý kỷ luật; Nhà trường phải cho ông làm công tác chủ nhiệm, giảng dạy đúng chuyên môn; Xin lỗi, cải chính công khai trước toàn thể giáo viên và học sinh và đăng bài trên 3 số báo liên tiếp.
Thầy Phạm Quốc Đạt cũng yêu cầu được nhà trường phân công tham gia công tác coi kiểm tra, coi thi thời gian tới; Đồng thời, yêu cầu nhà trường bồi thường thiệt hại vật chất lẫn tinh thần mà ông chịu trong thời gian qua như về tiền lương giáo viên chủ nhiệm, tiền phụ trội số giờ công việc, tiền chi phí thuê luật sư... là gần 77 triệu đồng.
Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Lương Văn Định - Hiệu trưởng Trường THPT Võ Trường Toản cho biết: Cá nhân ông không có ý kiến, ông cũng chưa hề nhận được văn bản hay giấy tờ gì từ TAND quận 12. “Quan điểm của tôi là cứ làm đúng các quy định và điều lệ của ngành. Việc xử lý trường hợp của thầy Phạm Quốc Đạt cũng được Ban giám hiệu nhà trường bàn luận và dựa trên những quy định mang tính thiết chế của ngành Giáo dục. Việc thầy Đạt không phục, gửi đơn kiện là chuyện của thầy ấy, tôi không có ý kiến”, ông Định chia sẻ.