Giao thông Hà Nội cận Tết: Dân chật vật, đường phố 'thất thủ'

GD&TĐ - Những ngày qua nhiều tuyến đường tại Thủ đô Hà Nội đông đúc xe cộ, tình trạng ùn ứ giao thông thường xuyên xảy ra dù không phải giờ cao điểm.

Lưu lượng phương tiện tham gia giao thông dự báo gia tăng dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Lưu lượng phương tiện tham gia giao thông dự báo gia tăng dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Còn khoảng 2 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, những ngày qua nhiều tuyến đường tại Thủ đô Hà Nội đông đúc xe cộ, tình trạng ùn ứ giao thông thường xuyên xảy ra dù không phải giờ cao điểm. Nhu cầu đi lại, mua sắm cũng gia tăng khiến người dân chật vật khi xuống đường tham gia giao thông.

Khung giờ nào cũng là… cao điểm

Ghi nhận của Báo GD&TĐ, sáng 13 và 14/1, tình trạng ùn tắc giao thông xuất hiện trên nhiều tuyến đường ở Hà Nội, đặc biệt là các trục Vành đai 3, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Xiển, Trần Duy Hưng, Láng, Hoàng Minh Giám, Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương…

Chị Hà Linh (trú quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, những ngày cận Tết Nguyên đán, việc đi lại trong nội thành mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến công việc của bản thân cũng như nhiều người khác. Chẳng hạn, nếu vào buổi tối, chị Linh di chuyển từ đầu đường Láng tới cuối đường Láng (một tuyến đường chính ở Hà Nội) mất 10 - 15 phút thì những ngày gần đây phải mất tới 40 - 45 phút.

Ghi nhận cho thấy thời gian ùn ứ kéo dài trên các đường phố Hà Nội không chỉ xuất hiện trong giờ cao điểm, nay xảy ra ở nhiều khung giờ trong ngày.

Anh Phạm Hữu Khánh (trú huyện Chương Mỹ, Hà Nội) cho hay, phải di chuyển nhiều tuyến đường để xử lý công việc cuối năm nên thường xuyên gặp tắc đường. Những ngày gần đây, nhiều tuyến phố, tuyến đường thường xuyên ùn ứ kéo dài, anh Khánh mất gấp 2, gấp 3 thời gian so với bình thường mới qua được một đoạn đường. “Thậm chí giữa buổi chiều ngày cuối tuần, đường phố vẫn ken đặc người và xe…”, anh Khánh nói.

Còn anh Nguyễn Tuyển Thủy (Cầu Giấy) cho biết, mất hơn 1 giờ đồng hồ ngay buổi sáng sớm 13/1 khi di chuyển quãng đường từ nhà ở phố Hồ Tùng Mậu (quận Cầu Giấy) lên ngõ 167 Tây Sơn (quận Đống Đa) để làm việc.

“Cuối năm là vậy, những ngày gần Tết thì khung giờ nào cũng sẽ trở thành giờ cao điểm. Nghị định 168 của Chính phủ về tăng mức phạt đi vào cuộc sống đã giảm đáng kể tình trạng vi phạm giao thông. Người tham gia giao thông sợ bị phạt nên không còn đi lên vỉa hè, đã xếp hàng dài chờ đèn đỏ để qua đường…”, anh Tuyển Thủy nói.

143 chốt chống ùn tắc giao thông

Để chống ùn tắc giao thông ở nội đô dịp Tết Nguyên đán 2025, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội phối hợp với Cảnh sát giao thông (CSGT), Công an TP Hà Nội và các quận, huyện, thị xã, bố trí lực lượng chốt trực phân luồng hướng dẫn giao thông, chống ùn tắc giao thông tại 143 điểm, nút giao thông, khu vực bến xe khách liên tỉnh và khu vực công trình, dự án trọng điểm đang thi công.

Trong 143 vị trí có 98 vị trí do Thanh tra Sở Giao thông Vận tải phối hợp với Phòng CSGT chốt trực; 45 vị trí phối hợp với công an các quận, huyện, thị xã chốt trực. Tại các quận trung tâm, chốt trực liên ngành được bố trí ở khu vực đang có nhiều tuyến đường, điểm thường xuyên ùn tắc.

Trong đó, khu vực quận Hoàn Kiếm có 8 vị trí chốt trực; quận Ba Đình có 11 vị trí chốt trực; quận Hai Bà Trưng có 15 vị trí chốt trực; quận Đống Đa có 19 vị trí chốt trực; quận Thanh Xuân có 16 vị trí; quận Hoàng Mai có 17 vị trí; quận Cầu Giấy có 12 vị trí; quận Long Biên có 4 vị trí; quận Tây Hồ có 9 vị trí; quận Nam Từ Liêm có 9 vị trí; quận Bắc Từ Liêm có 5 vị trí; quận Hà Đông có 12 vị trí; huyện Thanh Trì có 6 vị trí. Thời gian duy trì các vị trí chốt trực đến hết quý I năm 2025 với khung giờ chốt trực từ 6 giờ 30 phút đến 8 giờ 30 phút và từ 16 giờ 30 phút đến 19 giờ hằng ngày.

Về vận chuyển hành khách tại Hà Nội, ông Phạm Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty Cổ phần bến xe Hà Nội cho biết, cao điểm sẽ diễn ra trong khoảng thời gian từ ngày 20/1 đến hết ngày 4/2/2025. Vì đây là khoảng thời gian người lao động tự do và sinh viên bắt đầu nghỉ Tết (23/12 âm lịch). Từ ngày 25/1 cán bộ công nhân viên chức, người lao động ở các cơ quan hành chính, doanh nghiệp bắt đầu đợt nghỉ Tết kéo dài 9 ngày. Dự kiến lượng khách qua cac bến xe Hà Nội trong thời gian cao điểm sẽ tăng tới 350% so với ngày thường.

“Trong thời gian trước Tết, lượng khách tập trung đông chủ yếu ở các tuyến đường ngắn. Sau thời gian nghỉ Tết, lượng khách lại tăng trên các tuyến đường dài như: TPHCM, Đà Nẵng, Gia Lai, Buôn Mê Thuột… tập trung tại bến xe Giáp Bát. Các bến xe sẽ phối hợp cùng các đơn vị vận tải bố trí, đảm bảo số lượng phương tiện để vận hành khách theo biểu đồ hoạt động đã đăng ký và tăng cường giải tỏa khách khi có yêu cầu phát sinh. Đồng thời đôn đốc các đơn vị vận tải chuẩn bị phương tiện để vận chuyển khách...”, ông Hùng thông tin.

Công ty Cổ phần bến xe Hà Nội đã chỉ đạo các ban quản lý các bến xe tổ chức triển khai nhiều phương án tăng cường số xe, số tuyến cũng như phối hợp với các lực lượng chức năng khác để đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ… dự kiến tăng cường khoảng 2.486 xe.

giao-thong-ha-noi-can-tet-1.jpg
giao-thong-ha-noi-can-tet-4.jpg

Xử lý vi phạm ngay từ đầu năm mới

Trước đó (ngày 3/1), tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Ky, Phó Giám đốc Công an Hà Nội cho biết, lực lượng công an triển khai đồng bộ các biện pháp, giải pháp đảm bảo trật tự ATGT, phòng ngừa TNGT theo nguyên tắc “nguyên nhân nào - giải pháp đó”.

Công an Hà Nội tiếp tục duy trì thực hiện hiệu quả các chuyên đề, kế hoạch tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm do Bộ Công an chỉ đạo, các chuyên đề từ thực tiễn tình hình giao thông Thủ đô, các vi phạm là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn, ùn tắc giao thông. Đặc biệt là kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp xe 3, 4 bánh tự sản xuất, lắp ráp. Đồng thời, xử lý nghiêm các đối tượng chạy xe tốc độ cao, lạng lách, đánh võng, mang theo hung khí khi tham gia giao thông, đua xe, cổ vũ đua xe trái phép…

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky đề nghị chỉ huy các đơn vị tập trung chỉ đạo, kiểm tra thực hiện quyết liệt, hiệu quả kế hoạch cao điểm bảo đảm an ninh trật tự, ATGT Tết đến.

Theo Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội, trong 10 ngày đầu năm 2025 (từ 1 - 10/1) đã xử lý 8.435 trường hợp vi phạm giao thông, phạt tiền ước tính 21,5 tỷ đồng, trong đó có 1.826 trường hợp nồng độ cồn. Lực lượng chức năng cũng đã tạm giữ 2.493 phương tiện, tước 317 giấy phép lái xe và trừ điểm giấy phép lái xe 965 trường hợp. Trước thực trạng vi phạm về nồng độ cồn tăng, Phòng CSGT chỉ đạo các đội địa bàn tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trên các tuyến phố, trong các khung giờ nhằm ngăn ngừa tai nạn giao thông.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ