Giao lưu với giáo viên, học sinh thi Olympic và KHKT quốc tế năm 2024

GD&TĐ - Chiều 28/12, Bộ GD&ĐT tổ chức gặp mặt, giao lưu giáo viên và HS đạt thành tích cao trong kỳ thi Olympic và Khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2024.

Giao lưu với giáo viên, học sinh thi Olympic và KHKT quốc tế năm 2024

Dự gặp mặt và giao lưu về phía Bộ GD&ĐT có TS. Nguyễn Thị Kim Chi, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT; bà Đặng Hoàng Anh - Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam; Nhà báo Triệu Ngọc Lâm, Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại; ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng; ông Bùi Văn Linh - Phó Chánh Văn phòng; bà Nguyễn Thị Nhung - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên; bà Nguyễn Thị Hạnh - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ.

khach-moi-4.jpg
Các đại biểu tham dự buổi gặp mặt.
Quang cảnh buổi gặp mặt.
Quang cảnh buổi gặp mặt.

Về phía Trường Đại học VinUni có bà Nguyễn Hồng Hà - Hiệu phó phụ trách Vận hành Học thuật; Giáo sư - bác sĩ Michelle Hermiston - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Sức khỏe; TS. Hồ Hồng Hải - Phó Viện trưởng Viện Kinh Doanh và Quản trị; bà Nguyễn Thị Hồng Thái - Trưởng phòng Tuyển sinh; bà Phạm Hồng Hạnh - Trưởng phòng Công tác Sinh viên.

Đến với chương trình giao lưu còn có GS. Đỗ Đức Thái, Thư ký Hội đồng Giáo sư Nhà nước ngành Toán học; Trưởng khoa Toán – Tin, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Đặc biệt là sự hiện diện của các thầy cô giáo, học sinh đạt thành tích cao trong kỳ thi Olympic và KHKT quốc tế năm 2024.

van-nghe-4.jpg
van-nghe-2.jpg
Các tiết mục văn nghệ chào mừng đến từ sinh viên Trường Đại học VinUni.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi: Nguồn động lực lớn lao để các em tiếp tục nỗ lực học tập, nghiên cứu khoa học

Phát biểu tại buổi gặp mặt và giao lưu, Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi bày tỏ niềm tự hào khi học sinh Việt Nam ngày càng khẳng định được vị thế và khả năng vượt trội của mình trên đấu trường quốc tế. Những tấm huy chương mà các em đạt được không chỉ là thành tích cá nhân xuất sắc, mà còn là niềm tự hào chung của đất nước, của ngành giáo dục, và là minh chứng cho sự phát triển mạnh mẽ của nền giáo dục Việt Nam trong thời đại mới.

Thành tích của các em trong năm nay tô điểm cho những thành tích, những chiến công mà đất nước Việt Nam đã vượt qua nhiều gian lao, vất vả khó khăn với những khủng hoảng bất cập và những cuộc cách mạng về thể chế phát triển khoa học, kỹ thuật.

tt-kim-chi-5.jpg
Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi bày tỏ niềm tự hào khi học sinh Việt Nam ngày càng khẳng định được vị thế và khả năng vượt trội của mình trên đấu trường quốc tế.

“Đây là sự khẳng định đất nước chúng ta đã bước qua khó khăn và bước vào một kỷ nguyên mới như lời hiệu triệu của Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói” - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh.

Mỗi giải thưởng mà các em đạt được là một hành trình dài của sự kiên trì, học hỏi và sáng tạo. Đằng sau mỗi tấm huy chương là sự cống hiến của các thầy cô giáo, những người đã tận tâm dìu dắt các em từng bước, truyền đạt kiến thức, kỹ năng, cũng như niềm đam mê nghiên cứu khoa học.

“Kết quả của các em học sinh không chỉ dừng lại ở tấm huy chương hay trải nghiệm, mà các em đang góp phần vào thành tích chung, kết quả chung của đất nước”, Thứ trưởng ghi nhận.

Tất cả chỉ là khởi đầu, hành trình phía trước còn gian lao và vất vả bởi đường tới vinh quang không bao giờ dễ dàng. Trong thời gian tới, các em sẽ tiếp tục nghiên cứu, học tập ở môi trường đại học trong nước và ngoài nước. Các em hãy đi theo con đường mà mình lựa chọn. Những kết quả đạt được sẽ là khởi đầu giúp các em có những thành công lớn, vang dội hơn nếu các em vẫn giữ kiên trì, mạnh mẽ.

Trong dịp này, bên cạnh vinh danh và khen thưởng những học sinh đạt giải tại các kỳ thi Olympic quốc tế và Khoa học kỹ thuật, Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi cũng bày tỏ hy vọng, những thành công của các em học sinh sẽ là nguồn động lực lớn lao để các em tiếp tục nỗ lực trong học tập, nghiên cứu khoa học, và góp phần đưa nền khoa học công nghệ nước nhà phát triển mạnh mẽ trong tương lai.

"Tôi tin những tấm huy chương này sẽ là bệ phóng để các em tiếp tục học tập thật tốt, vươn tới chinh phục những đỉnh cao trí tuệ - khoa học, trở thành hiền tài có nhiều đóng góp, xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh", Thứ trưởng bày tỏ.

vin-5.jpg
vin-4.jpg
vin-2.jpg
vin-1.jpg
Các em học sinh đạt thành tích cao trong kỳ thi Olympic và khoa học kỹ thuật (KHKT) quốc tế năm 2024 tham quan các phòng chức năng tại trường Đại học VinUni.

Trưởng đoàn Olympic Hóa học quốc tế năm 2024: Cố gắng hết sức theo đuổi đam mê để không bao giờ phải hối tiếc

Cô Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Trưởng khoa Hóa học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trưởng đoàn Olympic Hóa học quốc tế năm 2024 chia sẻ, tham gia tập huấn và dẫn đoàn học sinh giỏi quốc tế không chỉ là niềm vui, niềm vinh dự và tự hào mà còn là trách nhiệm lớn lao với thế hệ tương lai cũng như hình ảnh và vị thế của đất nước Việt Nam với bạn bè quốc tế.

giao-luu-1.jpg

Đạt được những kết quả trên, Đoàn Hóa học Việt Nam vượt qua nhiều khó khăn. Về góc độ chuyên môn khó khăn nhất luôn là vấn đề thích nghi nhanh với điều kiện phòng thí nghiệm mới. Do đó, trong những năm gần đây Đội tuyến Hóa học có sự điều chỉnh kế hoạch tập huấn phần thực hành khi được bố trí ở 4 đơn vị: Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học USTH - để các em có thể làm quen và thích nghi.

Bên cạnh đó là một số khó khăn về sinh hoạt như sự chênh lệch múi giờ. Theo thời gian biểu của Ban tổ chức tất cả các cuộc họp hội đồng bàn về chuyên môn luôn nằm trong khoảng 8-12 giờ tối ở địa phương. Như ở Thụy Sĩ và Ả Rập Xê Út, tương đương khoảng 0h - 5 giờ sáng của Việt Nam nên thực sự rất mệt.

Vấn đề thời tiết và ẩm thực cũng có ảnh hưởng, như kì thi ở Ả Rập Xê Út khi nhiệt độ trung binh luôn khoảng 46 độ, thì việc thích nghi, di chuyển và đặc biệt là giữ sức khỏe cho các em là ưu tiên hàng đầu. Đoàn Việt Nam ra nước ngoài luôn mang theo mì tôm, phở... để có thể thay đổi khi nhớ cơm nhà.

Trưởng đoàn Olympic Hóa học quốc tế năm 2024 cũng chia sẻ, kỷ niệm đáng nhớ nhất có thể là kỳ thi ICHO 2022 do Trung Quốc đăng cai. Trong buổi chiều tập huấn ở Trường Đại học sư phạm Hà Nội, mấy cô trò mải mê nên không để ý trời mưa rất to và đoạn đường từ giảng đường về ký túc xá ngập qua thắt lưng. Các con ở các tỉnh lên nói là lần đầu được trải nghiệm "bơi ở Hà Nội". Cô thì phải để lại xe giữa sân trường vì chết máy.

co-ha-189.jpg
Cô Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Trưởng khoa Hóa học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trưởng đoàn Olympic Hóa học quốc tế năm 2024 chia sẻ tại buổi giao lưu.

Tại buổi giao lưu, cô Hà gửi thông điệp đến học sinh hãy luôn cố gắng hết sức mình theo đuổi đam mê để không bao giờ phải hối tiếc. "Những tấm huy chương chỉ là đích đến, còn niềm vui chính là ở trên chặng đường cố gắng đạt tới đích đó..." - cô Hà nói. Do vậy, bản thân mỗi thầy cô tham gia tập huấn đều phải học hỏi, tìm tòi, nghiên cứu, để truyền tải được những kiến thức tốt nhất tới các em trong giờ học, cũng như luôn sẵn sàng giải đáp và trao đổi mọi thắc mắc với các em ngoài giờ học.

GS. Đỗ Đức Thái: Đừng ngủ quên trên chiến thắng

Tại giao lưu, GS. Đỗ Đức Thái, Thư ký Hội đồng Giáo sư Nhà nước ngành Toán học; Trưởng Khoa Toán Tin, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội gửi lời chúc mừng các em học sinh đã có những thành tích trong các kỳ thi Olympic và Khoa học quốc tế.

khach-moi-8.jpg
GS. Đỗ Đức Thái - Thư ký Hội đồng Giáo sư Nhà nước ngành Toán học; Trưởng Khoa Toán Tin, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

GS. Đỗ Đức Thái đánh giá, những thành tích của các em học sinh trong đội tuyển đã giúp đất nước Việt Nam rạng danh trên đấu trường quốc tế với vẻ đẹp tri thức.

Thành tích đó thể hiện các em có năng khiếu trong lĩnh vực mà mình dự thi và đã đạt được kết quả to lớn sau quá trình lao động “chất xám” vất vả.

Song, GS. Đỗ Đức Thái cũng đưa ra lời khuyên, đạt được những thành tích vẻ vang nhưng các em cũng đừng ngủ quên trên chiến thắng. Hãy tiếp tục học hỏi, trau dồi kiến thức để vươn tới những vinh quang, thành công vang dội hơn nữa trên bước đường đời mai sau.

“Làm khoa học và trở thành nhà khoa học khác nhau. Bản chất thi học sinh giỏi là làm những bài toán mà đã có lời giải và tổng hợp những kỹ thuật kinh điển trong khoa học. Tuy nhiên, sáng tạo khoa học phải làm những cái mà chưa ai làm đến, phải làm bằng những kỹ thuật phi tiêu chuẩn. Vì nếu không sẽ không ra được công trình để lại dấu ấn thật sự”. GS. Đỗ Đức Thái chia sẻ.

Không bó buộc khoa học công nghệ trong môi trường đại học

Tại giao lưu, Giáo sư Đỗ Minh – Hiệu phó Danh dự tại VinUni chia sẻ, cách đây hơn 30 năm, như một số học sinh ở đây, thầy cũng giành huy chương Bạc trong kỳ thi Olympic Toán học quốc tế.

“Thầy muốn chia sẻ với các em 2 bài học mà thầy nhận ra được. Thứ nhất, nếu mình xác định được mục tiêu rõ ràng, cần sự tập trung rất cao độ. Có sự quyết tâm là chúng ta sẽ đạt được. Thứ hai, cần tạo cho mình sự tự tin. Nếu sinh viên Việt Nam cố gắng, có ý chí quyết tâm thì có thể làm đc những việc mà bất kỳ sinh viên quốc tế nào làm”, thầy Đỗ Minh nhấn mạnh.

gs-minh.jpg

Giáo sư Đỗ Minh cho biết, vừa qua, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Nghị quyết đó đòi hỏi, kêu gọi một cuộc cách mạng ở Việt Nam phát triển khoa học công nghệ. Đó là "chìa khoá" đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

“Đại học VinUni sẽ quyết tâm tối đa để đóng góp cho đất nước tham gia trong cuộc cách mạng khoa học công nghệ, Cụ thể, trường giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh. Hiện, khoa học công nghệ phát triển rất nhanh trên thế giới. Do đó, thành thạo trong việc sử dụng tiếng Anh là rất cần thiết”, giáo sư Đỗ Minh nói.

Bên cạnh đó, VinUni có đội ngũ thầy cô giáo, mạng lưới giáo sư hàng đầu khắp mọi nơi trên thế giới liên kết làm việc với trường. Nếu vào trường, các em có cơ hội tiếp xúc với các thầy cô để học được những kiến thức mới, trải nghiệm, cơ hội học tập trao đổi, học sau đại học tại ngôi trường danh tiếng ở khắp nơi trên thế giới.

Ngoài ra, trường có hệ thống phòng thí nghiệm. Cơ sở, nền tảng làm khoa học như vậy cho phép các em vào trường thử nghiệm, rút ra bài học trong việc tìm tòi, đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học công nghệ.

“Khoa học công nghệ không chỉ bó buộc trong môi trường đại học, mà còn phải lan toả trong cuộc sống. Sinh viên trường Đại học VinUni có cơ hội tham gia dự án khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo liên kết với công ty, tập đoàn lớn cả trong nước lẫn quốc tế, thấy được khoa học công nghệ ứng dụng vào cuộc sống thế nào. Lãnh đạo nhà trường hy vọng, qua những kinh nghiệm như vậy, các em có thể tự tin, hỗ trợ trường, thậm chí là thành lập công ty khởi nghiệp sau khi tốt nghiệp”, giáo sư Đỗ Minh chia sẻ.

Cơ hội rèn luyện sự bền bỉ, kiên trì và tính quyết liệt qua những cuộc thi

co-ha-vinuni.jpg
Cô Nguyễn Hồng Hà - Hiệu phó phụ trách Vận hành Học thuật trường Đại học VinUni.

Phát biểu tại buổi gặp mặt và giao lưu, cô Nguyễn Hồng Hà - Hiệu phó phụ trách Vận hành Học thuật trường Đại học VinUni chia sẻ: “VinUni mới đc 5 tuổi nhưng có khát vọng, sứ mệnh, mong muốn xây dựng nơi đào tạo nhân tài cho tương lai. Tháng 5 vừa qua, trường có cơ hội chào đón các em đến tham gia chương trình tập huấn. Tháng 10 vừa qua, trường là tổ chức giáo dục đại học trẻ nhất với tốc độ nhanh nhất. Trường cũng được bổ nhiệm là UNESCO chair, nghiên cứu và bảo tồn văn hoá dân tộc”.

Vừa qua, trường cũng chào đón lứa sinh viên đầu tiên. Trong đó, tổng học sinh, sinh viên của trường là 1.300. Có 3 học sinh đạt giải Olympic đã lựa chọn VinUni để theo học.

Cô Nguyễn Hồng Hà chia sẻ, cách đây 20 năm, cô cũng là một học sinh giỏi trong đội tuyển Tiếng Anh quốc gia.

“Cơ hội được tham gia vào những cuộc thi là để rèn luyện sự bền bỉ, kiên trì và tính quyết liệt. Các em có cơ hội được tương tác, trải nghiệm, chiến đấu vì màu cờ sắc áo. Có những thứ không học được trong lớp, nhưng các em lại học được từ những cuộc thi. Ngoài biết ơn cuộc đời, mong các em biết ơn những cuộc thi. Bởi, qua những cuộc thi, các em có cơ hội rèn luyện”, cô Nguyễn Hồng Hà cho biết.

May mắn là có những trường học phù hợp với năng khiếu của các con

khach-moi-7.jpg
Bà Trần Thị Thu Hiền, phụ huynh em Phạm Công Minh (Huy chương Vàng Olympic Tin học Quốc tế 2024 tại Ai Cập).

Chia sẻ tại buổi lễ, bà Trần Thị Thu Hiền, phụ huynh em Phạm Công Minh (Huy chương Vàng Olympic Tin học Quốc tế 2024 tại Ai Cập) bày tỏ:

"Hôm nay đến đây cảm xúc của tôi rất hồi hộp và hạnh phúc khi con đã bước đầu gặt hái được 'trái ngọt' đầu đời. Cũng như các phụ huynh khác, tôi luôn mong khi con ở lứa tuổi học sinh, trước tiên cần ngoan ngoãn lễ phép, trau dồi được đạo đức tốt là quan trọng nhất. Về việc học tập, khi các con có mong muốn và ước mơ gì thì gia đình sẽ ủng hộ, hỗ trợ và đồng hành với con.

Rất may mắn là có những trường học phù hợp với năng khiếu của các con, gặp được những người thầy cô nhiệt tình, luôn quan tâm và giúp các con phát triển được như ngày hôm nay. Đây là cơ sở để con cố gắng phấn đấu nhiều hơn nữa, góp phần làm rạng danh đất nước", bà Thu Hiền cho biết.

Đam mê học tập và khát vọng vươn xa là những giá trị kết nối học sinh quốc tế

tuan-anh.jpg
Em Ðặng Tuấn Anh, sinh viên Trường Đại học Y Hà Nội, Huy chương Vàng Olympic Sinh học Quốc tế năm 2024.

Chia sẻ kinh nghiệm sau kỳ thi thành công, Ðặng Tuấn Anh, sinh viên Trường Đại học Y Hà Nội, Huy chương Vàng Olympic Sinh học Quốc tế năm 2024, chia sẻ, đề thi năm nay thực sự thách thức với sự kết hợp hài hòa giữa lý thuyết và thực hành, đòi hỏi kiến thức sâu rộng ở nhiều lĩnh vực. Một số câu hỏi yêu cầu phân tích dữ liệu phức tạp hoặc giải quyết các vấn đề thực tế.

Đối với những câu hỏi khó, em thường dành thời gian đọc kỹ đề bài để hiểu rõ vấn đề, sau đó phân tích dữ kiện và vận dụng các phương pháp tư duy phản biện. Khi gặp tình huống không chắc chắn, em cố gắng bình tĩnh, suy luận dựa trên nền tảng kiến thức và chọn hướng giải quyết phù hợp nhất.

Đặng Tuấn Anh cho biết, kỳ thi không chỉ là cơ hội kiểm tra năng lực mà còn là dịp để em mở mang tầm mắt khi tiếp xúc với các bạn thí sinh xuất sắc từ khắp nơi trên thế giới. Điều em học hỏi được nhiều nhất là cách các bạn tiếp cận vấn đề một cách sáng tạo và tư duy khoa học rất chặt chẽ. Các bạn không chỉ xuất sắc trong chuyên môn mà còn thể hiện sự tự tin, bản lĩnh và tinh thần học hỏi lẫn nhau, điều này đã truyền cảm hứng rất lớn cho em.

Đặng Tuấn Anh bày tỏ ấn tượng tại buổi giao lưu văn hóa với các thí sinh quốc tế. Tại đây, các em cùng nhau tham gia một hoạt động nhóm, dù khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa nhưng mọi người đã phối hợp ăn ý để hoàn thành nhiệm vụ. Sự gắn kết và tình bạn được xây dựng chỉ trong vài giờ ngắn ngủi đã để lại trong em những cảm xúc khó quên. Đặc biệt, khoảnh khắc mọi người cùng chia sẻ câu chuyện về hành trình chinh phục kỳ thi đã giúp em nhận ra rằng đam mê học tập và khát vọng vươn xa là những giá trị kết nối chúng em với nhau.

“Thành tích này không chỉ là niềm tự hào cá nhân mà còn là minh chứng cho sự nỗ lực, kiên trì và tình yêu dành cho Sinh học của em. Với gia đình, đây là niềm vui và cũng là món quà tinh thần mà em muốn gửi đến bố mẹ, những người luôn ủng hộ và đồng hành cùng em trong mọi chặng đường. Với em, kết quả này là động lực to lớn để tiếp tục theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học, đóng góp nhiều hơn cho xã hội và khám phá những điều mới mẻ trong thế giới tự nhiên…” – Đặng Tuấn Anh bày tỏ.

Kiên trì là chìa khóa thành công

sv-thanh.jpg
Em Trần Quang Thành, sinh viên trường Đại học VinUni chia sẻ tại buổi giao lưu.

Em Trần Quang Thành (22 tuổi, sinh viên trường Đại học VinUni) chia sẻ, yếu tố đầu tiên để đạt được thành công mà em nghĩ đến là sự kiên trì, không bỏ cuộc khi đối diện thử thách.

“Em nghĩ rằng trong cuộc sống thất bại là điều khó tránh khỏi. Bản thân em trong quá trình học THPT gặp rất nhiều thất bại trong các kỳ thi, nhưng, như thầy giáo của em chỉ ra, yếu tố đưa em đến kỳ thi quốc tế là sự kiên trì, tin tưởng vào bản thân để vượt qua khó khăn.

Em tin rằng những bạn đạt giải Olympic quốc tế cũng có phẩm chất này – khả năng đối mặt với khó khăn và vượt qua nó. Theo em, kiên trì không chỉ là chìa khóa thành công trong học tập mà còn là kỹ năng quan trọng mà mỗi người cần tiếp tục rèn luyện trong suốt cuộc đời, ngay cả khi những kỳ thi đã khép lại”, Trần Quang Thành chia sẻ.

Bên cạnh đó, Trần Quang Thành có 2 điều muốn chia sẻ với bạn bè đồng trang lứa. Trước hết, em Qunag Thành cho rằng thời điểm sau các kỳ thi, các bạn sẽ dễ bị mất phương hướng, vì cấp THPT đã tập trung hoàn thành mục tiêu ngắn hạn là thi Học sinh Giỏi Quốc gia, Quốc tế. Vì vậy khi học đại học, Thành cho rằng các bạn cần bắt đầu dành thời gian để tìm ra mục tiêu dài hạn của bản thân, điều này sẽ giúp các bạn không bị mất phương hướng.

Điều thứ 2 Thành muốn gửi gắm là hãy chủ động và thậm chí là quyết liệt trong việc xây dựng các mối quan hệ. "Trong các kỳ thi, các bạn được đồng hành cùng các thầy cô. Sau này cũng vậy, các bạn cần có sự giúp đỡ của các giáo sư, các anh chị đi trước. Vì vậy tôi khuyên các bạn hãy chủ động và thậm chí là quyết liệt trong việc xây dựng các mối quan hệ. Với các bạn, đạt giải quốc tế là rất danh giá, từ đó cơ hội sẽ đến với các bạn vì vậy nên tận dụng nó để tạo thêm các mối quan hệ”, Trần Quang Thành cho biết thêm.

Mong muốn phát triển những nghiên cứu và sản phẩm ngang tầm thế giới

Nguyễn Lê Quốc Bảo, học sinh lớp 12, Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong, TP Hồ Chí Minh (giải Nhì tại Cuộc thi KHKT Quốc Tế, ISEF 2024) bày tỏ, vô cùng hào hứng và biết ơn khi chia sẻ hành trình của mình tại cuộc thi danh giá này.

quoc-bao.jpg
Em Nguyễn Lê Quốc Bảo (ngồi giữa), học sinh lớp 12, Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong, TP Hồ Chí Minh (giải Nhì tại Cuộc thi KHKT Quốc Tế, ISEF 2024).

Về hành trình chinh phục, Quốc Bảo cho biết, em và đồng đội của mình - bạn Lê Tuấn Hy bắt đầu dự án ở lĩnh vực Software system vào tháng 9 năm 2023, dưới sự dẫn dắt của thầy hướng dẫn Đỗ Quốc Anh Triết (Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong). Lúc đầu mọi thứ khá khó khăn, nhưng với tình yêu cho bộ môn nghiên cứu, tin học toán học, đặc biệt là tính toán hình học 3D trong đồ hoạ máy tính mô phỏng, và trí tuệ nhân tạo, chúng em ngày đêm thực hiện dự án, trải qua không dưới 100 lần thất bại.

Điều đáng nhớ nhất là khi thi đấu trên đấu trường quốc tế, sự khác biệt quá lớn so với đấu trường trong nước. Chúng em được gặp gỡ các bạn đến từ các nước đi đầu về công nghệ khoa học như: Mỹ, Trung Quốc, Singapore, Brazil. Đặc biệt mỗi state của Mỹ đại diện tham dự như một quốc gia số lượng thực sự áp đảo.

Thế nhưng với tâm lý thoải mái, em cùng bạn của mình, với sự dìu dắt tận tình của các thầy cô dẫn đoàn đã hoàn thành phần thi diễn ra trong 2 ngày liên tục và xuất sắc đạt được hai giải kép (một giải Đặc biệt trao bởi Hiệp hội tính toán Hoa Kỳ ACM và giải Nhì chung cuộc trao bởi tập đoàn công nghệ Microsoft). “Đó là một trải nghiệm đáng nhớ khi được tận hưởng những ngày trên đất nước Mỹ, khám phá bao điều mà người ta vẫn thường nói: only in America…” – Quốc Bảo chia sẻ.

Nam sinh bộc bạch, vẫn còn nhiều hoài bão to lớn, những ý tưởng ấp ủ và tin tưởng Việt Nam sánh vai với các cường quốc công nghệ khác trên bản đồ khoa học công nghệ thế giới.

Trong tương lai, Quốc Bảo vẫn tiếp tục con đường của mình đã chọn. “Em có một mục tiêu lớn hơn, trong đó có ước mong được tham gia các hội nghị khoa học đỉnh cao với vai trò tác giả. Đặc biệt, khi NVDIA đến Việt Nam, em cảm nhận được thời cơ và cơ hội đã đến. Em mong muốn có thể đóng góp phần nào đó cho Việt Nam phát triển những nghiên cứu và sản phẩm ngang tầm thế giới…”- Quốc Bảo nói.

Năm 2024, Việt Nam đã có 8 đoàn dự thi Olympic quốc tế và khu vực, với tổng cộng 38 học sinh tham gia. Kết quả đạt được vượt xa so với các năm trước, với thành tích đạt được là 12 Huy chương Vàng, 15 Huy chương Bạc, 10 Huy chương Đồng và 1 Bằng khen, so với năm 2023, số lượng Huy chương Vàng tăng 4, Huy chương Bạc tăng 3, khẳng định sự vươn lên mạnh mẽ về chất lượng giáo dục mũi nhọn.

Trước đó, sáng cùng ngày 28/12, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân gặp mặt, tuyên dương đoàn học sinh đoạt giải Olympic và KHKT quốc tế năm 2024.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: INT

Café chủ nhật: Thói quen... 'cướp lời'

GD&TĐ - Trong cuộc sống hàng ngày, hầu hết chúng ta đều đã gặp phải tình huống đối diện với một người mắc chứng “nói không dừng lại được”.