Tuyển sinh ĐH, CĐ 2014: Chính sách ưu tiên và phương hướng tuyển sinh

(GD&TĐ) - Bộ GD&ĐT đã công bố dự thảo sửa đổi, bổ sung quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2014.

Tuyển sinh ĐH, CĐ 2014: Chính sách ưu tiên và phương hướng tuyển sinh
Dịp này, lãnh đạo nhiều trường cũng hé mở phương án tuyển sinh năm đầu tiên thực hiện tự chủ.

Dự kiến thay đổi chính sách ưu tiên 

Điểm mới tại dự thảo sửa đổi, bổ sung quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2014 là chính sách ưu tiên trong tuyển sinh. Theo đó, thí sinh thuộc đối tượng ưu tiên khu vực 1 phải thuộc các thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III (xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn) theo các quy định hiện hành.  

Sửa đổi, bổ sung đối tượng ưu tiên. Cụ thể, với đối tượng 1, bổ sung điều kiện “ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn” đối với công dân Việt Nam có cha hoặc mẹ là người dân tộc thiểu số.

Bổ sung những đối tượng ưu tiên thuộc diện chính sách như: Người khuyết tật; con của người bị nhiễm chất độc hóa học; con của người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đầy; con của người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế; con của người có công giúp đỡ cách mạng…

Đặc biệt, dự thảo bổ sung đối tượng được tuyển thẳng vào ĐH, CĐ. Theo đó, thí sinh đoạt giải nhất, nhì, ba trong hội thi khoa học kỹ thuật do Bộ GD&ĐT tổ chức, đã tốt nghiệp THPT được tuyển thẳng vào ĐH theo đúng ngành hoặc gần ngành của môn thí sinh đoạt giải; thí sinh đoạt khuyến khích trong hội thi này được tuyển thẳng vào học CĐ.

Nhiều trường vẫn chọn “3 chung”

Tại hội nghị, lãnh đạo nhiều trường ĐH, CĐ cho biết, kỳ tuyển sinh 2014 tới đây vẫn sẽ lựa chọn giải pháp “3 chung”.

Ông Hoàng Dương Hùng - Hiệu trưởng Trường ĐH Quảng Bình bày tỏ quan điểm, chỉ nên nghĩ tới chuyện bỏ “3 chung” khi chúng ta kiểm soát được chất lượng các cơ sở đào tạo, có được hệ thống đánh giá xếp hạng công khai các trường ĐH và công tác tuyển dụng không chỉ dựa trên bằng cấp, đồng thời, kết quả tốt nghiệp THPT có thể tin cậy được.

“Dù Trường ĐH Quảng Bình trong những năm qua công tác tuyển sinh chưa được mĩ mãn nhưng không phải vì thế mà chúng tôi phải đi tìm một phương án tuyển sinh khác” – Ông Hoàng Dương Hùng khẳng định.

Là một trường ĐH ngoài công lập, nhưng kết quả thăm dò lựa chọn phương án tuyển sinh năm 2014 của Trường ĐH Quang Trung cũng có đến 92,86% số phiếu chọn phương án “3 chung”.

Ông Nguyễn Minh Châu – Hiệu trưởng - thông tin: Trường ĐH Quang Trung sẽ chung thủy với phương án này cho đến khi Bộ GD&ĐT thôi không hỗ trợ tổ chức “3 chung” nữa.

Lý luận của ông Châu là: Tham gia “3 chung”, trường được Bộ GD&ĐT hỗ trợ khâu đề thi, quy chế tuyển sinh, những điều cần biết – thuận lợi cho nhà trường trong khâu quảng bá tuyển sinh; đảm bảo chất lượng đầu vào và dồi dào nguồn tuyển…

Trường khối nghệ thuật tiếp tục xin “ra riêng”

Năm 2013, lần đầu tiên 10 trường khối Văn hóa – Nghệ thuật tuyển sinh riêng. Tại hội nghị, bà Lê Thị Thu Xuyền (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, cơ hội này đã tạo nguồn tuyển rộng rãi và nâng cao chất lượng tuyển chọn đầu vào cho các trường.

Số lượng thí sinh đăng ký dự thi vào một số trường tăng cao so với năm trước, như Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam (tăng 75%), ĐH Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh (tăng 67%)…

Các trường cũng tiết kiệm được chi phí tổ chức thi tuyển sinh, giảm áp lực cho thí sinh; đồng thời, tạo điều kiện để thí sinh có cơ hội tham gia dự thi những trường khác theo “3 chung”.

Để phát huy hơn nữa thành công này, bà Lê Thị Thu Xuyền đề nghị Bộ GD&ĐT tiếp tục cho phép 10 trường khối Văn hóa nghệ thuật duy trì, tổ chức tuyển sinh riêng; cho phép các trường CĐ thuộc các tỉnh/thành khối Văn hóa nghệ thuật được tổ chức tuyển sinh riêng năm 2014 trên cơ sở tự nguyện; xây dựng đề án khả thi trình lên 2 Bộ phê duyệt.

Tuy nhiên, từ thực tế tuyển sinh riêng của 10 trường năm vừa qua, có trường hợp thí sinh đăng ký dự thi học tập và có bằng tốt nghiệp CĐ ở nước ngoài.

Do trong chương trình học không có môn Ngữ văn nên những đối tượng này không đảm bảo tiêu chí để xét tuyển dù có tài năng thực sự. Bà Xuyền đề nghị Bộ GD&ĐT có văn bản xem xét, hướng dẫn cụ thể với những thí sinh nêu trên, nhằm tạo điều kiện tối đa cho những tài năng trong lĩnh vực nghệ thuật…

Năm 2014: Trường thi "3 chung" vẫn theo 3 đợt

Kỳ tuyển sinh năm 2014, những trường ĐH, CĐ lựa chọn “3 chung” sẽ vẫn thi theo 3 đợt.

Cụ thể, đợt 1 dành cho các trường ĐH thi khối A, A1, V, diễn ra vào hai ngày 4 - 5/7/2014.

Đợt 2: Thi ĐH khối B, C, D, N, H, T, R, M, K, diễn ra vào hai ngày 9 - 10/7/2014.

Đợt 3 thi CĐ vào hai ngày 15 - 16/7/2014.

Thí sinh đăng ký dự thi vào các trường tham gia kỳ thi chung do Bộ GD&ĐT tổ chức sẽ bắt đầu nộp hồ sơ từ ngày 10/3 đến hết ngày 10/4 (theo tuyến Sở GD&ĐT) và từ ngày 11 - 17/4/2014 (nếu nộp trực tiếp tại các trường ĐH, CĐ). Thí sinh sẽ được nhận giấy báo dự thi bắt đầu từ 30/5 - 5/6/2014.

Trước 1/8/2014 với trường ĐH và trước 5/8/2014 với trường CĐ, các trường có tổ chức thi phải hoàn thành công tác chấm thi, công bố điểm thi của thí sinh trên các phương tiện thông tin đại chúng; trả giấy chứng nhận kết quả thi trước 10/8 và công bố điểm trúng tuyển từ 20/8/2014.


Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ