Tuyển sinh 2021: Đề xuất giảm mức lệ phí tuyển sinh do tác động của Covid-19

GD&TĐ - Tại hội nghị tuyển sinh ĐH, CĐ sư phạm năm 2021, nhiều ý kiến tán thành với một số điểm mới của dự thảo Quy chế tuyển sinh năm nay, đồng thời đề xuất giảm mức lệ phí tuyển sinh cho thí sinh.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2020.
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2020.

PGS.TS Nguyễn Phong Điền – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội đồng tình với một số điều chỉnh trong dự thảo Quy chế tuyển sinh mang tính kỹ thuật và theo hướng có lợi cho thí sinh.

Đồng quan điểm, PGS.TS Bùi Đức Triệu – Trưởng phòng Quản lý Đào tạo (Trường ĐH Kinh tế Quốc dân) cho rằng, hằng năm nếu chúng ta cập nhật những cái mới như hiện nay thì công tác tuyển sinh sẽ ngày càng thắng lợi.

“Lộ trình đến năm 2025, chúng ta vừa ổn định, vừa điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn hơn. Bởi theo xu thế, các trường sẽ ngày càng chủ động trong tuyển sinh, với nhiều phương thức khác nhau và sẽ được hoàn thiện từng bước. Vì thế, Quy chế tuyển sinh cũng cần được cập nhật để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn khách quan” -  PGS.TS Bùi Đức Triệu trao đổi.

PGS.TS Nguyễn Phong Điền thảo luận tại hội nghị
PGS.TS Nguyễn Phong Điền thảo luận tại hội nghị

Nhấn mạnh, tầm quan trọng của Kỳ thi tốt nghiệp THPT trong công tác tuyển sinh, GS.TS Nguyễn Hữu Tú – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội viện dẫn: Phần lớn các cơ sở đào tạo đại học đều dành 50% chỉ tiêu tuyển sinh bằng phương thức xét kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Thực tế trên đòi hỏi khâu ra đề, coi thi và chấm thi phải thực nghiêm túc, khách quan, công bằng; nhất là khâu ra đề cần đảm bảo yếu tố phân hóa. Theo đó, các trường phải có trách nhiệm tham gia để Kỳ thi diễn ra thành công. “Trường ĐH Y Hà Nội sẵn sàng chung tay vào cuộc” - GS.TS Nguyễn Hữu Tú khẳng định.

Liên quan đến lệ phí tuyển sinh, PGS.TS Nguyễn Phong Điền cho rằng, theo cơ chế tự chủ, các trường được quyền thu mức phí tuyển sinh. Đăng ký xét tuyển là việc phức tạp, chủ yếu thực hiện ở cấp sở và các trường THPT. Nếu giao cho các trường thực hiện thu phí và phân bổ phí sẽ rất phức tạp, thậm chí có thể sẽ xuất hiện nhiều mức phí khác nhau ứng với từng nguyện vọng.

PGS.TS Bùi Đức Triệu
PGS.TS Bùi Đức Triệu

PGS.TS Nguyễn Phong Điền đề xuất, có thể xây dựng các nhóm trường (nhóm miền Bắc, nhóm miền Nam, hoặc nhóm các trường ĐH nào đó) để thống nhất mức phí. Trên tinh thần đó, các trường phải đồng thuận và thống nhất cao.

“Đề nghị Bộ GD&ĐT xem xét, giao cơ quan, đơn vị sự nghiệp chủ trì việc này” – PGS.TS Nguyễn Phong Điền nói, đồng thời đề nghị: Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên nếu phí tuyển sinh là 30.000đ /thí sinh thì có thể giảm xuống 25.000 đồng/nguyện vọng xét tuyển” - PGS.TS Nguyễn Phong Điền đề xuất.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Khắc Thành – Hiệu trưởng Trường Đại học FPT (Hà Nội) cho rằng, dù chúng ta giảm ít nhưng sẽ có tác động và hiệu ứng tốt về mặt tâm lý cho thí sinh, cũng như xã hội.

Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) Phạm Như Nghệ trao đổi, tuyển sinh thuộc quyền tự chủ của các trường nhưng nếu để mỗi trường làm một kiểu sẽ rất khó khăn cho chính nhà trường và thí sinh. Bộ vẫn là đơn vị hỗ trợ quản lý dữ liệu chung và hỗ trợ công tác xét tuyển.

Về lệ phí tuyển sinh, Bộ không có thẩm quyền ra văn bản về việc này, mà sẽ do các  trường quyết định. Tuy nhiên, Vụ Giáo dục Đại học đã tham mưu với lãnh đạo Bộ GD&ĐT nhiều kịch bản, trong đó có việc giảm lệ phí do tác động của dịch Covid-19.

Vụ đề xuất mức giảm là 5.000 đồng. Và phần giảm đó sẽ thuộc về phần hỗ trợ chung của Bộ, kinh phí cho các sở GD-ĐT và các trường vẫn sẽ như năm 2020.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ