Giải quyết dứt điểm tồn tại về tuyển giáo viên hợp đồng

GD&TĐ - TS Vũ Minh Đức, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho rằng:

TS Vũ Minh Đức, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam.
TS Vũ Minh Đức, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam.

Để giải quyết dứt điểm tồn tại về giáo viên hợp đồng cần sự vào cuộc của nhiều cơ quan, trong đó chủ trì là Bộ Nội vụ để đưa ra giải pháp tổng thể trên cơ sở bảo đảm quyền lợi tối đa cho giáo viên; tránh tình trạng mỗi địa phương một cách làm.

Tính đến cống hiến của nhà giáo

- Không ít giáo viên hợp đồng ở Hà Nội và nhiều địa phương khác có thâm niên công tác nhưng vẫn đứng trước nguy cơ mất việc trước kỳ thi tuyển dụng viên chức giáo dục. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào? 

- Theo Khoản 2, Điều 2 sửa đổi Điều 25 Luật viên chức hiện hành, giáo viên được tuyển sau ngày 1/7/2020 sẽ thực hiện chế độ hợp đồng làm việc xác định thời hạn; đối với giáo viên được tuyển dụng trước ngày 1/7/2020, được ký hợp đồng làm việc không xác định thời hạn.

Với giáo viên đang thực hiện hợp đồng làm việc xác định thời hạn và hợp đồng vắt qua thời điểm 1/7/2020  tiếp tục thực hiện hợp đồng đó cho đến khi kết thúc; sau đó, nếu được đánh giá đủ tiêu chuẩn  được ký hợp đồng không xác định thời hạn.

Thực hiện Luật và các quy định của Đảng, Nhà nước, vừa qua, một số địa phương tiến hành rà soát, chuyển đổi hợp đồng làm việc, tuyển dụng mới giáo viên. Tuy nhiên, việc thực hiện này còn có nhiều vướng mắc, chưa thống nhất giữa các địa phương. Như ở Hà Nội, tuyển dụng giáo viên trở thành vấn đề “nóng”, được dư luận xã hội và đội ngũ giáo viên hết sức quan tâm. 

Liên quan đến vấn đề này, Bộ Nội vụ đã có Công văn số 5378/BNV-CCVC ngày 5/11/2019 và Công văn số 1923/BNV-CCVC ngày 16/4/2020 hướng dẫn các địa phương, trong đó có Hà Nội tuyển dụng đặc cách đối với giáo viên có hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội trước năm 2015.

Trong đó, Công văn 1923/BNV-CCVC ghi rõ: “Việc tuyển dụng đặc cách đối với giáo viên hợp đồng theo chủ trương của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ không yêu cầu phải thực hiện theo quy trình tuyển dụng viên chức theo quy định tại Nghị định 161/NĐ-CP”.

Mặc dù vậy, theo báo chí đưa tin, tại cuộc họp báo ngày 9/6, đại diện Sở Nội vụ Hà Nội cho biết, Hà Nội sẽ tiến hành tuyển dụng đối với giáo viên hợp đồng theo phương án xét tuyển viên chức 2 vòng theo Nghị định 161/2018/NĐ-CP.

Như vậy: Sẽ không có chuyện 2.034 giáo viên hợp đồng đủ điều kiện được xét tuyển đặc cách (xét đặc cách) theo Công văn 5378 của Bộ Nội vụ. Bên cạnh đó, việc tuyển dụng, xét tuyển được thực hiện trên phạm vi toàn thành phố, vì vậy các thầy cô trúng tuyển có thể phải chuyển sang trường khác, huyện khác công tác so với nguyện vọng đăng ký dự thi.

Trước thông tin này, giáo viên hợp đồng tại Hà Nội rất băn khoăn, lo lắng. Theo tôi, sự lo lắng này là chính đáng và có cơ sở. Tôi tha thiết mong lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội xem xét, thực hiện đúng tinh thần nội dung Công văn số 5378 và Công văn số 1923 của Bộ Nội vụ; tính đến sự cống hiến của đội ngũ giáo viên hợp đồng để có giải pháp phù hợp; thực hiện tuyển dụng đặc cách số giáo viên hợp đồng trước năm 2015 có đủ điều kiện nhằm bảo đảm việc làm và đời sống của thầy cô.

Cần giải pháp tổng thể

- Theo ông, làm thế nào để vừa bảo đảm quyền lợi cho giáo viên hợp đồng lâu năm, vừa nâng cao chất lượng đội ngũ được tuyển dụng?

- Để bảo đảm hài hòa mục tiêu nâng cao chất lượng giáo viên, đồng thời bảo đảm quyền lợi của giáo viên hợp đồng lâu năm, theo tôi, về phía cơ quan quản lý, cần xem xét, đánh giá một cách khách quan, công tâm, minh bạch về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng, cũng như phẩm chất, năng lực của giáo viên hợp đồng, thực hiện việc tuyển dụng đặc cách số giáo viên này.

Với trường hợp không đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, cần giải quyết đầy đủ chế độ chính sách cho người lao động theo quy định của pháp luật khi chấm dứt hợp đồng lao động; đồng thời có chính sách hỗ trợ để số giáo viên này tìm kiếm việc làm mới và ổn định cuộc sống.

Đối với giáo viên, cần tiếp tục không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng lực sư phạm và đạo đức nhà giáo để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục. Đó cũng chính là yếu tố quan trọng để bảo đảm việc làm lâu dài cho chính bản thân mình.

- Hà Nội, Bắc Ninh… tổ chức xét tuyển 2 vòng. Việc làm này có cần thiết khi các thầy cô có nhiều năm giảng dạy; không ít người là giáo viên dạy giỏi...?

- Việc thực hiện xét tuyển 2 vòng như đề xuất của Sở Nội vụ Hà Nội, Bắc Ninh thuộc thẩm quyền của UBND các địa phương, nhằm có căn cứ để tuyển dụng (nhất là khi số đăng ký xét tuyển nhiều hơn số chỉ tiêu được tuyển). Để việc sát hạch thực sự nâng cao chất lượng, nội dung sát hạch phải bám sát tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của giáo viên mà Bộ GD&ĐT đã ban hành; thiết thực và sát nhiệm vụ của giáo viên; đặc biệt việc sát hạch phải minh bạch, khách quan, không có tiêu cực. 

Đối với các giáo viên hợp đồng có nhiều thành tích, kinh nghiệm trong công tác giảng dạy, đạt danh hiệu “Giáo viên giỏi” các cấp,  cơ quan tuyển dụng nên có xem xét, miễn việc sát hạch bằng bài giảng cụ thể.

- Giáo viên hợp đồng tồn tại do lịch sử để lại, làm thế nào để khắc phục, theo ông?

- Đây là vấn đề gây “đau đầu” cho các địa phương và cho ngành Giáo dục. Nhiều hợp đồng làm việc đối với giáo viên trước đây không đúng quy định của pháp luật cả về chủ thể ký và nội dung hợp đồng. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của giáo viên cũng như những hệ lụy sau này.

Để giải quyết dứt điểm những tồn tại về giáo viên hợp đồng, tôi nghĩ rằng cần có sự vào cuộc của nhiều cơ quan; trong đó chủ trì là Bộ Nội vụ, với sự tham gia của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ GD&ĐT, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam… để có giải pháp tổng thể trên cơ sở bảo đảm quyền lợi tối đa cho giáo viên; tránh tình trạng mỗi địa phương giải quyết một cách.

Đối với hợp đồng làm việc ký kết sau ngày 1/7/2020, cần tăng cường vai trò của Công đoàn Giáo dục các cấp trong việc tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho giáo viên khi ký kết hợp đồng, giám sát việc thực hiện hợp đồng cũng như bảo vệ quyền lợi của giáo viên khi có tranh chấp hợp đồng xảy ra.

- Xin cảm ơn ông!

Với chức năng, nhiệm vụ của mình, năm 2019, Công đoàn Giáo dục Việt Nam có văn bản gửi Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội đề nghị xem xét tuyển dụng đặc cách số giáo viên hợp đồng trước năm 2015. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình, kịp thời có ý kiến với thành phố, các Bộ, ngành liên quan để bảo đảm quyền lợi của đội ngũ này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các chiến binh Houthi cùng hệ thống 2K12 Kub.

Ác mộng với tiêm kích Mỹ

GD&TĐ - Lực lượng Ansar Allah (Houthi) ở Yemen tuyên bố đã bắn hạ một tiêm kích hạm F/A-18 của Hải quân Mỹ khi tham gia chiến dịch tấn công Houthi.