Tiết học trải nghiệm ngoài nhà trường đầy bổ ích

GD&TĐ - Ngay từ đầu năm học 2016 - 2017, Trường THCS Trần Văn Ơn (quận 1, TPHCM) đã tổ chức nhiều tiết học trải nghiệm ngoài nhà trường cho HS. 

Tiết học trải nghiệm ngoài nhà trường đầy bổ ích

Các em được chia theo từng nhóm cùng tham quan, tìm hiểu, thuyết minh về một số di tích nổi tiếng của TPHCM như Bưu điện TP, Nhà thờ Đức Bà, đường sách... Theo đó, lần lượt mỗi tuần 1 lần, hơn 50 lớp học của nhà trường sẽ được trải nghiệm phương pháp học tập mới này ở nhiều môn học khác nhau và trước mắt sẽ là bộ môn Văn của lớp 8.

Cô trò cùng trải nghiệm

Vừa qua, cô và trò lớp 8A4 của trường cùng nhau có mặt tại trung tâm quận 1, nơi có nhiều di tích, địa danh nổi tiếng của thành phố như Bưu điện TP, Nhà thờ Đức Bà, đường sách... Các em học sinh được chia làm 3 nhóm, mỗi nhóm cử ra một bạn đóng vai trò là người thuyết minh, như là một hướng dẫn viên du lịch để giới thiệu về Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện TP, về đường sách Nguyễn Văn Bình…

Cứ như thế, các nhóm xoay vòng tròn, đi tham quan, tìm hiểu xong Nhà thờ sẽ đi sang đường sách và Bưu điện TP. Các thành viên trong nhóm cũng được phân công nhau làm các nhiệm vụ như, ghi chép, quay phim, chụp ảnh để khi kết thúc tiết học trải nghiệm, các em sẽ làm bài thu hoạch và nộp cho giáo viên.

Cô Hoàng Thị Hoài Thương, giáo viên Ngữ văn, phụ trách tiết học của các em HS lớp 8A4 chia sẻ, từ những năm học trước, nhà trường đã cho các em HS có những tiết học tương tự ở một số môn, nhưng năm nay mới bắt đầu áp dụng cho môn Văn. Theo đó, các em lớp 8 đang học Văn thuyết minh, thay vì cho các em học ở lớp có phần khô khan, tổ Văn đã cùng bàn bạc với Ban giám hiệu nhà trường lên kế hoạch để các em được trải nghiệm giờ học thú vị này.

Các em được phân công rất rõ ràng, bạn nào phụ trách hình ảnh, bạn nào ghi chép, bạn nào thuyết minh để sau đó, các em sẽ cùng nhau làm một bài thu hoạch có thể sẽ được trình chiếu PowerPoint, phóng sự, bài viết… Theo cô Hoài Thương, việc học trải nghiệm ngoài nhà trường mang lại hiệu quả rất bất ngờ. Các em không chỉ học được nhiều điều bổ ích mà còn rèn luyện thêm nhiều kỹ năng như giao tiếp, làm việc nhóm, xử lý thông tin, phản biện…

Nhờ vậy mà việc kiểm tra đánh giá cũng phải đổi mới, tức là thầy cô sẽ đánh giá cả quá trình của các em tham gia, chuẩn bị, đặt câu hỏi hay. Cụ thể, môn Văn lớp 8 sau buổi học trải nghiệm sẽ lấy điểm 1 tiết, còn một số môn khác như Anh văn chẳng hạn sẽ lấy điểm 15 phút.

Học trò thích thú

Có mặt nơi tiết học của các em HS lớp 8A4, nhiều người tham quan Bưu điện TPHCM, Nhà thờ, đường sách Nguyễn Văn Bình… không khỏi ngạc nhiên bởi sự chuyên nghiệp của một số em học sinh. Các em giới thiệu về các công trình kiến trúc cũng như giới thiệu về các cuốn sách rất lưu loát và nhất là tự tin giao tiếp với người nước ngoài.

“Nơi chúng ta đang đứng là Bưu điện TPHCM, một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu của TP được người Pháp xây dựng từ những năm 1886 - 1891. Công trình kiến trúc mang phong cách châu Âu kết hợp với nét trang trí châu Á... Và tiếp theo chúng ta sẽ tiến vào bên trong để xem kiến trúc của nó ra sao nhé!” - Em Trần Thái Bảo Ngọc (lớp 8A4) bắt đầu vai trò “hướng dẫn viên” với giọng nói dõng dạc, tự tin cho các bạn cùng lớp nghe tại một buổi đi thực tế tại Bưu điện TPHCM trong tuần qua. Cả nhóm HS lắng nghe, ghi chép và dõi theo ngôn ngữ hình thể linh hoạt của Ngọc một cách chăm chú. Những thông tin về lịch sử, kiến trúc và hoạt động của Bưu điện TP được em truyền tải một cách mạch lạc và cặn kẽ.

Sau khi tham quan Bưu điện, các em sang phía Nhà thờ Đức Bà, khi di chuyển, các em gặp một số vị khách nước ngoài và tiếp tục “trổ tài” khi trò chuyện với các du khách bằng tiếng Anh rất tự tin và lưu loát. Các em hỏi thăm về quốc tịch, về điều gì khiến du khách tới TPHCM? Và hỏi họ đã biết gì về Bưu điện TP, về Nhà thờ… sau đó các em lần lượt giới thiệu cho du khách một cách khái quát về các công trình nói trên bằng tiếng Anh khiến họ rất ngạc nhiên và vô cùng thán phục.

Còn tại đường sách, nhóm của bạn Linh Phương (lớp 8A4) đang thuyết minh cho các bạn về những tác phẩm văn học của cố nhà văn Nam Cao. Những thông tin về quê quán, năm sinh, sự ra đời của một số tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Nam Cao được Linh Phương chia sẻ đầy đủ và rõ ràng khiến cả nhóm rất hài lòng.

Háo hức và say sưa với tiết học sinh động, bạn Anh Thư (lớp 8A4) chia sẻ “được tham gia học cùng các bạn ở những địa điểm này khiến con vô cùng thích thú, con biết thêm được rất nhiều điều ngoài cuộc sống và nắm chắc được bài học ở môn Văn mà tụi con đang học. Ngoài ra, con tự tin hơn trong giao tiếp cũng như học hỏi được các bạn cùng lớp rất nhiều. Con thấy các bạn rất giỏi và nhanh nhẹn, hoạt bát”.

Cứ như thế, sau khi 3 nhóm đã lần lượt tham quan, thuyết minh hết các địa điểm nói trên, cô và trò cùng nhau ngồi lại để trao đổi một số vấn đề liên quan đến bài thu hoạch sẽ nộp vào tuần sau. Những gương mặt vui tươi, đầy phấn khởi của các em khiến các thầy cô ai cũng hài lòng. Nói như cô Trần Thúy An, Hiệu trưởng nhà trường “nhìn các con học thích thú, vui vẻ như vậy, chúng tôi rất hạnh phúc. Và trong đầu tôi cứ lóe lên nhiều ý tưởng về những tiết học ngoài trời hấp dẫn nữa để cho các con trải nghiệm”.

Nói về ý tưởng học trải nghiệm ngoài nhà trường, cô Trần Thúy An, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Từ những năm trước, trường đã thực hiện tiết học này với các môn khác như môn Sinh học đưa các em đến Thảo Cầm Viên, môn Họa đưa các em đến Bảo tàng Mĩ thuật… nhưng năm nay lần đầu thực hiện tiết học này với môn Văn, cụ thể là văn thuyết minh ở lớp 8.

Ngoài môn Văn có thể tích hợp với môn Sử, Địa lý và cả ngoại ngữ khi đưa các em đến các địa điểm nổi tiếng ở Sài Gòn để học tập, trải nghiệm. Tiết học này không chỉ giúp các em có thêm nhiều kiến thức đầy bổ ích ở môn học liên quan mà qua đó khơi gợi những khả năng tiềm ẩn của các em như khả năng nói trước đám đông, có em rất mạnh về chụp ảnh, có em gây bất ngờ ở việc giao tiếp bằng tiếng Anh, tiếng Pháp…”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ