Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ dẫn đầu đoàn khảo sát của Ban chỉ đạo nhà nước xây dựng Đề án đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập đến làm việc với Bộ GD&ĐT. |
Tham dự buổi làm việc, về phía Bộ GD&ĐT có Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa, đại diện lãnh đạo các cục, vụ của Bộ GD&DT và đại diện một số trường ĐH, Sở GD&ĐT.
Tại buổi làm việc, thay mặt lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng báo cáo đánh giá về cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, hệ thống tổ chức các đơn vị sự nghiệp thuộc lĩnh vực GD&ĐT giai đoạn 2011 – 2016; định hướng và giải pháp để tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp trong thời gian tới cùng những đề xuất, kiến nghị tới Quốc hội, Chính phủ.
Đánh giá cao báo cáo của Bộ GD&ĐT, sau khi nghe các ý kiến trao đổi cởi mở, thẳng thắn của các đại biểu, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Bộ GD&ĐT tiếp thu các ý kiến trao đổi, làm sâu sắc thêm báo cáo, bám sát 3 thành tố là đổi mới cơ chế quản lý; cơ chế tài chính và sắp xếp mạng lưới…
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại buổi làm việc |
Mục tiêu của quy hoạch là chất lượng
Liên quan đến vấn đề quy hoạch mạng lưới, phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: Quan điểm của chúng tôi là tổ chức, sắp xếp lại các đơn vị, nguồn lực của ngành Giáo dục, không phải mục tiêu chính là giảm biên chế hay tiết kiệm tiền mà mục đích là nâng cao chất lượng giáo dục, trên cơ sở cơ cấu lại, tổ chức lại những gì bất hợp lý; tháo gỡ những tắc nghẽn, thậm chí có nhiều việc không cần đến tiền.
Với cách đặt vấn đề như vậy, nhiệm vụ đầu tiên là quy hoạch lại, rà soát lại toàn bộ; theo đó, với mầm non, phổ thông, đã xây dựng các chuẩn, quy chuẩn một cách hợp lý trên cơ sở tiếp cận thực tế.
“Trách nhiệm của Bộ GD&ĐT là các chuẩn, quy chuẩn và quản lý nhà nước, hướng dẫn các địa phương chứ không làm thay quy hoạch” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đối với các trường ĐH, theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, việc quy hoạch không theo hướng hành chính, không quy hoạch theo tư nhân hay công lập mà theo hướng quy hoạch ngành, để làm sao hợp lý với yêu cầu của một ĐH hay cụm ĐH; thay bằng rải rác khắp nơi thì giờ theo các cụm, vùng mà ở đó tập trung nguồn lực để đào tạo tốt nhất.
“Việc quy hoạch cũng theo hướng mở, động và chúng tôi đã xây dựng xong các chuẩn, quy chuẩn. Từ đó, đưa ra những quan điểm về quy hoạch, nội dung quy hoạch và đặc biệt là quản lý quy hoạch. Nay mai chúng tôi trình Chính phủ đề án này. Tôi tin rằng, có một khung để không những kiểm soát các trường mới mà còn rà soát, sắp xếp các trường đang có.
Cách tiếp cận không theo hướng hành chính mà là cạnh tranh, các trường tự điều chỉnh. Như vậy, chúng ta sẽ có một mạng lưới các trường ĐH hợp lý, chứ không phải tính đến theo quy chuẩn đầu dân hoặc những chỉ số có tính chất lý thuyết” – Bộ trưởng chia sẻ.
Riêng với các trường sư phạm, Bộ trưởng nêu ra một thực tế kéo dài khoảng 5 - 7 năm nay, là các trường này gần như không được quan tâm đúng mức và đúng tính chất của trường sư phạm, dẫn đến trường phải tự xoay sở một cách yếu ớt. Đầu vào trường sư phạm không được tốt; trong quá trình đào tạo, tổ chức cũng chưa được đầy đủ; khi ra trường, sinh viên vào được các trường phổ thông rất khó khăn, nên học sinh học sư phạm ít, chất lượng thấp; khi ra trường vào đúng ngành không nhiều, đây là một sự lãng phí.
Theo Bộ trưởng, việc rà soát, quy hoạch chuẩn sư phạm theo hướng rà soát sắp xếp lại hệ thống, tập trung vào một số trường sư phạm quốc gia, trọng điểm để đầu tư. Còn các trường CĐ sư phạm hay khoa sư phạm các nơi là vệ tinh để thực hiện đào tạo lại đội ngũ giáo viên các tỉnh. Đây là nhiệm vụ vô cùng lớn.
“Như vậy chương trình phải chuẩn, máy cái phải tốt, còn các trường CĐ như vệ tinh để đào tạo lại trên cơ sở chương trình đã chuẩn. Cùng với đó, gắn kết rất chặt với địa phương.
Hướng của chúng tôi là sư phạm phải gắn với giáo viên, với trường phổ thông chứ không phải thông qua thị trường, để trong quá trình đào tạo bồi dưỡng và quá trình sử dụng giống như là trường y và bệnh viện. Đây là mối quan hệ trực tiếp, chất lượng, giảm được khâu trung gian. Nhu cầu của người học gắn với người sử dụng, từ đấy tạo nguồn thu cho các trường sư phạm” – Bộ trưởng chia sẻ.
Các đại biểu phát biểu tại buổi làm việc |
Kiên quyết có lộ trình trường ĐH phải tự chủ
Từ sắp xếp, liên quan đến phân cấp, phần quyền, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: Nghị định 16, Nghị định 43 cũng nêu, tự chủ các đơn vị công lập được hiểu là tự chủ về nhiệm vụ, về bộ máy tổ chức, tự chủ về tài chính, nhưng bản chất cơ chế quản lý đó là vấn đề phân cấp, phân quyền.
Cách tiếp cận, theo Bộ trưởng, với các trường ĐH công lập, kiên quyết có lộ trình phải ra tự chủ. Có thể không phải làm đồng khởi, nhưng phải có biện pháp để “ép”. Chỉ một số trường có tính chất quốc gia hay một số trường lớn, có đầu tư nhưng không phải đầu tư bao cấp mà đầu tư theo đặt hàng, giao bài, bằng sản phẩm.
Bộ trưởng nêu ví dụ: Ở 2 ĐHQG, tự chủ được hiểu không phải là theo thị trường mà phương thức cấp tài chính phải khác, không phải cứ tự động “đếm” người ra tiền mà phải có các nhiệm vụ. Nếu khoa học cơ bản phải có các nhiêm vụ tính đúng, tính đủ, rồi các nghiên cứu. Như vậy thì tính chủ động của lãnh đạo ĐH mới mạnh lên được.
Đưa ra thực tế, hiện nay có nhiều trường tư mạnh, Bộ trưởng cho biết muốn từng bước để các trường này cạnh tranh bình đẳng; trường yếu quá không làm được phải có phương án sáp nhập hay giải thể.
“Chúng tôi có đặt vấn đề là các trường ĐH công lập, mức độ khác nhau nhưng yếu tố giải trình là rất quan trọng, công bằng minh bạch. Trong giải trình, điều kiện đầu tiên là hội đồng trường và điều kiện đảm bảo chất lượng, tiến tới phân tầng xếp hạng rất rõ. Một trong những tiêu chí để phân tầng, xếp hạng tốt đó là kiểm định. Nhìn vào tiêu chuẩn đạt mức kiểm định chất lượng đó cũng là một dạng xếp hạng” – Bộ trưởng cho biết thêm.
Về chủ quản, Bộ trưởng gợi ý: Tiến tới là không chủ quản, nhưng vẫn phải có một cơ quan đại diện sở hữu vì đây là trường công. Nên để một Bộ đại diện cơ quan sở hữu để thống nhất trong bảo tồn tài sản đó. Còn xu hướng là không nên có bộ chủ quản.
Khi các trường tự chủ, cạnh tranh và chịu trách nhiệm trước pháp luật, khi ấy các trường ĐH sẽ có môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa công và tư. Bộ GD&ĐT đã và sẽ phân cấp cho các trường được tự chủ mở ngành, mã ngành nhưng phải đảm bảo điều kiện chất lượng và hậu kiểm. Nếu như làm sai Bộ sẽ tuýt còi nên trách nhiệm giải trình là rất cao, thông qua hội đồng, để đảm tính dân chủ.
Mong trường phổ thông được quyền quyết định trong tuyển dụng giáo viên
Khi nói đến vấn đề tự chủ ở các trường phổ thông, Bộ trưởng dẫn so sánh: Tự chủ của Bộ Y tế khác với tự chủ của ngành Giáo dục ở chỗ: Y tế tự chủ thì đã có đầu ra là bảo hiểm và các bệnh nhân đến khám là khách hàng, thuận mua, vừa bán. Nhưng với giáo dục lại ổn định, đó là đối tượng được phục vụ và rất đông đảo. Nếu làm không khéo, không có lộ trình sẽ rối loạn.
Nhấn mạnh tự chủ tài chính sẽ bàn thêm, bàn kỹ, Bộ trưởng cho rằng: Tự chủ ở đây được hiểu là phân cấp, phân quyền. Thứ nhất về chương trình, kế hoạch học tập, hiện nay cũng đã phân rồi, nhưng tìm hiểu kỹ cũng chưa thực sự được chủ động nhiều. Tới đây, một chương trình nhiều bộ SGK và tính linh hoạt trong các thầy cô, nhà trường, hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nếu như không cho các trường được phân cấp thật mạnh để tự trên cơ sở khung, có thể Sở, huyện can thiệp vào chọn SGK và nhiều hoạt động khác. Như vậy, hoạt động giáo dục không được chủ động. Điều này nằm trong quyền hạn của Bộ GD&ĐT.
Vấn đề băn khoăn được Bộ trưởng đưa ra là việc tuyển dụng giáo viên: Phần lớn người có nhu cầu là các nhà trường, biết giáo viên thừa thiếu như thế nào để chủ động lên kế hoạch thì thường bị động. Người tuyển thường là UBND huyện hay Sở, tuyển theo kế hoạch chế chung, thậm chí tuyển gộp rồi phân về cho trường ký hợp đồng. Dẫn đến vênh nhau về chuyên môn, thừa thiếu cục bộ, rất khó khăn.
“Đội ngũ công chức, viên chức trong ngành Giáo dục khác với công viên chức thông thường. Trong luật viên chức có hợp đồng làm việc. Nếu hợp đồng làm việc 2 năm liền không hoàn thành thì cho nghỉ.
Tôi muốn nhấn mạnh là phải thực hiện nghiêm hợp đồng làm việc này và đẩy mạnh cho các trường phổ thông được tự chủ, như thế mới được hội đồng, còn không được tự chủ, không được hội đồng.
Chúng tôi cũng muốn nói rằng, chưa biết tiền bạc như thế nào, nhưng cho các trường phổ thông được tự chủ thì họ sẽ được quyền chủ động tuyển người, chủ động đánh giá cán bộ và cứ 2 năm không hoàn thành thì cho nghỉ, như vậy đã tiến bộ nhiều rồi. Tiến tới thí điểm hợp đồng lao động, việc này phải có lộ trình, từng bước 1, sau đó mới nhân rộng.
Các trường tư họ hợp đồng lao động cũng rất tốt. Nên “thị trường lao động” là giáo viên trường công cũng như trường tư hướng đến tự linh hoạt. Đây là tiền đề rất quan trọng để đẩy mạnh xã hội hóa. Hiện nay bị đóng băng giữa hai khu vực này.
Chúng ta phải dần từng bước để hòa vào thị trường. Các trường phổ thông, công tư đều lấy chất lượng và chuẩn mực giáo viên làm chính.
Quan điểm của chúng tôi, trước hết phải nhấn mạnh giao quyền tự chủ cho các trường phổ thông để họ được quyền quyết định trong tuyển dụng giáo viên, tránh bất cập, vênh giữa nhu cầu với thực tế và với tính chất công việc.
Nếu Chính phủ ủng hộ, đây là cơ hội rất tốt cho Ngành. Chúng tôi quyết tâm cùng với Chính phủ và các bộ ngành từng bước thực hiện được chủ trương này” – Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ.