Thi thử tốt nghiệp THPT: Địa phương đồng loạt chuyển hướng

GD&TĐ - Không chỉ dạy học, ôn tập trực tuyến, một số địa phương đã lên kế hoạch triển khai thi thử/khảo sát trực tuyến cho HS lớp 12, với quyết tâm giữ vững chất lượng Kỳ thi tốt nghiệp THPT dù trong điều kiện dịch bệnh.

Học sinh Trường THPT Lục Nam ôn luyện trực tuyến qua mạng Internet. Ảnh minh họa
Học sinh Trường THPT Lục Nam ôn luyện trực tuyến qua mạng Internet. Ảnh minh họa

Sẵn sàng thi thử trực tuyến quy mô lớn

Khi HS phải tạm dừng đến trường, công tác ôn tập được Trường THPT chuyên Quốc học, Thừa Thiên - Huế triển khai thông qua hình thức dạy học trực tuyến theo thời khóa biểu trên những lớp học ảo qua ứng dụng Microsoft Teams. Rút kinh nghiệm từ đợt dạy học trực tuyến năm 2020, năm nay nhà trường đã đề nghị sở GD&ĐT cấp tài khoản Office 365 miễn phí cho toàn thể giáo viên, HS. Đồng thời, hướng dẫn cách dạy học trực tuyến với Microsoft Teams cho giáo viên, HS, đặc biệt là HS khối 12.

“Chúng tôi cũng sử dụng ứng dụng Shub Classroom trong việc tạo các học liệu cho HS ôn tập, làm đề thi thử tốt nghiệp THPT. HS chỉ cần truy cập vào link thầy cô giáo gửi để xem các bài tập, bài giảng được đăng tải. Các em cũng sẽ nhận các nội dung mà thầy cô đăng tải lên Shub Classroom để thực hành, thậm chí là bài kiểm tra ngay trên Shub Classroom” - Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Quốc học Võ Văn Nguyện thông tin.

Ngày 17/5, Sở GD&ĐT Hà Nội ban hành hướng dẫn thực hiện kiểm tra, khảo sát bằng hình thức trực tuyến (trên hệ thống study.hanoi.edu.vn) cho HS lớp 12 trên toàn thành phố. Thời gian khảo sát vào các ngày 28 - 30/5. Chuẩn bị cho đợt khảo sát này, cô Trần Thị Hải Yến, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú - Hoàn Kiếm cho biết: Nhà trường đã rà soát, khai báo cơ sở dữ liệu của HS, thông tin về cha mẹ HS chính xác theo yêu cầu.

Đồng thời phổ biến đầy đủ đến HS về đợt khảo sát và quy trình làm bài kiểm tra theo hướng dẫn của sở GD&ĐT. Nhà trường cũng chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm phối hợp với cha mẹ HS chuẩn bị tốt điều kiện về cơ sở vật chất (máy vi tính, máy tính bảng, điện thoại thông minh, đường truyền nối mạng Internet) phục vụ kỳ kiểm tra, khảo sát.

Nền tảng công nghệ sẽ là chìa khóa giúp thi trực tuyến đạt chất lượng
Nền tảng công nghệ sẽ là chìa khóa giúp thi trực tuyến đạt chất lượng

“Trường đã cập nhật thông tin của sở GD&ĐT để cấp tài khoản theo mã số cho HS. Phân công cụ thể cán bộ, giáo viên, quản trị hệ thống làm nhiệm vụ hỗ trợ, giám sát HS làm bài kiểm tra khảo sát bảo đảm chặt chẽ, nghiêm túc, cũng như giúp đỡ các em nếu gặp phải sự cố kỹ thuật. Trên thực tế, HS nhà trường sử dụng chính những công cụ đang học online để tham dự thi.

Các em đã được làm quen nhiều lần với bài thi này nên hầu như không gặp khó khăn gì. Sau khi có kết quả kỳ khảo sát, nhà trường sẽ phân tích, tìm ra các điểm yếu, hạn chế của HS để có biện pháp ôn tập, củng cố, bổ sung kịp thời kiến thức, giúp các em bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT đạt kết quả tốt” - cô Trần Thị Hải Yến chia sẻ.

Một số địa phương khác như Hải Dương, Bắc Giang cũng tổ chức thi thử tốt nghiệp THPT trực tuyến trên tinh thần HS đăng ký tự nguyện. Theo đó, Hải Dương sẽ cho HS thi thử trên hệ thống Onluyen.vn trong 2 đợt: Đợt 1 vào các ngày 26 - 29/5; Đợt 2 vào các ngày: 9 - 12/6.

Tại Bắc Giang, thông tin từ ông Bạch Đăng Khoa, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, sở tổ chức thi thử tốt nghiệp THPT lần 2 năm 2021 theo hình thức trực tuyến cho HS lớp 12 vào ngày 25/5. Thủ trưởng các đơn vị được yêu cầu thường xuyên kiểm soát, chịu trách nhiệm về kết quả dạy học trực tuyến và rà soát tài khoản Microsoft Teams đã được cấp để tất cả HS được dự thi.

Thi thử trực tuyến giúp học sinh làm quen với công nghệ và cách tiếp cận
Thi thử trực tuyến giúp học sinh làm quen với công nghệ và cách tiếp cận 

Chuẩn bị kĩ lưỡng và khoa học

Trước việc các nhà trường, địa phương nhanh chóng chuyển sang thi học kỳ trực tuyến, thi thử tốt nghiệp THPT trực tuyến trong điều kiện dịch bệnh, PGS.TS Hồ Sĩ Đàm, Chủ biên Chương trình môn Tin học 2018 nhận định: Điều này cho thấy trong “nguy” có “cơ”. Tình huống bất khả kháng là cú hích, từ nỗ lực phải vượt qua thách thức góp phần tạo động lực để các trường quan tâm hơn đến ứng dụng công nghệ số; và trên thực tế đã ứng dụng công nghệ số trong dạy học, kiểm tra đánh giá có kết quả bước đầu.

Từ đó góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục. Hiện có nhiều phần mềm hỗ trợ việc học, kiểm tra, đánh giá trực tuyến miễn phí khá phổ biến, giúp các trường, địa phương lựa chọn khai thác. Việc quan trọng là cần lựa chọn phần mềm phù hợp với đặc thù địa phương, nhằm tạo thuận lợi tốt nhất cho giáo viên, HS, phụ huynh và cán bộ quản lý giáo dục khai thác sử dụng.

TS Tôn Quang Cường, Chủ nhiệm Khoa Công nghệ giáo dục, Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội thì cho rằng: Thi thử tốt nghiệp THPT trực tuyến là bài toán mang tính hệ thống, tổng thể, quy mô lớn nên đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng, khoa học để đáp ứng đúng mục tiêu của kỳ thi.

Thi thử tốt nghiệp THPT: Địa phương đồng loạt chuyển hướng  ảnh 3
Click vào ảnh để xem nội dung.

Cụ thể, về hạ tầng công nghệ: Phần mềm và kết nối mạng là yếu tố bảo đảm việc vận hành được trơn tru; hỗ trợ tính công khai, khách quan, công bằng. Các nền tảng công nghệ hiện nay có thể đáp ứng được, cần bổ sung và thử nghiệm ngay một số giải pháp hỗ trợ giám sát kỳ thi như: Ghi màn hình liên tục trong thời gian làm bài; tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo, nhận diện khuôn mặt cho camera (webcam) để quan sát thao tác của HS; hệ thống giám sát quản lý phòng thi ảo; hệ thống xử lý, can thiệp kỹ thuật kịp thời nếu có sự cố; công nghệ các lớp bảo mật đề thi và kết quả thi…

Trước mắt, có thể huy động sự tham gia của các đơn vị công nghệ để hỗ trợ theo điều kiện của từng địa phương. HS cần được phổ biến, hướng dẫn Quy chế thi trực tuyến; tập huấn kỹ năng làm bài, các cam kết các bên thực hiện nghiêm túc Quy chế…

TS Tôn Quang Cường cũng nhấn mạnh, đề phải có kết cấu khoa học, sự cân đối giữa kiểm tra kiến thức, đánh giá kỹ năng, đặc biệt là phải có các nội dung liên quan đến đánh giá năng lực thực của HS. Như vậy, bên cạnh cấu trúc đề thi như mọi năm, cần tính toán để thiết kế các câu hỏi tự luận, đòi hỏi năng lực tư duy, nhận định, đánh giá… của HS. Sở/phòng hoặc đơn vị được ủy quyền có trách nhiệm xây dựng ngân hàng đề thi, bảo đảm yếu tố bảo mật.

Cần nhanh chóng tập huấn kỹ năng tổ chức kỳ thi cho giáo viên, kể cả kỹ năng “giám thị ảo” (giám sát màn hình, quản lý phòng thi ảo, nhận diện các hành vi gian lận…). Tập huấn các trường hợp sự cố xảy ra (do kỹ thuật, đường truyền, các yếu tố khách quan khác), quy trình xử lý trường hợp vi phạm Quy chế thi trực tuyến… Cũng cần ban hành Quy chế thi trực tuyến, phổ biến và hướng dẫn thực hiện cho giáo viên, HS, thậm chí cha mẹ HS. Việc kêu gọi sự hỗ trợ, cùng chung tay của lực lượng xã hội, cha mẹ HS; đặc biệt là sự trung thực, ý thức của cha mẹ HS trong quá trình con em làm bài rất quan trọng. - TS Tôn Quang Cường 

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.
Minh họa/INT

Xoay chuyển tình thế

Thế giới
GD&TĐ - Ứng viên Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa Donald Trump đang trên đường đua để trở lại Nhà Trắng trong bối cảnh những cáo buộc pháp lý bủa vây ông.

Đừng bỏ lỡ