Rộng mở con đường hội nhập

GD&TĐ - Vấn đề tự chủ đại học được cụ thể hóa trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH vừa có hiệu lực từ ngày 1/7/2019. Thực tế hơn 10 năm trở lại đây, một số trường ĐH tại Việt Nam đã hoạt động thí điểm theo mô hình tự chủ. 

Phát triển CSVC là nền móng để đại học vươn tầm
Phát triển CSVC là nền móng để đại học vươn tầm

Thách thức và cơ hội luôn chờ sẵn. Tuy nhiên, nhiều trường ĐH hoạt động theo mô hình tự chủ đã có những khởi sắc đáng khích lệ.

Thách thức tạo nên cơ hội

Cả nước hiện có 26 trường ĐH được chọn thực hiện thí điểm theo mô hình tự chủ ĐH, trong đó TPHCM có 8 trường. Trước đây, khi thực hiện theo mô hình tự chủ, các trường phải chủ động trong chi thường xuyên ngoài ra không được hưởng quyền lợi, cơ chế khác biệt nào so với các trường đại học công lập khác.

Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014 - 2017 đã tạo động lực quan trọng đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập trong việc nâng cao quyền tự chủ, gắn với tự chịu trách nhiệm trong việc khai thác các nguồn lực.

Ở nước ta, tự chủ đại học được triển khai trên mọi bình diện, tuy nhiên tự chủ về tài chính được tập trung chú ý, vì tầm quan trọng của nguồn lực tài chính đối với việc xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo nền tảng cho sự phát triển giáo dục.

GS Trần Hồng Quân – Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam từng ví von rằng: “Quá trình tự chủ giống như việc chúng ta cho đứa con ra ở riêng, ở riêng thì tự lập nhưng cũng có những khó khăn và thách thức”.

Sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng trong giờ học thực hành
Sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng trong giờ học thực hành 

Vấn đề cơ bản của tự chủ tài chính ở các trường ĐH là tự chủ trong xác định và xây dựng nguồn thu, sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính theo chiến lược phát triển của mỗi trường trên nền tảng linh hoạt và hiệu quả. Với mục tiêu chia sẻ gánh nặng của ngân sách Nhà nước, tránh tình trạng phân phối bình quân thông qua ngân sách, tạo động lực cạnh tranh, khẳng định thương hiệu thông qua chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học… Đây cũng là tiền đề cho tự chủ toàn diện tại các trường đại học. 

Người đứng đầu luôn “nhức đầu”

Khi các trường ĐH hoạt động thêm mô hình tự chủ thì câu hỏi không kém phần hại não đặt ra với các hiệu trưởng - người đứng đầu là “tiền ở đâu?” để trang trải cho mọi hoạt động và những thành viên trong trường nghĩ gì khi không còn bầu sữa từ ngân sách.

Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM (HCMUTE) là 1 trong 26 trường ĐH thí điểm tự chủ. Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng – Hiệu trưởng nhà trường, sau 3 năm “dấn thân” đến nay trường tự chủ 100% và phát triển mạnh. Tuy nhiên, điều khiến ông thấy áp lực nhất chính là yếu tố con người. “Tư duy một số người không theo kịp việc đổi mới. Họ vẫn nghĩ đây là trường công nên cái gì cũng được bao cấp, cái gì cũng đòi hỏi xin – cho mà không nghĩ rằng bây giờ trường tự chủ rồi, phải tự làm ra tiền thì mới được hưởng khoản đó…” - PGS.TS Đỗ Văn Dũng chia sẻ.

Nhìn lại những thách thức, Hiệu trưởng HCMUTE cho rằng khó khăn nhất là ở năm đầu tiên, khi trường mất đi một nguồn kinh phí khá lớn, trong khi mức học phí chưa đủ để bù vào. Đến nay là năm thứ 3 theo mô hình tự chủ, nguồn thu đã tăng lên 25%, thu nhập đầu người của cán bộ trong trường sau 2 năm tự chủ đã tăng gấp rưỡi, điều đó giúp giữ được cán bộ giỏi cống hiến cho nhà trường, theo đó nâng cao được chất lượng đào tạo.

Học sinh THPT tham quan, tìm hiểu ngành nghề đào tạo tại Trường ĐH Quốc tế - ĐHQG TPHCM
Học sinh THPT tham quan, tìm hiểu ngành nghề đào tạo tại Trường ĐH Quốc tế - ĐHQG TPHCM 

Khi tự chủ, các trường phải tính toán từ vấn đề tuyển sinh cho đến việc tổ chức lại bộ máy sao cho hiệu quả, không tuyển người nhiều; tuyển giảng viên, không tuyển cán bộ; trao quyền tự chủ về cho các khoa…

“90% nguồn thu của nhà trường dựa vào học phí, Nhà nước không cấp nữa. Thế nên trường ĐH tự chủ mà không thu hút được học sinh vào thì đồng nghĩa với tự sát. Không đủ tiền nuôi “quân”, “quân” không thể lo cuộc sống được thì họ bỏ đi. Cuối cùng tạo thành vòng luẩn quẩn là mất đội ngũ giỏi, chất lượng đào tạo kém, không có tiền để trang trải, đầu tư thiết bị, không tuyển sinh được, và cuối cùng là… sập” - PGS.TS Đỗ Văn Dũng chia sẻ.

Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, hiện điểm đầu vào của HCMUTE khá cao so với mặt bằng chung, học phí tăng gấp đôi và cao hơn gấp đôi so với các trường khác nhưng nhờ tự chủ, trường được đầu tư bài bản, chất lượng “đầu ra” tốt nên được nhiều HS lựa chọn. Dù trường đang trong sự cạnh tranh không lành mạnh khi một bên học phí 10 triệu đồng, một bên học phí 20 triệu đồng - nhưng đầu vào của trường vẫn dồi dào. Điều này chứng tỏ phụ huynh, học sinh coi trọng chất lượng đào tạo là trên hết, họ nghĩ đồng tiền bỏ ra là xứng đáng..

Từ thực tiễn tự chủ của TDTU, GS.TS Lê Vinh Danh - Hiệu trưởng nhà trường, cho biết vì có xuất phát điểm là một đại học dân lập nên ngay từ đầu nhà trường đã bắt buộc phải tự lo cho mình mọi thứ kinh phí từ đầu tư xây dựng cơ bản đến phát triển nhân sự... Chính vì vậy, nhà trường buộc phải tìm mọi cách để tự tồn tại, buộc phải hoạt động thành công, vì thất bại có nghĩa là phá sản và phải đóng cửa.

Do được tự chủ về tài chính nên TDTU có một số quyền tự chủ khác như tự chủ quyết định số lượng, tiêu chuẩn nhân sự, kế hoạch tuyển dụng, trả lương, phụ cấp, quyết định mua sắm, đầu tư từ nguồn tài chính tự có được của mình.

“Cùng với quan điểm xây dựng đại học theo chuẩn đại học đẳng cấp quốc tế ngay từ đầu và tư duy quản trị đại học lấy hiệu quả làm thước đo quan trọng nhất, đã làm cho TDTU phát triển nhanh chóng và sớm trở thành khác biệt so với các đại học khác trong hệ thống đại học công lập Việt Nam. Đồng thời, dù nguồn thu hạn chế từ học phí, nhưng với việc quản trị hoạt động hiệu quả cao và chủ trương tiết kiệm mọi chỗ, mọi nơi để tích lũy, trường đã phát huy sự năng động, chủ động do cơ chế mang đến” - Hiệu trưởng TDTU chia sẻ.

Như vậy, vấn đề tài chính luôn là vấn đề hóc búa với các trường ĐH hoạt động theo mô hình tự chủ. Tuy nhiên, từ thực tế các trường ĐH thí điểm theo mô hình này thời gian qua cho thấy vấn đề quản trị ĐH, điều hành trường hiệu quả mới là vấn đề tiên quyết cho sự thành bại của các trường. Để tự chủ trong các trường ĐH được thể hiện đúng thực chất cần giải quyết hài hòa các vấn đề có liên quan, đặc biệt là mối quan hệ giữa quyết định chi ngân sách đầu tư cho giáo dục, mức học phí và cơ chế tạo nguồn thu.

Phải thay đổi để tồn tại
“Bên cạnh những khó khăn nhà trường phải đối mặt như kinh phí chi thường xuyên không còn, phải tăng học phí, chịu sự cạnh tranh với các trường công lập chưa tự chủ… Nhà trường cũng có những thuận lợi là bắt buộc phải thay đổi để tồn tại. Thay đổi như một mệnh lệnh và cũng là động lực của sự  phát triển.
Cùng với đó là sự ra đời của hội đồng trường, nhiều hoạt động của nhà trường gặp thuận lợi như tự chủ học thuật (việc mở ngành đào tạo mới đáp ứng nhu cầu xã hội được nhanh hơn mặc dù nhà trường vẫn phải thực hiện đầy đủ điều kiện đảm bảo chất lượng), tự chủ về nhân sự - buộc lãnh đạo phải có chiến lược sử dụng nhân sự hiệu quả về chuyên môn và tiền lương, tự chủ về các chiến lược đầu tư. Chính vì chịu áp lực cạnh tranh với các trường đại học khác do mức học phí tăng, nhà trường phải đầu tư cơ sở vật chất, cải thiện dịch vụ cho sinh viên, nâng cao chất lượng dạy và học, nghiên cứu khoa học…để thu hút người học có chất lượng đầu vào tốt và chất lượng đầu ra cao…
Từ khi tự chủ, nhà trường mở thêm một số ngành đào tạo phù hợp với nhu cầu xã hội, thu nhập bình quân của CBVC tăng, cơ sở vật chất phục vụ sinh viên đang tiến tới 100% phòng học có máy lạnh, nâng cấp thư viện, khu tự học cho sinh viên, trung tâm nghề nghiệp được thành lập để hỗ trợ việc làm cho sinh viên...”. 
PGS.TS Ngô Văn Thuyên – Chủ tịch Hội đồng trường HCMUTE

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ