Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Giáo dục đã có tiến bộ nhiều mặt, rõ ràng, vững chắc

GD&TĐ - Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành Giáo dục năm 2020, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định: ngành Giáo dục đã có tiến bộ toàn diện, nhiều mặt, rõ ràng và vững chắc.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành Giáo dục năm 2020.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành Giáo dục năm 2020.

Đổi mới là đúng hướng, kết quả đạt được là toàn diện

Kế thừa kết quả của những năm học trước, năm học 2019-2020 đã đạt những kết quả có thể nói rất rõ nét. Nổi bật, theo Phó thủ tướng là việc tổ chức tốt Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020; đổi mới phương thức dạy và học, trong đó đổi mới có bước nhấn rất mạnh là dạy học trực tuyến.

“Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, từ khung hệ thống cơ sở giáo dục, đến khung trình độ, chương trình, SGK, phương pháp dạy và học, đội ngũ, quản lý nhà nước, quản trị đại học, đến hợp tác quốc tế…, tất cả đều có những bước tiến bộ. Có những nội dung không nổi bật hằng năm, nhưng qua 6 năm thì thấy rõ”. Ngoài kết quả này, Phó Thủ tướng cũng ghi nhận trong 6 năm qua, cơ sở vật chất giáo dục, từ mầm non đến đại học có bước tiến lớn; đi đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa, chỗ nào tốt nhất, mới nhất đều là trường học. Bên cạnh đó, mấy năm vừa qua, chúng ta cũng đầu tư 1 tỷ đô cho các trường đại học lớn, chưa nói đến hiện đã có những ĐH ngoài quốc doanh, tư thực phi lợi nhuận và đầu tư tầm vóc quốc tế…

Đồng thời nhắc đến kết quả giáo dục phổ thông, giáo dục đại học được quốc tế ghi nhận; việc thực hiện tự chủ đại học; đổi mới kiểm tra, đánh giá; giảm gánh nặng hồ sơ, sổ sách cho giáo viên…, theo Phó Thủ tướng, những kết quả nói trên từng bước khẳng định Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện đã rất đúng hướng và chúng ta đã đạt được những kết quả rất toàn diện.

Phó Thủ tướng cho rằng, cần thận trọng, bình tĩnh, biện chứng khi nhìn vào những vấn đề giáo dục. Với một nước đang phát triển như Việt Nam, thu nhập theo đầu người còn thấp, khó có thể đòi hỏi cơ sở vật chất, trường lớp, trang thiết bị, dụng cụ học tập, lương giáo viên như các nước phát triển. Cho nên, câu chuyện thiếu cơ sở vật chất, thu nhập giáo viên, biên chế, đương nhiên là vấn đề bất cập hàng năm. Câu chuyện tiêu cực trong ngành Giáo dục, từ bạo lực học đường đến, dạy thêm học thêm, hay sự cố thi cử, biên chế giáo viên là có, nhưng không mang tính biểu tượng chung cho ngành Giáo dục.

“Sau 6 năm kiên trì thực hiện, chúng ta đã hoàn thành chặng đầu của đổi mới, và sẽ tiếp tục đổi mới. Chúng ta đã vượt lên khó khăn, vượt lên chính mình và ngành Giáo dục đã có tiến bộ toàn diện, nhiều mặt, rõ ràng và vững chắc. Không nên vì một số điểm chưa hài lòng, một số khiếm khuyết gần như là đương nhiên trong quá trình đổi mới mà làm mất đi lòng tin vào sự nghiệp đổi mới Giáo dục. Đổi mới giáo dục là quá trình liên tục, nên chúng ta rất bình tĩnh nhìn nhận” – Phó Thủ tướng cho hay.

Hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành Giáo dục năm 2020
Hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành Giáo dục năm 2020

Phải kiên định đổi mới

Chia sẻ những nội dung cần chú trọng thực hiện trong thời gian tới, Phó Thủ tướng nhấn mạnh văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, cần tập trung hơn đến khái niệm văn hóa trong giáo dục; từng trường học, từ mầm non đến đại học phải là những cơ sở biểu tượng của văn hóa.

Cùng với đó, giáo dục phải đi trước 1 bước, phải hội nhập quốc tế; những gì phù hợp với xu thế thế giới thì không đi ngược lại.

“Ví dụ xu thế học không nhồi nhét, phải có tương tác. Văn hóa Á đông là rất lễ phép, rất nghe lời người lớn nhưng như thế không có nghĩa là trẻ em không được thưa lại, có ý kiến bày tỏ ý kiến của mình.” – Phó Thủ tướng ví dụ.

Nhấn mạnh xu thế của giáo dục phổ thông, Phó Thủ tướng nêu rõ: đã là giáo dục phổ thông thì nhất định Nhà nước phải lo, hoặc trực tiếp, hoặc xã hội hóa, để đủ trường lớp, đủ giáo viên để học sinh học ngày 2 buổi thuận lợi. Chúng ta dồn dịch trường lớp, tinh giản biên chế, nhưng không được quên nguyên lý này. Thêm nữa, giáo dục phổ thông phải bình đẳng về cơ hội, không được lựa chọn đầu vào. Thứ nữa rất quan trọng là, các trường từ mầm non đến đại học không chỉ là thiết chế của chính quyền mà còn là thiết chế của cộng đồng. Chúng ta phải quản trị nói với mô hình cộng đồng.

“Tiếp theo, đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, nhất là trong lúc CNTT và mạng xã hội phát triển, có rất nhiều ý kiến, nhưng chúng ta phải kiên trì. Bác Hồ nói rất giản dị: Cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ; cái gì cũ không xấu nhưng phiền phức thì phải sửa đổi cho hợp lý; cái gì cũ mà tốt thì phải phát triển thêm; cái gì mới, hay thì phải làm.” – Phó Thủ tướng chia sẻ thêm.

Cũng theo Phó Thủ tướng, đổi mới giáo dục là một quá trình, không thể đòi hỏi kết quả trong một thời gian ngắn và chúng ta phải rất kiên trì, kiên định. Đơn cử, đổi mới chương trình, SGK thực hiện cuốn chiếu, 5 năm mới xong. Trong lúc chưa hoàn thành, bao giờ cũng có điều này, điều khác. Năm nay có ý kiến về SGK lớp 1, nhưng chúng ta cần bình tĩnh nhìn nhận, vì hồn cốt của đổi mới chương trình, SGK: chương trình là pháp lệnh, SGK chỉ là tham khảo; phá thế độc quyền để quy tụ nhiều người hơn làm SGK, để có SGK tốt hơn.

“Năm đầu tiên làm, Bộ GD&ĐT cần nghiêm khắc nhìn vào những chỗ chưa tốt để chấn chỉnh nhưng cái lớn, đúng phải tiếp tục ủng hộ, cổ vũ.” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Giáo dục liên quan đến toàn dân, mọi người ít nhiều đều có kinh nghiệm và có hiểu biết thực tiễn về giáo dục và đều góp ý được. Để mọi người hiểu, đồng thuận và tham gia thì chúng ta phải hết sức cầu thị, có trao đi đổi lại, trên tình thần tôn trọng và thực sự bằng tấm lòng thật để tiếp thu ý kiến đóng góp. Chừng nào người dân còn quan tâm đến giáo dục, chừng đó đất nước còn hồng phúc, ngành Giáo dục còn may mắn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ