Minh bạch thu chi để tăng cường xã hội hóa giáo dục

GD&TĐ - Xã hội hóa giáo dục là vấn đề được nhà trường và phụ huynh quan tâm mỗi dịp đầu năm học mới.

Phụ huynh điểm trường Huồi Máy, Trường Tiểu học Cắm Muộn 2, huyện Quế Phong (Nghệ An) góp tre, nứa làm hàng rào quanh trường
Phụ huynh điểm trường Huồi Máy, Trường Tiểu học Cắm Muộn 2, huyện Quế Phong (Nghệ An) góp tre, nứa làm hàng rào quanh trường

Trong đó, việc minh bạch thu chi và hiệu quả sử dụng nguồn xã hội hóa được xem là yếu tố quan trọng để chủ trương này được thực hiện đúng nguyên tắc và tinh thần nhân văn của nó. Đó cũng là điều mà ngành GD&ĐT Nghệ An đã và đang thực hiện nghiêm túc.

Xã hội chung tay hỗ trợ GD

Trường Tiểu học Quỳnh Trang, thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) gồm 2 điểm trường với hơn 700 HS. Nhiều em cách xa trường 5 – 6km, bởi sự eo hẹp về kinh phí đầu tư khiến nhà trường không thể xây dựng thêm phòng học để tổ chức bán trú cho các cháu; thậm chí HS học ở điểm trường này chấp nhận chịu thiệt thòi chỉ học 32 tiết/tuần so với 35 tiết/tuần với HS ở điểm trường chính…

Để giải quyết bất cập này, thầy Đậu Minh Điểu - Hiệu trưởng nhà trường – cho biết chỉ trông chờ vào công tác xã hội hóa, với trách nhiệm vận động được giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ nhà trường. Nhờ đó, trung bình mỗi năm học trường nhận được khoảng hơn 100 triệu đồng hỗ trợ từ các nguồn lực xã hội, tạm đủ để phục vụ công tác mua sắm trang thiết bị, tu sửa cơ sở vật chất trường lớp.

Tương tự tại Trường THCS Nguyễn Trường Tộ (xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên), nhờ làm tốt công tác xã hội hóa mà nhà trường có kinh phí xây dựng được một công trình nhà làm việc cho cán bộ giáo viên, giúp các thầy cô xa nhà yên tâm công tác do có chỗ ở ổn định.

Còn tại Trường Tiểu học Kim Lâm (xã Thanh Sơn, huyện Thanh Chương) sau gần mười năm đi vào hoạt động nhiều hạng mục đã xuống cấp. Năm học 2015 - 2016, trường huy động được khoảng 190 triệu đồng tiền xã hội hóa.

Đây là con số khá cao so với những năm trước đây. Số tiền này được dùng giải quyết những vấn đề cấp bách trước mắt như: Mua bóng điện, lắp quạt điện cho HS ở 6 điểm trường; xây dựng, sửa chữa hệ thống nước cho 3 điểm trường bị hư hỏng; xây nhà để xe, nâng cấp sân trường…

Năm học này, để tu sửa cơ sở vật chất cũng cần đến nguồn kinh phí lớn. Trong khi đó, ngân sách địa phương hạn hẹp, nhà trường đang cố gắng vận động xã hội hóa để đảm bảo môi trường học tập thiết yếu nhất cho HS.

Tạo niềm tin bằng sự minh bạch

Không thể phủ nhận hiệu quả của công tác xã hội hóa đã góp phần quan trọng trong phát triển GD&ĐT đất nước thời gian qua. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng đâu đó vẫn để xảy ra hiện tượng huy động xã hội hóa bị “biến tướng” với nhiều hình thức và có trường hợp phụ huynh phải đóng nhiều khoản phí dưới tên gọi xã hội hóa tự nguyện.

Trao đổi với chúng tôi, một số cán bộ quản lý giáo dục cơ sở bày tỏ chính những sự “biến tướng” đó gây ảnh hưởng xấu tới niềm tin của xã hội đối với sự chung tay vốn đầy ý nghĩa này, đòi hỏi phải có sự cương quyết từ chính cán bộ quản lý các nhà trường về sự minh bạch trong các khoản thu – chi xã hội hóa.  

Trường Tiểu học Cắm Muộn 2, huyện Quế Phong là một trong những trường thực hiện tốt công tác xã hội hóa ở tỉnh Nghệ An. Thầy Nguyễn Thế Cầm – Hiệu trưởng nhà trường - chia sẻ:

Là trường đóng trên địa bàn huyện miền núi cao, hầu hết HS đều là con em người DTTS, điều kiện kinh tế khó khăn, nhận thức còn hạn chế. Nhà trường tuyên truyền cho phụ huynh hiểu rõ, đóng góp xã hội hóa giúp trường là giúp con em mình, mọi đầu tư, tu sửa, xây dựng của nhà trường đều nhằm mục đích cải thiện môi trường dạy – học cho HS tốt hơn.

Người góp tiền, người không có tiền thì góp công, người góp sỏi đá làm sân trường, góp mét, nứa, cây gỗ để làm hàng rào… đều là xã hội hóa. Bên cạnh đó, huy động tấm lòng hảo tâm, ủng hộ của một số doanh nghiệp trên địa bàn.

“Tất cả mọi hỗ trợ đó của phụ huynh, chúng tôi đều ghi vào bảng và niêm yết công khai ở trường. Đồng thời, để phụ huynh quan sát, theo dõi, và biết rõ những đóng góp của mình sử dụng vào mục đích nào, xây dựng cái gì, và con em họ được thụ hưởng kết quả ra sao.

Ví dụ, từ tiền và các vật dụng đóng góp xã hội hóa, chúng tôi đã xây dựng được nhà bếp nấu ăn cho HS bán trú, xây dựng và mua thêm sách vở vào thư viện…. Từ đó, phụ huynh thấy được và hài lòng với hiệu quả góp phần xây dựng các điều kiện ăn học cho con em mình ở trường”, thầy Thế Cầm chia sẻ.

Đầu năm học 2016 – 2017, Sở GD&ĐT Nghệ An đã sớm có văn bản chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các khoản thu đầu năm. Trong đó, cần đảm bảo ba nguyên tắc thu đúng nội dung, định mức theo quy định hiện hành, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, thu nhập từng địa bàn, sử dụng đúng mục đích và hiệu quả... Bước vào năm học, Sở tiếp tục có văn bản bổ sung Hướng dẫn thực hiện công tác thu chi năm học 2016 - 2017, yêu cầu các đơn vị tuyệt đối không được đặt ra hoặc thu vượt mức một khoản thu nào trái với quy đinh hiện hành, không quy định mức đóng góp cụ thể để ép buộc các đối tượng tham gia đóng góp…


Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ