Kỳ thi THPT Quốc gia sẽ tạo nhiều thuận lợi cho học sinh

GD&TĐ - Trong chương trình công tác tại Lào Cai, Lai Châu, chiều 14/10, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã có cuộc gặp gỡ giáo viên, học sinh tỉnh Lai Châu trao đổi về những vấn đề trong công cuộc đổi mới GD&ĐT, trong đó có Kỳ thi THPT Quốc gia.

Kỳ thi THPT Quốc gia sẽ tạo nhiều thuận lợi cho học sinh
Kỳ thi THPT Quốc gia sẽ tạo nhiều thuận lợi cho học sinh ảnh 1Kỳ thi THPT Quốc gia sẽ tạo nhiều thuận lợi cho học sinh ảnh 2Kỳ thi THPT Quốc gia sẽ tạo nhiều thuận lợi cho học sinh ảnh 3Kỳ thi THPT Quốc gia sẽ tạo nhiều thuận lợi cho học sinh ảnh 4Kỳ thi THPT Quốc gia sẽ tạo nhiều thuận lợi cho học sinh ảnh 5
Dự buổi gặp gỡ có các đồng chí: Đỗ Ngọc An - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Vương Văn Thành - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu; Chủ tịch công đoàn giáo dục Việt Nam Trần Công Phong; Đỗ Văn Hán - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lai Châu; các Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu; lãnh đạo các đơn vị của Bộ GD&ĐT và đông đảo cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh các trường THPT trong tỉnh.

Tạo nhiều thuận lợi cho học sinh trong kỳ thi THPT quốc gia

Trao đổi với học sinh, giáo viên về những vấn đề liên quan đến phương án thi mới, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nêu rõ: Bộ GD&ĐT sẽ có những hướng dẫn cụ thể liên quan đến kỳ thi. Kỳ thi sẽ không có thay đổi đột biến so với năm 2014.

Trước năm 2014, đề thi tốt nghiệp THPT và đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ được ra theo lối kiểm tra kiến thức. Kiểm tra những gì mà học sinh được thầy truyền thụ ở trên lớp theo từng môn học. Quá trình ôn thi, học sinh phải nhớ hết kiến thức thầy giao cho. Trong quá trình thi, học sinh phải trình bày kiến thức đã học. Khi thi học sinh viết càng giống những gì thầy giảng, giống trong SGK đã viết thì điểm càng cao.

Trong kỳ thi 2014 vừa qua, trên cơ sở những đổi mới như: Kỳ thi sáng tạo Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh Trung học, trên nền tảng mô hình trường học mới (VNEN), hoạt động dạy học tích hợp theo chủ đề liên môn... Bộ đã thay đổi cách ra đề thi.

Đề sẽ không còn ra theo cách kiểm tra kiến thức máy móc, học thuộc mới làm được bài. Đơn cử như đề thi môn Văn đã chứng tỏ điều đó. Các dữ liệu cơ bản đã được đề bài cung cấp. Bài thi kiểm tra năng lực cảm thụ, cảm xúc, rung động của tâm hồn, thẩm thấu kiến thức vào trí tuệ học sinh. Các cháu có thể làm bài sáng tạo, không theo ý thầy cô dạy nhưng đúng và đủ ý, vẫn được điểm cao.

Những bài thi Sử, Địa trong năm qua đã gắn với các vấn đề thời sự, gắn với những vấn đề của cuộc sống... thì yêu cầu kiến thức không phải riêng của môn Lịch sử, hoặc Địa lý. 

Cách thi như vậy nhẹ nhàng hơn, không bắt các cháu học thuộc quá nhiều. Cái khó là học sinh phải có năng lực phân tích, có sự rung động về nhận thức từ đó biến thành tình cảm, biến thành tư tưởng; Tư tưởng đó sẽ chỉ đạo hành động, năng lực làm việc của các cháu.

Bộ trưởng nhấn mạnh, các cháu không phải học thêm kiến thức nhiều nữa. Bằng kiến thức trong chương trình của lớp 12, kiến thức trong chương trình phổ thông các cháu sẽ thi tốt kỳ thi THPT quốc gia sắp tới đây. 

Thêm vào đó, nội dung dạy học đã được Bộ GD&ĐT rà soát, giảm tải từ cách đây 3, 4 năm, nay đã nhẹ đi khá nhiều, tạo thuận lợi cho việc học tập, thi cử của các cháu.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận chia sẻ: Trên thực tế kỳ thi THPT năm vừa qua đã chứng minh điều đó. Nhiều phụ huynh đã phản ánh kỳ thi đã nhẹ nhàng hơn rất nhiều, hiện tượng phao thi giảm hẳn, không còn nhiều như trước nữa.

Bộ trưởng nhấn mạnh: Nghị quyết 29 đã nêu rõ về vấn đề thi cử phải giảm căng thẳng, tốn kém; đảm bảo yêu cầu trung thực, khách quan, tin cậy. 

Sau những đổi mới về quá trình dạy học, thi cử đến năm 2014 đã có nhiều thay đổi lớn; nhận thấy cơ hội đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ đã rõ, chúng ta quyết định tổ chức kỳ thi THPT quốc gia thay cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ.

Dư luận cũng có luồng ý kiến bỏ kỳ thi THPT, giữ lại kỳ thi ĐH, CĐ. Tuy nhiên điều này không đúng với Luật. Bên cạnh đó trong Luật Giáo dục Đại học đã quy định giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường. Bộ đã đi đến quyết định tổ chức kỳ thi THPT quốc gia với hai mục tiêu là: xét tốt nghiệp THPT cho các cháu, và lấy kết quả làm căn cứ tin cậy cho các trường ĐH, CĐ tuyển sinh đầu vào.

Về vấn đề đặt ra trong kỳ thi tới là sẽ có những cụm thi tại địa phương, đây không phải là điều mới. Trong kỳ thi “3 chung” nhiều năm nay cả nước đã có 3 cụm thi và mới đây là có thêm cụm thi Hải Phòng.

Việc phải làm trong kỳ thi quốc gia tới đây là mở rộng các cụm thi để thuận lợi cho các cháu đi thi. Hằng năm có khoảng từ 10 - 15% các cháu đi thi chỉ để tốt nghiệp THPT. Mở rộng cụm thi tại các địa phương chính là để các đối tượng này thuận lợi cho mục đích tham dự kỳ thi của mình.

Chủ động hỗ trợ học sinh trong Cuộc thi sáng tạo Khoa học kỹ thuật

Về cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học. Bộ trưởng khẳng định: Đây là một hoạt động giáo dục đã và đang được ngành đẩy mạnh đổi mới. Bộ trưởng bày tỏ vui mừng khi ở tỉnh miền núi có nhiều khó khăn như Lai Châu, các cháu muốn tham gia và mong đoạt giải. 

Bộ trưởng cho rằng ai đi thi cũng mong đoạt giải, tuy nhiên giải cũng không phải là mục tiêu duy nhất để đi thi. Đi thi còn là để tôi luyện, hoàn thiện năng lực của mình; rèn luyện ý chí, mục tiêu mình theo đuổi.

Đi thi đoạt giải trở về nhưng tự kiêu không phấn đấu làm theo lời thầy cô, cha mẹ nữa thì thành tích đó lại không có tác dụng tích cực. Có thể không đoạt giải nhưng đi thi còn mục đích khác lớn hơn là để học hỏi; học hỏi từ bạn bè, đội bạn trong cuộc thi mới là điều đáng để hướng tới.

Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh Trung học là hoạt động mới. Hiện ngành Giáo dục đang thay đổi cách dạy, cách học đồng thời gắn các hoạt động dạy và học với các hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ. Ở các nước phát triển học sinh đã làm quen từ lâu, nước ta mới triển khai nên gặp nhiều khó khăn.

Nhưng những khó khăn đó không hẳn là những cản trở để triển khai cuộc thi. Có những khó khăn là sự thúc đầy để phát triển. Đơn cử như đề thi Hóa học Quốc tế trong kỳ thi được tổ chức tại Việt Nam vừa qua. Đề thi được ra liên quan tới cây thanh hao đã được bàn bè quốc tế đánh giá là rất hay vì đã Việt Nam hóa một kỳ thi quốc tế, và rất khoa học. Đề thi này chỉ có được khi triển khai cuộc thi ở Việt Nam...

Bộ trưởng mong rằng trong quá trình triển khai, làm quen, phát hiện, đăng kí đề tài tham gia cuộc thi gặp khó khăn, thầy cô giáo ở trường sẽ hướng dẫn các cháu; bên cạnh đó là tự tra cứu tư liệu, trao đổi kinh nghiệm với các bạn bè, thầy cô, giáo trên mạng; Các Cục, Vụ chức năng của Bộ GD&ĐT sẽ có những hướng dẫn, hỗ trợ cao nhất cho thầy và trò tại các địa phương để các cháu có thể tiếp cận cuộc thi, tiếp tục thay đổi cách học tập.

Đẩy mạnh dạy và học theo mô hình trường học mới - VNEN

Trả lời câu hỏi về mô hình trường học mới - VNEN, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định vai trò của người thầy trong mô hình này không còn chỉ là người đơn thuần truyền thụ kiến thức như cách dạy cũ; đây là quá trình thầy dạy, trò ghi; là quá trình đơn lẻ của từng người, từng học sinh.

Chuyển sang cách dạy và học theo mô hình trường học mới - VNEN, các cháu học theo nhóm, nhận đề tài cô giáo giao, tự tìm hiểu, thảo luận và đưa ra phương án giải quyết.

Như vậy các cháu đã làm việc tập thể, đáp án cuối cùng là sản phẩm của tập thể. Điều này rất quan trọng vì dạy kỹ năng làm việc tập thể cho trẻ từ sớm sẽ hình thành và hoàn thiện kỹ năng làm việc theo nhóm, phối hợp tập thể trong quá trình học tập và làm việc sau này.

Hiện đất nước đang trong quá trình Công nghiệp hóa và hội nhập sâu rộng kinh tế quốc tế. Quá trình này đòi hỏi con người phải làm việc tập thể. 

Do vậy người thầy phải là người cố vấn, giải thích, động viên, nhắc nhở, khuyến khích học sinh trong quá trình học để các cháu tự phát huy năng lực, phẩm chất của mình.

Bộ trưởng khẳng định: Chúng ta chuyển dần từng bước mục tiêu giáo dục từ truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực người học... 

Bước chuyển này là quá trình đổi mới giáo dục, chúng ta phải tiến hành chuyển dần từng bước cho các cháu tập dượt quen theo cách dạy và học mới.

Công cuộc đổi mới với chương trình - sách giáo khoa, đội ngũ giáo viên hiện hành

Lý giải cho hoạt động dạy học theo chủ đề liên môn trong các trường THPT hiện nay, Bộ trưởng nhấn mạnh: Đây là một nội dung triển khai đổi mới cho chương trình, SGK hiện hành, đội ngũ giáo viên hiện hành.

Bộ trưởng phân tích: Hình dung cốt lõi của công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT theo Nghị quyết 29 của BCH T.Ư Đảng khóa XI là đổi mới tất cả các yếu tố, chủ thể của ngành giáo dục; cả thầy, trò, cán bộ quản lý, nội dung chương trình, phương pháp dạy học phải dổi mới... 

Nghị quyết đòi hỏi cả hệ thống chính trị vào cuộc, sự lãnh đảo của Đảng, điều hành của Nhà nước ở các cấp chính quyền phải thay đổi.

Thay đổi căn bản là phải thay đổi cốt lõi, chuyển dần mục tiêu giáo dục từ truyền thụ kiến thức một chiều sang chú trọng phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh... 

Để làm việc ấy, chúng ta đang làm hai việc: Xây dựng CT - SGK mới. Trong đó chương trình sẽ tích hợp mạnh mẽ kiến thức ở các lớp dưới, dạy học phân hóa ở lớp học cao hơn. Tất cả những việc này sẽ phải biên soạn CT- SGK, tiếp đó là đào tạo bồi dưỡng giáo viên.

Với các cháu đang học theo chương trình hiện hành, SGK hiện hành sẽ được điều chỉnh dần theo chủ đề tích hợp, dạy học liên môn như hoạt động ngành hiện đang triển khai.

Giải đáp nhiều vấn đề giáo dục sát sườn tại địa phương

Trả lời câu hỏi về vấn đề định hướng nghề nghiệp cho học sinh để sau tốt nghiệp, sinh viên ra trường có việc làm, Bộ trưởng cho biết: Định hướng nghề nghiệp là vấn đề lớn, riêng ngành giáo dục không thể giải quyết được. Những vấn đề trong công tác này mà ngành Giáo dục có liên quan là phân luồng học sinh sau THCS, THPT.

Nghị quyết 29 đã chỉ ra ở bậc THCS giáo dục trang bị kiến thức toàn diện. Lên đến bậc THPT các cháu sẽ được phân luồng theo các môn KHTN, KHXH phù hợp sở trường của các cháu.

Định hướng nghề nghiệp đang là một hoạt động ngành Giáo dục đẩy mạnh, tuyên truyền các nghề cho học sinh chọn lựa. Tiếp đó là tuyên truyền, thay đổi nhận thức về bằng cấp, nghề nghiệp trong phụ huynh. 

Điều quan trọng nhất hiện nay là phải xây dựng cơ sở đào tạo gắn với thị trường lao động. Có cơ sở đào tạo nghề tốt để sau này các cháu có thể sống được bằng nghề đã học. Đồng thời với đó là làm tốt công tác định hướng, dự báo các nghề nghiệp trong tương lai gần.

Hiện nay hai Bộ GD&ĐT, LĐTB-XH đã và đang phối hợp để giải quyết những vấn đề phân luồng, hướng nghiệp cho lao động trẻ theo hướng trên.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng đã giải đáp cặn kẽ các băn khoăn, thắc mắc của phụ huynh, giáo viên về dạy và học theo tài liệu Tiếng Việt lớp 1 – Công nghệ giáo dục.

Bộ trưởng khẳng định: Bộ tài liệu đã phát huy hiệu quả rõ rệt ở những nơi có nhiều các cháu là người dân tộc thiểu số; được học theo bộ tài liệu các cháu đã nói sõi, nắm sâu Tiếng Việt, viết phiên âm rõ ràng những tên riêng trong tiếng nước ngoài. 

Bộ trưởng động viên những phụ huynh đang có băn khoăn hãy yên tâm, tin tưởng về bộ tài liệu và những chuyên gia của Bộ trong lĩnh vực này sẽ có những điều chỉnh khoa học để phù hợp hơn với thực tế giáo dục.

Về ý kiến của học sinh tiếp tục theo học dự bị Đại học tại trường PTDTNT sau khi tốt nghiệp THPT mà không thi đỗ vào các trường Đại học. 

Bộ trưởng nhấn mạnh: Đây là vấn đề nhiều tỉnh gặp phải. Ở một vài nơi đã dạy dự bị Đại học cho các cháu tại trường nội trú. Bộ cũng đã có chủ trương mở rộng các cơ sở dự bị Đại học để giải quyết vấn đề này. 

Trước đây trong các trường Đại học đã có mô hình dự bị Đại học để giải quyết các trường hợp hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về tiếp tục đi học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ