Không để trò ngừng việc học, sẵn sàng "cõng chữ" đến nhà

GD&TĐ - "Không để trò ngừng việc học, sẵn sàng cõng chữ đến nhà" là phương châm của các thầy cô giáo tại nhiều địa phương khi đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.

Thầy Nguyễn Văn Minh – giáo viên Trường THCS Lùng Vai (Mường Khương, Lào Cai) giao bài và trao đổi cùng phụ huynh trong việc đốc thúc học sinh ôn tập tại nhà. Ảnh: NTCC
Thầy Nguyễn Văn Minh – giáo viên Trường THCS Lùng Vai (Mường Khương, Lào Cai) giao bài và trao đổi cùng phụ huynh trong việc đốc thúc học sinh ôn tập tại nhà. Ảnh: NTCC

Không để trò ngừng học

Dạy học trực tuyến được Trường THCS Đông Sơn (Chương Mỹ - Hà Nội) xác định diễn ra lâu dài nên yêu cầu giáo viên nỗ lực tự nghiên cứu đổi mới phương pháp, chuyên môn.

Cô Tô Bích Liên – Hiệu trưởng nhà trường - cho biết, vấn đề ban giám hiệu, giáo viên vẫn lo lắng là 70% học sinh trong trường là con em nông dân, 30% gia đình công nhân, buôn bán nhỏ lẻ… nên phương tiện để các em học trực tuyến không dễ dàng. Như vậy, nhà trường phải “lường” trước tình huống và có cách tháo gỡ mới có thể triển khai dạy học trực tuyến với 100% học sinh ngay sau khai giảng.

Giáo viên chủ nhiệm đã thống kê số lượng học sinh có và không có thiết bị học tập. Mặt khác, trường tuyên truyền để phụ huynh hiểu về sự cần thiết, quan trọng của dạy học trực tuyến ở thời điểm thực hiện giãn cách xã hội nhằm phòng, chống dịch để chủ động trang bị máy tính, điện thoại… cho con.

Với học sinh có hoàn cảnh khó khăn, ban giám hiệu sẽ kêu gọi ủng hộ từ các tổ chức, cá nhân kinh phí để mua thiết bị học tập cho các em. Việc trao tặng sẽ tiến hành sớm nhất để bảo đảm việc học không bị gián đoạn.

Hiệu trưởng Trường THCS Đông Sơn chia sẻ thêm: Năm học 2021 - 2022, để nâng cao hiệu quả dạy học trực tuyến, trường đã mua phần mềm mới với nhiều tính năng ưu việt (dễ kiểm soát tiết học, hạn chế tối đa xâm nhập của người lạ…). Do đó, việc dạy và học trực tuyến trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn phức tạp tại Hà Nội đã cơ bản bảo đảm ngay sau khai giảng.

Cũng trên tinh thần chủ động đón học sinh trở lại trường lớp, triển khai dạy học trong mọi tình huống, cô Vũ Thị Thanh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Hương Sơn (Phú Bình, Thái Nguyên) - thông tin: Nhà trường đã lên nhiều phương án dạy học sau khai giảng trong mọi tình huống. Theo đó, trường hợp học sinh phải nghỉ học ở nhà, các em vẫn được học online 100%. Học sinh nào không có thiết bị học tập, gia đình cách xa không thể học chung với bạn, trường kêu gọi ủng hộ.

Trường hợp học sinh ở khu vực thuộc “vùng xanh” được tới trường, các em được học theo nhóm nhỏ (các lớp khối 1, 2, 5 chia thành 2 - 3 nhóm) để học trực tiếp. Khối 3, 4 học trực tuyến để tạo điều kiện về cơ sở vật chất phòng học cho việc dạy học khối lớp quan trọng.

“Bằng mọi phương án, nhà trường sẽ không để các em bỏ phí thời gian học tập. Tùy theo từng tình huống, trường sẽ linh hoạt tổ chức dạy học để bảo đảm hoạt động dạy học diễn ra thông suốt…” – cô Vũ Thị Thanh khẳng định.

Nhiều phương án dạy học được các trường lên kế hoạch phù hợp với tình hình phòng, chống dịch. Ảnh: NTCC
Nhiều phương án dạy học được các trường lên kế hoạch phù hợp với tình hình phòng, chống dịch. Ảnh: NTCC

Sẵn sàng tâm thế “cõng” chữ tới nhà

Đối với trường vùng cao, khó khăn, việc “cõng” chữ tới nhà cho từng học sinh trong mùa dịch được xem là giải pháp tối ưu, dù tăng sự vất vả với giáo viên.

Thầy Nguyễn Văn Minh – giáo viên Trường THCS Lùng Vai (Mường Khương, Lào Cai) từng đưa bài tới nhà học sinh ở năm học trước tâm sự: Bản thân và đồng nghiệp xác định tiếp tục đưa bài tập tới nhà cho từng học sinh trong năm học này. Các thầy cô không ngại khó khăn, vượt núi băng rừng… miễn sao hình thành trong các em ý thức học tập, được ôn lại kiến thức. Như vậy, khi học sinh quay trở lại trường sẽ nhanh chóng bắt nhịp với kiến thức mới, không ngại, sợ học.

Theo thầy Minh, năm nay nhà trường tính đến phương án giao 1 - 2 giáo viên phụ trách theo địa bàn từ đầu tới cuối chứ không phân chia theo tuần. Như vậy, giáo viên sẽ nhớ từng nhà học trò, chủ động bố trí thời gian, phương tiện… Mặt khác, giáo viên sẽ kết hợp chặt chẽ hơn với trưởng thôn, bản để cùng tham gia nhận và thu bài khi học sinh vắng nhà, nhắc nhở gia đình các em nhận bài. Các trưởng thôn, bản cũng sẽ tăng cường động viên, nhắc nhở các em hoàn thành bài tập được giao khi gần tới hạn nộp. Cán bộ thôn, bản cũng tuyên truyền để phụ huynh tạo điều kiện cho con ở nhà học tập, không bắt đi nương rẫy lao động khi việc học chưa hoàn thành…

Đầu tháng 9, học sinh Trường Tiểu học xã Trung Lý 1 (Mường Lát, Thanh Hóa) tựu trường đông đủ, chuẩn bị cho lễ khai giảng. Nhưng địa phương này mới ghi nhận ca mắc Covid-19 nên lùi lịch khai giảng sang ngày 6/9. Dù chỉ một số khu vực thực hiện giãn cách, song thầy Phạm Văn Mạnh – giáo viên Trường Tiểu học xã Trung Lý 1 và đồng nghiệp đã chuẩn bị sẵn sàng tâm thế chuyển bài tập tới tay học sinh khi phải nghỉ học phòng dịch.

Thầy Phạm Văn Mạnh xác định: Với học sinh lớp 1, 2 bước vào triển khai Chương trình, SGK mới, thời gian dạy học trực tiếp vô cùng quan trọng nên nhà trường chỉ đạo giáo viên tận dụng tối đa thời gian đầu để triển khai tuần làm quen và củng cố tiếng Việt. Sau đó đẩy mạnh dạy học các môn chính như Tiếng Việt, Toán với những nội dung cốt lõi nhất.

Như vậy, nếu thời gian tới học sinh lớp 1, 2 phải ở nhà phòng, chống dịch, việc giao bài ôn tập đã có căn cứ vì các em biết cách cầm bút, tập viết tập đọc, làm phép tính đơn giản... Khi đi học trở lại việc ôn nhắc kiến thức giảm khó khăn cho giáo viên, học sinh dễ dàng bắt nhịp chương trình, không bỡ ngỡ và phải làm quen lại từ đầu…

Tại Trường PTDTBT Tiểu học Cán Tỷ (Quản Bạ, Hà Giang), các thầy cô đã xác định đồng hành với học trò trong dạy học nếu dịch xảy ra tại địa phương. Theo thầy Tạ Văn Kha – Hiệu trưởng nhà trường, mỗi tuần 2 lần giáo viên mang bài lên thôn giao và nhận về chữa vẫn là giải pháp tối ưu để khuyến khích học sinh được học tập, không quên kiến thức, duy trì nền nếp ý thức học tập. Nếu thầy cô không xác định làm tốt việc đưa kiến thức cho học trò chắc chắn việc duy trì tỉ lệ chuyên cần, huy động học sinh trở lại trường lớp sẽ rất khó khăn chứ chưa nói tới tình trạng “rơi rụng” kiến thức… 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ