Kết quả thi THPT quốc gia phản ánh trung thực việc dạy và học trong các nhà trường

GD&TĐ - Tỉnh Phú Thọ năm nay là địa phương có tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT cao (99,03%, cao hơn so với tỷ lệ chung cả nước, gần 98%).

Kết quả thi THPT quốc gia phản ánh trung thực việc dạy và học trong các nhà trường

Nhiều em thi đạt điểm giỏi môn Văn, Giáo dục công dân, đạt nhiều điểm 10 tuyệt đối; phóng viên báo Giáo dục và Thời đại đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Minh Tường – Giám đốc Sở GD&ĐT về những kết quả trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 và cách dạy – cách học của thầy và trò để có được kết quả đó.

Kỳ thi được giữ ổn định, không có tiêu cực

Thưa ông, ông có thể nêu bật những kết quả trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tỉnh Phú Thọ đã đạt được?

Có thể nói rằng Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 đã thu được những kết quả rất khả quan, đáp ứng được sự tin tưởng của các cấp ủy đảng chính quyền và sự kỳ vọng của nhân. Cụ thể là: Kỳ thi đã được tổ chức khoa học, chặt chẽ, chu đáo và an toàn ở tất cả các khâu; đảm bảo chính xác, công bằng, khách quan không có các hiện tượng tiêu cực xảy ra trong kỳ thi;

Ông Nguyễn Minh Tường – Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ

Kết quả của kỳ thi giữ được sự ổn định và đã đạt được một số kết quả vượt trội so với các năm học trước. Cụ thể: Tỉ lệ tốt nghiệp của toàn tỉnh đạt 99,03%. Điểm trung bình các môn thi cao hơn điểm trung bình toàn quốc là 0,19 điểm. Tỉ lệ phần trăm điểm giỏi (từ 8 trở lên) của các môn đều cao hơn tỉ lệ chung của toàn quốc (ngoại trừ môn ngoại ngữ). Học sinh Phú Thọ đạt 29 điểm 10 tuyệt đối (Môn Toán toàn quốc có 2 điểm 10 thì Phú thọ có 1 em). Môn Ngữ văn cũng có 1 em đạt 9,75 điểm, nằm trong số các thí sinh đạt điểm cao dẫn đầu toàn quốc. Có 2 học sinh nằm trong tốp 10 em đạt điểm bài thi tổ hợp khối cao nhất toàn quốc. Đặc biệt em Lê Bá Hoàng đạt 29.55đ cao nhất toàn quốc ở tổ hợp khối B.

Kết quả như trên đã phản ánh như thế nào về thực tế dạy và học hiện nay trong các nhà trường của tỉnh? Ông có thể phân tích sự phân hóa và sự khác biệt trong phổ điểm năm nay?

Khi phân tích phổ điểm năm 2018 của tỉnh Phú Thọ so với phổ điểm chung của toàn quốc thì thấy rằng: Điểm trung bình các môn đều cao hơn điểm trung bình toàn quốc (trừ môn ngoại ngữ kém 0,17 điểm và môn Toán kém 0,19 điểm só với mặt bằng chung toàn quốc). Riêng điểm giỏi (từ 8 trở lên) có sự tiến bộ vượt bậc, trừ môn ngoại ngữ, các môn còn lại đều có tỉ lệ điểm giỏi cao hơn tỉ lệ chung của toàn quốc.

Kết quả trên đã phản ánh chính xác trình độ học sinh của toàn tỉnh nói chung và của các vùng, miền nói riêng; nó cũng là kết quả của sự nỗ lực không mệt mỏi của đội ngũ cán bộ quản lý, của đội ngũ nhà giáo và các em học sinh trong toàn tỉnh.

Thành quả từ đổi mới PPDH và đổi mới quản lý trong các nhà trường

Để có được kết quả đó, trong dạy học, Sở GD&ĐT đã có những chỉ đạo điều hành như thế nào về đổi mới quản lý, đổi mới PPDH, tổ chức các hoạt động giáo dục, thưa ông?

Sở GD&ĐT Phú Thọ đã quan tâm và chỉ đạo các đơn vị thường xuyên nắm bắt, cập nhật những thông tin mới về lộ trình đổi mới kỳ thi THPT quốc gia và phương án thi năm 2018; thực hiện đầy đủ chương trình giáo dục theo kế hoạch, tuyệt đối không dồn ép, cắt xén chương trình; Chỉ đạo dạy học theo định hướng phát triển năng lực, giúp học sinh hiểu bản chất và vận dụng tốt kiến thức kỹ năng để giải quyết vấn đề. Ngoài kiểm tra theo kế hoạch, Sở còn tổ chức 2 đợt khảo sát chất lượng để học sinh làm quen với đề thi tham khảo của Bộ GD&ĐT, từ đó có những điều chỉnh phù hợp, kịp thời trong quá trình ôn tập cho học sinh;

Từ đó, Sở chỉ đạo các nhà trường chọn, cử giáo viên có năng lực chuyên môn tốt, có kinh nghiệm để dạy ôn thi THPT quốc gia; Tổ chức các lớp ôn thi miễn phí dành cho học sinh khá giỏi trên “Trường học kết nối” do đội ngũ giáo viên cốt cán của tỉnh thực hiện. Sở cũng đã chỉ đạo quyết liệt việc dạy - học phân hóa; xây dựng nội dung chương trình ôn tập bám sát đề tham khảo và các hướng dẫn thi của Bộ, phù hợp với từng đối tượng học sinh.

Qua kỳ thi năm nay, ông có thể khái quát một số kinh nghiệm rút ra trong thực hiện tổ chức dạy học, tổ chức kỳ thi?...

Một số kinh nghiệm được rút ra trong công tác chỉ đạo ôn thi THPT quốc gia năm 2018 là: Phải làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền để mỗi giáo viên và học sinh có đầy đủ thông tin về kỳ thi và hiểu rõ tầm quan trọng của kỳ thi. Từ đó chủ động tích cực trong việc xây dựng kế hoạch ôn tập, đảm bảo phù hợp hiệu quả; Đồng thời thường xuyên quan tâm, phát triển, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên (đây là nhân tố quan trọng nhất). Giáo viên nói chung và giáo viên dạy ôn thi THPT quốc gia nói riêng phải có năng lực chuyên môn tốt, có kinh nghiệm và tinh thần trách nhiệm cao. Công tác tập huấn bồi dưỡng giáo viên phải thiết thực hiệu quả gắn với nhiệm vụ cụ thể của giáo viên;

Phải tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá học sinh nghiêm túc, khách quan để đánh giá đúng năng lực học sinh; đa dạng hóa các hình thức ôn tập cho phù hợp thực tế các nhà trường và đối tượng học sinh. Công tác chỉ đạo từ Sở GD&ĐT phải quyết liệt, thường xuyên kiểm tra đôn đốc, hướng dẫn kịp thời, hiệu quả cho các trường THPT.

Trong tổ chức kỳ thi, các văn bản chỉ đạo kỳ thi cần phải tinh gọn, đủ thông tin, dễ hiểu, để triển khai thực hiện; Các cán bộ phụ trách thi và làm thi phải thành thạo nghiệp vụ, tuyệt đối không để xảy ra sai sót; Công tác thông tin liên lạc phải thông suốt, kịp thời; Cần có sự vào cuộc đồng bộ của Sở GD&ĐT và các lực lượng xã hội chung tay hỗ trợ kỳ thi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ngoài thờ Kinh Dương Vương, trong đền còn thờ Lạc Long Quân và Âu Cơ với bức đại tự “Đại Nam tổ miếu”.

Tháng Ba, thăm lăng mộ Thủy tổ nước Nam

GD&TĐ - Mấy nghìn năm có lẻ, ở gò đất cao tụ khí làng Á Lữ, xã Đại Đồng (Bắc Ninh) đã lưu giữ linh hài của ông nội Vua Hùng, Thủy tổ nước Nam Kinh Dương Vương.