Học sinh trở lại trường học: Thầy cô căng sức “lấp” kiến thức cho trò

Học sinh trở lại trường học: Thầy cô căng sức “lấp” kiến thức cho trò

Dịch Covid-19 khiến việc học của HS trường vùng khó, HS dân tộc… bị đảo lộn. Đặc biệt, số HS lớp 1 rơi vào tình trạng quên mặt chữ, con số diễn ra khá phổ biến. Tìm ra phương án dạy học tối ưu, giúp HS “lấy” lại kiến thức chuẩn sau hơn 3 tháng nghỉ học là điều không dễ dàng với GV, nhà trường. 

60 - 70% học sinh quên kiến thức đã học

Thầy Phạm Văn Tường – Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Mậu Long (huyện Yên Minh, Hà Giang) chia sẻ: Chưa có kết quả khảo sát cụ thể về tình trạng quên kiến thức bởi HS khối 1 chưa trở lại trường. Tuy nhiên với đặc thù của HS dân tộc và kinh nghiệm hơn 20 năm gắn bó với giáo dục vùng khó, có thể áng chừng 30 - 40% HS lớp 1 còn nhớ mặt chữ và có thể đọc, viết (ở mức độ thành thạo và chưa thành thạo). 60 - 70% HS quên gần như hoàn toàn kiến thức đã học và GV phải dạy lại từ đầu.

Trường Tiểu học Trung Lý 1 (huyện Mường Lát, Thanh Hóa) đóng trên địa bàn vùng khó với 100% HS người dân tộc, không triển khai dạy học trực tuyến, theo thầy Lê Quang Tùng – Hiệu trưởng, sẽ có trên 70% số HS lớp 1 quên cả đọc và viết. “HS dân tộc bước vào lớp 1 chưa nói sõi tiếng phổ thông, bởi vậy phần lớn thời gian học kỳ I, GV tập trung dạy tiếng Việt, mặt chữ, số, cách ghép vần, đọc. Bước vào học kỳ II ít ngày, HS phải nghỉ học kéo dài, việc quên cách ghép vần, đọc, viết khó tránh khỏi. Nếu đầu tháng 5, HS đi học trở lại sẽ không loại trừ trường hợp chỉ nhớ đến chữ d, e… trong bảng chữ cái cùng vài vài ba mặt số” – thầy Tùng ngần ngại cho biết.

Cô Nguyễn Hương Giang – Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Thanh Vân (Quản Bạ, Hà Giang) cũng thông tin: Với HS lớp 1, việc quên kiến thức, không thể đọc và viết thành thạo có thể lên tới 60 - 70%. Đây là thực tế đòi hỏi nhà trường phải lên phương án dạy học phù hợp để khắc phục ngay khi HS trở lại học tập tại trường.

Để học sinh “đọc thông, viết thạo”

Thầy Phùng Thế Tùng - Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Tả Gia Khâu (Mường Khương, Lào Cai) cho biết: Ngoài thực hiện tinh giản nội dung kiến thức của Bộ GD&ĐT, hướng dẫn của Sở GD&ĐT Lào Cai, trường sẽ xây dựng nội dung kiến thức, phương pháp dạy học riêng cho từng giai đoạn và phù hợp với HS. Đặc biệt chú trọng tới HS khối 1, giúp các em không bị quá tải mà vẫn nắm đủ kiến thức trọng tâm.

Trường đang lên kế hoạch dài hơi trong phân công GV. Sử dụng số GV đang dạy lớp 1 để dạy tiếp lên lớp 2, như vậy GV sẽ hiểu hết trình độ, năng lực, đặc điểm của HS để có trách nhiệm và kế hoạch bù đắp kiến thức phù hợp nhất. Mặt khác, trường bố trí một số GV dạy lớp 1 khác tham gia bồi dưỡng Chương trình và SGK lớp 1 mới để chuẩn bị cho việc dạy học năm học tới…

Thầy Phạm Văn Tường – Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Mậu Long cũng cho biết sẽ thực hiện quyết liệt đồng loạt các giải pháp để HS khối 1 khi kết thúc năm học phải đạt được kiến thức cơ bản để bước vào lớp 2.

Trước hết, dựa trên nội dung tinh giản của Bộ GD&ĐT, nhà trường xây dựng khung chương trình phù hợp với đặc thù của HS. Tập trung vào dạy học giúp trò đọc thông viết thạo; Các tiết dạy của GV khối 1 sẽ được Ban Giám hiệu thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc hỗ trợ để tăng cường tối đa trách nhiệm và chuyên môn.

Cũng theo thầy Tường, kết thúc năm học nếu diễn ra đúng kế hoạch, trường có thể huy động GV khối 1 dạy vào các buổi chiều trong tuần, tận dụng cả ngày thứ 7 để bù lấp kiến thức cho HS khối 1. Đặc biệt, khi HS bước vào học kỳ I lớp 2, trường có thể bố trí thêm 1 tháng đầu tiên (tùy theo kết quả học tập của HS) để củng cố kiến thức lớp 1 rồi mới chuyển dạy chương trình lớp 2.

Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Trung Lý 1 (huyện Mường Lát, Thanh Hóa) cũng sớm đưa ra giải pháp để bù đắp kiến thức cho HS khối 1. Thầy Lê Quang Tùng – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Lý 1 cho biết: Ngay khi HS trở lại, trường sẽ tiến hành khảo sát đánh giá chất lượng. Trên cơ sở thực tế đưa ra kế hoạch cụ thể việc bù đắp nội dung kiến thức cho HS còn yếu. Tập trung vào dạy đọc, viết, tiếp tục tinh giản nội dung kiến thức theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT dựa trên đặc thù riêng để HS học kiến thức cốt lõi nhất. Thậm chí, ngoài việc dạy bù chương trình vào các chiều từ thứ 2 - 6 trong tuần cũng được tính đến...

Đồng tình với quan điểm của các đồng nghiệp trong việc triển khai giải pháp bù lấp kiến thức, thầy Nguyễn Đức Thành – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Văn Nô (xã Thanh Minh, thành phố Điện Biên Phủ, Điện Biên) khẳng định: Việc dạy bù và bảo đảm kiến thức cho HS khối 1 sau thời gian nghỉ dài khiến GV vất vả hơn rất nhiều. Tuy nhiên, khó tới đâu cũng phải gỡ bởi HS khối 1 yếu bao nhiêu khi lên lớp 2 việc dạy bù kiến thức cũ và bắt nhịp kiến thức mới khổ bấy nhiều. Tuy nhiên, với kinh nghiệm, phương pháp dạy học lâu năm của GV vùng khó, dạy HS dân tộc sẽ giúp thầy cô hoàn thành nhiệm vụ.

Năm học 2019 - 2020 Trường PTDTBT Tiểu học Mậu Long có 300 HS khối 1/17 lớp rải rác ở 17 điểm trường. Biến động dịch Covid-19 khiến cho việc dạy học bảo đảm kiến thức chuẩn (sau hướng dẫn tinh giản của Bộ GD&ĐT) gặp nhiều khó khăn và đòi hỏi nhà trường, GV có giải pháp dạy bù linh động, quyết liệt và phù hợp chứ không thể giữ nguyên phương pháp dạy học truyền thống. - Thầy Phạm Văn Tường

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ