Hoa đại ngàn Trường Sơn

GD&TĐ - Chuyện về cô giáo Ngô Thị Hoa – Hiệu trưởng Trường TH Trà Nham (xã miền núi Trà Nham, huyện Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi) âm thầm, lặng lẽ đi xin tiền xây trường, sắm từng bộ áo quần, tổ chức từng bữa ăn cho HS đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, được cán bộ, giáo viên tỉnh Quảng Ngãi ví như một câu chuyện cổ tích đẹp giữa đời thường viết lên từ ngọn lửa yêu nghề, mến trẻ.

Hoa đại ngàn Trường Sơn

Tình yêu nghề dẫn lối đến với giáo dục vùng khó

Chúng tôi đặt chân đến ngôi trường khi cô Ngô Thị Hoa đang sắp xếp những bộ quần áo Tết để kịp phát cho HS. Như hiểu được ánh mắt dò hỏi của chúng tôi, cô cười hiền rồi nói: “Đây là những bộ áo quần Tết mới tinh dành tặng các em HS trong trường. Món quà được chùa Trung Nghĩa (quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) vừa mới gửi ra.

Ngoài áo quần Tết cho HS, nhà chùa còn gửi tặng thêm 500 suất quà Tết gồm áo ấm, dầu ăn, mì chính và hơn 1.000 tập vở cho HS và giáo viên”. Đó là một trong những món quà có ý nghĩa nữa mà cô đã vận động được dành tặng cho các em HS nhà trường trong năm học này. Tiếp sau thành quả xây dựng 7 phòng học cho HS ở điểm trường chính và các điểm trường lẻ.

Sinh ra ở huyện miền núi Trà Bồng (tỉnh Quảng Ngãi), tuổi thơ cô sớm chịu bao nỗi vất vả, nhọc nhằn. Điều đó như càng bồi đắp thêm tâm hồn cô lẽ sống biết thương yêu, biết chia sẻ với mọi người. Và rồi ước mơ được trở thành cô giáo từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường đã dẫn lối cô đến với ngành Sư phạm.

Năm 1996, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Phạm Văn Đồng, cô trở về quê hương dạy học. Sau một năm đứng chân dạy học ở xã vùng khó Trà Bùi (huyện Trà Bồng), năm 1997, cô tiếp tục được phân về phụ trách giảng dạy tại các điểm trường vùng sâu, vùng xa xã Trà Nham (huyện Tây Trà). Những ngày vào các điểm trường dạy học, cô gặp phải vô vàn điều khó khăn.

Nhưng điều mà cô cảm thấy trăn trở nhất chính là những khó khăn, thiếu thốn của con em, HS dân bản. Càng hiểu rõ sự thiệt thòi của các em, cô càng nỗ lực giảng dạy, chăm sóc các em. Ngày ngày chứng kiến học trò của mình đến lớp với tà áo mong manh, chân trần lấm bẩn, ngồi học trong căn phòng tồi tàn, rách nát… đã thôi thúc cô phải làm một điều gì đó để bù đắp cho các em.

Sau nhiều đêm trăn trở và suy nghĩ, cô quyết định kết nối, liên lạc với những bạn bè, đồng nghiệp khắp nơi trên cả nước về những nỗi nhọc nhằn, thiếu thốn mà con em đồng bào dân tộc thiểu số nơi mình dạy học đang còn nếm trải. Chia sẻ những hình ảnh ghi lại cuộc sống, sinh hoạt, học tập, ăn ở của học trò được đăng lên mạng xã hội Facebook gửi đến cộng đồng mạng.

Sự kiên trì vận động, thuyết phục của cô cuối cùng cũng có hồi đáp. Những món quà là những tấm áo, chiếc quần, tập vở, trang sách, đến từng gói bánh, cân gạo…được mọi người khắp trên cả nước san sẻ gửi về trong niềm hạnh phúc của cô trò. Nhưng niềm hạnh phúc lớn nhất của cô trò khi nhận tin vui từ Bộ Công an và Thành đoàn Đà Nẵng trao kinh phí xây dựng 7 phòng học mới thay thế cho các phòng học tạm bợ cho nhà trường.

Nhớ lại điều này, cô Hoa tâm sự: “Bao năm gắn bó công tác ở đây, nỗi trăn trở lớn nhất của tôi cũng như nhiều giáo viên khác là nỗi lo về cơ sở vật chất trường lớp, phòng học của cô trò chỉ là phòng ốc tạm bợ bằng tranh tre, vách nứa, với mấy bộ bàn ghế cũ, còn dụng cụ học tập thì không có gì. Bởi vậy, khi nghe Bộ Công an và Thành đoàn Đà Nẵng cho kinh phí xây dựng 7 phòng học, cô trò mừng mừng, tủi tủi, ôm nhau khóc òa”.

Lấy niềm vui của HS làm động lực phấn đấu

Khi có được nguồn kinh phí xây trường nhưng công tác triển khai xây dựng lại gặp khó khăn vì không có mặt bằng xây dựng. Qua nhiều lần đề xuất, kiến nghị với lãnh đạo địa phương nhưng không giải quyết được vì người dân không đồng ý giao mặt bằng đất cho chính quyền. Trước tình thế đó, cô “đánh liều” xuống tận thôn, nóc, vào từng gia đình người dân vận động hiến đất xây trường.

“Một điều thật bất ngờ là khi tôi đặt vấn đề xin đất xây trường thì người dân trong thôn có đất xung quanh trường đều đồng tình, ủng hộ. Họ bảo “hiến đất cho trường, cho cô Hoa thì được, chứ hiến đất cho xã, cho chính quyền thì nhất quyết không chịu” - cô Hoa kể lại.

Ngày khánh thành 7 phòng với kinh phí xây dựng gần 1,2 tỷ đồng ngay đúng vào khai giảng năm học 2016 - 2017 trong niềm hạnh phúc vỡ òa của cô trò và người dân thôn bản. Tại 3 điểm trường lẻ, phòng học được đầu tư xây dựng kiên cố, mọc lên vững chãi ngay giữa núi rừng, với tường, sàn bằng xi măng, bê tông chắc chắn.

Còn các phòng học ở điểm trường chính được xây dựng theo mô hình trường lắp ghép bằng khu thép bán kiên cố, tạo nên một khu liên hoàn, khang trang, sạch đẹp. Có được niềm tin từ những lần vận động, hỗ trợ xây trường, cô tiếp tục kêu gọi sự quan tâm, hỗ trợ từ các hội từ thiện khác. Đáp lại sự kiên trì, bền bỉ đó, nhóm từ thiện Phước Hạnh (TP Hồ Chí Minh) và nhóm thiện nguyện Quảng Ngãi đã cấp kinh phí 800 triệu đồng để xây dựng hệ thống sân trường, công trình nước sạch, nhà vệ sinh.

“Ngày khánh thành 7 phòng học và đưa hệ thống công trình nước sạch, vệ sinh, sân bãi trường học vào sử dụng, nhìn lũ học trò tíu tít cười đùa giữa khuôn viên trường lớp mới, tôi cũng như nhiều giáo viên trong trường đã không ngăn được dòng nước mắt trong niềm vui sướng. Cảm xúc đó đến bây giờ vẫn còn vẹn nguyên như mới hôm qua” - cô Hoa nghẹn ngào.

Hơn 20 năm cống hiến cho giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cô vẫn không nguôi ngọn lửa yêu nghề, nhiệt tâm cống hiến cho giáo dục vùng khó, tấm lòng yêu thương HS vẫn luôn đong đầy.

Bởi vậy mà nước mắt cô đã không ít lần rơi khi nói về những kỷ niệm buồn vui với học trò vùng cao, về những tâm sự sâu kín với đồng nghiệp, về những nỗi niềm cuộc sống gia đình, riêng tư… hay về những dự định tiếp tục đi xin tiền, kêu gọi sự hỗ trợ xây nhà ở công vụ cho giáo viên, khu nhà ăn bán trú, đến việc duy trì bữa cơm bán trú cho HS.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đối tượng Nguyễn Minh Trường thời điểm bị bắt giữ và tang vật.

Triệt phá 'lô cốt' ma túy

GD&TĐ - “Bà trùm” chia nhỏ ma túy, giao cho “chân rết” là những “quái xế” vận chuyển bằng xe máy với tốc độ cao nhằm hạn chế giám sát của lực lượng chức năng.