Hiệu quả lớn từ những hoạt động GD trải nghiệm

GD&TĐ - Tổ chức các sân chơi, đa dạng hóa hình thức bồi dưỡng kỹ năng sống, giá trị sống cho học sinh đang được các trường học trên địa bàn tỉnh Nghệ An chú trọng. Tuy nhiên, để các hoạt động này có ý nghĩa trải nghiệm hiệu quả thì đang còn nhiều vấn đề đặt ra.

Hiệu quả lớn từ những hoạt động GD trải nghiệm

Giúp trẻ học cách trải nghiệm và sinh tồn

Thời gian qua, xưởng bánh Việt - Hàn (TP Vinh) đón rất nhiều học viên nhí là các cháu mầm non trên địa bàn TP Vinh. Gần đây nhất là khoảng 100 cháu đến từ Trường Mầm non Bình Minh. Tại xưởng bánh, trẻ được các cô, chú là thợ làm bánh giới thiệu về nguyên liệu, quy trình làm các loại bánh, đồng thời được tự tay mình thực hành làm sản phẩm. Mặc dù tay nghề không thuần thục, nhưng dưới bàn tay và óc tưởng tượng trẻ thơ, bột bánh trở thành nguyên liệu thần kỳ để các bé hô biến thành nàng công chúa, bông hoa, hoặc những con vật ngộ nghĩnh.

Chị Hoàng Thị Hà, phụ huynh học sinh Trường Mầm non Bình Minh phấn khởi nói: “Tôi thấy đây là hoạt động trải nghiệm rất bổ ích cho các cháu. Sau quá trình làm việc khá vất vả để tạo ra một cái bánh nhỏ, các cháu sẽ hiểu hơn giá trị của lao động”.

Năm học 2016 - 2017, Trường Tiểu học Trường Thi (TP Vinh) đã phối hợp với Phòng phòng cháy chữa cháy (PCCC) số 1- Cảnh sát PCCC tỉnh Nghệ An tổ chức chương trình diễn tập, trang bị kỹ năng về PCCC cho học sinh khối 4, 5.

Tại buổi ngoại khóa đặc biệt này, các em học sinh đã được cán bộ Phòng PCCC số 1 hướng dẫn sơ bộ các kiến thức về cháy, nổ; giới thiệu về hệ thống tiếp nhận thông tin báo cháy, xe cứu hỏa, kỹ năng thoát hiểm khi có cháy xảy ra… Đồng thời, tham quan các loại xe chuyên dụng của lực lượng cứu hỏa, và được giới thiệu sơ bộ về tác dụng của các bộ phận trên xe. Ngoài ra, các em được đưa lên thang để chứng kiến gần hơn công việc của các chú lính cứu hỏa, cứu hộ, cứu nạn.

Để các em được thực hành những kiến thức vừa học, cán bộ Phòng PCCC cũng tạo ra một đám cháy giả định. Lúc đầu, khá nhiều học sinh lúng túng, có phần sợ hãi khi khói, lửa bốc lên mù mịt. Tuy nhiên, được sự hướng dẫn trực tiếp của các chiến sĩ PCCC, các em đã thực hiện chính xác các thao tác thoát hiểm, và biết sử dụng bình chữa cháy mini… Khi tự tay mình xịt vào đám cháy để dập tắt ngọn lửa, các bạn nhỏ đã rất hứng khởi.

Em Văn Ngọc Anh Thư (học sinh lớp 4E) nói: “Nghe các chú cảnh sát giải thích, cháu đã biết gọi 114 báo cháy. Ở trường học, nếu xảy ra cháy thì lấy khăn quàng đỏ, hoặc khăn thấm ướt bịt mũi để không bị ngạt và ngộ độc khói, đi khom, men theo tường chạy ra ngoài, cháu cũng biết cần thông báo với mọi người nhờ giúp đỡ, không trốn trong nhà vệ sinh. Ngoài ra thì không được nghịch lửa, nghịch điện để có thể xảy ra cháy nổ”.

Thượng tá Trịnh Xuân Hợp - Phó trưởng phòng Phòng PCCC số 1 - cho biết: Lâu nay chúng ta vẫn nghĩ môi trường ở các nhà trường rất an toàn, tuy nhiên đây lại là nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ. Vì vậy, thông qua các lớp kỹ năng PCCC, chúng tôi hi vọng sẽ trang bị được cho học sinh và giáo viên những kiến thức cơ bản, cần thiết về PCCC. Sau buổi học này, các em cũng sẽ là tuyên truyền viên để tuyên truyền cho bạn bè, những người thân trong gia đình về công tác PCCC.

Hiểu đúng về hoạt động trải nghiệm

Tổ chức các hoạt động trải nghiệm là một trong những nội dung được nhiều trường học trên địa bàn Nghệ An triển khai trong những năm gần đây với nhiều hình thức khác nhau như: Tham quan các doanh trại bộ đội, tham quan bảo tàng, các khu di tích lịch sử, du lịch sinh thái, giao lưu học sinh…

Sở GD&ĐT đang chỉ đạo đa dạng hóa các hình thức giáo dục kỹ năng sống vào trường học sao cho phù hợp với đặc điểm tâm, sinh, lý của học sinh bao gồm: Tổ chức các hoạt động trải nghiệm tham quan các di tích lịch sử, địa chỉ văn hóa; Đẩy mạnh văn hóa đọc trong nhà trường; Đưa trò chơi dân gian vào trường học… Qua đó, góp phần tăng cường, phát huy tính chủ động, tích sực, sáng tạo của học sinh. Rèn luyện cho các em những kỹ năng, phẩm chất để thích ứng và đáp ứng sự thay đổi và phát triển của xã hội.

Trong 2 năm qua, Sở GD&ĐT Nghệ An cũng thí điểm đưa tài liệu giáo dục kỹ năng sống và giá trị sống vào trường học.

Đánh giá về các hoạt động này, bà Ngô Thị Nguyệt, Phó trưởng phòng GD&ĐT TP Vinh cho rằng: Hiện nay, bên cạnh việc giảng dạy những môn văn hóa, các trường đều triển khai giáo dục cho học sinh hoạt động trải nghiệm. Thông qua các hoạt động này, học sinh có điều kiện kiểm nghiệm lại những điều đã học trên lớp và tiếp thu thêm kiến thức từ thực tế. Từ đó, chuyển đổi phương pháp dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực, kỹ năng cho học sinh theo tinh thần đổi mới của Bộ GD&ĐT.

Tuy nhiên, để những chương trình, sân chơi mang tính trải nghiệm thực tế hiệu quả, ý nghĩa thì đang còn nhiều vấn đề phải quan tâm, nhất là hiện nay ngành Giáo dục chưa có những quy định rõ ràng về hoạt động này.

Vừa qua, Phòng GD&ĐT TP Vinh tổ chức chương trình Giao lưu học sinh tiểu học lần thứ 2. Tham gia chương trình giao lưu các em đã được tham gia nhiều hoạt động sôi nổi, thú vị gồm các nội dung: “Sân chơi Olympic các môn học” dưới hình thức thi rung chuông vàng, thi “Thử thách con số” và “Tiếng Việt dấu yêu”, tham gia bình chọn tranh và chơi các trò chơi vận động.

Về mục đích, đây được xem là sân chơi để học sinh tiểu học giao lưu kiến thức các môn học, rèn luyện kỹ năng hoạt động nhóm, giao tiếp, mạnh dạn, tự tin trước tập thể. Tuy nhiên, với nhiều phụ huynh việc quy tụ 220 gương mặt xuất sắc của học sinh lớp 5 đến từ 30 trường trong thành phố, thì sân chơi này được ngầm hiểu thành một cuộc thi kiến thức tổng hợp đầy cạnh tranh chứ không phải trải nghiệm thực tế. Và kết quả của cuộc thi có thể sẽ là một ưu tiên để cộng thêm điểm khi đăng ký xét tuyển vào Trường THCS Đặng Thai Mai (được xem là trường chất lượng cao của TP Vinh).

Nói về việc tăng cường hoạt động trải nghiệm, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, ông Trần Thế Sơn - Trưởng phòng GD Tiểu học, Sở GD&ĐT Nghệ An - cho biết: Đây là hoạt động nằm trong chỉ đạo chương trình chuyên môn dạy học của Bộ GD&ĐT, đặc biệt trong các trường học 2 buổi/ngày. Sở chỉ đạo để các trường chủ động, linh hoạt thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế, nhưng để xây dựng thành đề án với các hướng dẫn cụ thể thì chưa có.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ