Hàng nghìn học sinh trước nguy cơ không có chỗ học tại TPHCM - gỡ khó cách nào?

GD&TĐ - Ngày 24/8, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức có buổi làm việc với ngành GD-ĐT, đại diện UBND các quận, huyện liên quan đến tuyển sinh đầu cấp trên địa bàn. Tại đây, các đại biểu đã đề xuất những giải pháp “gỡ khó” cho một số đơn vị gặp khó khăn về trường lớp nhằm vừa bảo đảm chỗ học cho học sinh lớp 1, vừa đáp ứng việc triển khai dạy học theo chương trình mới.

Một số quận, huyện tại TPHCM vẫn gặp khó khăn trong việc triển khai thực hiện dạy học 2 buổi/ngày cho học sinh tiểu học.
Một số quận, huyện tại TPHCM vẫn gặp khó khăn trong việc triển khai thực hiện dạy học 2 buổi/ngày cho học sinh tiểu học.

Chấp nhận sĩ số “vượt chuẩn”

Năm học 2020 - 2021, TPHCM dự kiến tăng 54.645 học sinh. Mặc dù đã  nỗ lực xây dựng trường lớp để bảo đảm chỗ học cho con em người dân trên địa bàn nhưng do tốc độ dân số cơ học tăng nhanh (bình quân mỗi năm TP tăng 200.000 dân) đã tạo áp lực lớn cho ngành GD.

Theo Sở GD&ĐT TPHCM, một số quận, huyện: Gò Vấp, Quận 12, Bình Tân, Tân Phú, Thủ Đức và 2 xã Vĩnh lộc A, Vĩnh Lộc B của huyện Bình Chánh gặp nhiều khó khăn do số học sinh quá đông.

Ông Tạ Tân - Trưởng phòng GD&ĐT quận Tân Phú cho biết: Năm học 2020 - 2021, quận có hơn 7.000 học sinh lớp 1 (tương đương 169 lớp). Trong khi đó, tỷ lệ học 2 buổi/ngày ở tiểu học trên địa bàn chỉ đạt khoảng 30%. Ông Tân đặt ra giả thiết, nếu “xoá hết” tỷ lệ học 2 buổi/ngày ở các lớp còn lại mới bảo đảm cho học sinh lớp 1 năm nay học 2 buổi/ngày, nhưng những năm tiếp theo sẽ thực hiện ra sao? “Đây là bài toán mà quận Tân Phú vẫn… không tìm thấy lời giải”, ông Tân nhấn mạnh.

Theo ông Tân, nguyên tắc tuyển sinh của quận là tạo điều kiện cho tất cả con em trên địa bàn có chỗ học, nhưng do điều kiện cơ sở vật chất hạn hẹp nên chỉ đáp ứng yêu cầu học 1 buổi. Về vấn đề này, phòng đã tham mưu với UBND quận về phương án phải chấp nhận “vượt chuẩn” về sĩ số, đồng thời giảm tỷ lệ học 2 buổi/ngày ở cấp tiểu học để có đủ chỗ học cho tất cả học sinh trên địa bàn.

Tại Quận 12, theo ông Nguyễn Văn Đức, Phó Chủ tịch UBND quận, dân số bình quân ở quận này mỗi năm tăng hơn 20.000 dân tạo áp lực trong việc bảo đảm chỗ học và thực hiện chương trình mới.

Cụ thể, năm học 2020 - 2021, trên địa bàn Quận 12 có 10.093 em vào lớp 1. Ban đầu, quận dự kiến sĩ số khoảng 45 em/lớp, nhưng sau đó đã nâng lên 50 em/lớp. Liên quan đến 815 học sinh năm nay vào lớp 1 nhưng chưa đủ điều kiện thời gian quy định về sổ tạm trú KT3 (trên 1 năm), đại diện Quận 12 khẳng định, sẽ tìm cách để giải quyết, cam kết có chỗ học cho học sinh này, tạo sự an tâm cho phụ huynh.

Tương tự, tại huyện Bình Chánh, tỷ lệ học 2 buổi/này ở tiểu học đạt hơn 60%. Năm học 2020 - 2021 có khoảng 10.600 học sinh vào lớp 1. Tuy nhiên, khó khăn về triển khai dạy học 2 buổi/ngày ở tiểu học chỉ tập trung ở 2/14 xã là Vĩnh lộc A, Vĩnh Lộc B. Với dân số khoảng 250.000 dân trên địa bàn 2 xã có tới 7 trường tiểu học nhưng chỉ đáp ứng được việc dạy học 1 buổi/ngày. Vì vậy, phòng GD&ĐT huyện đã đưa ra phương án tháo gỡ là dạy học 6 buổi/tuần, 5 tiết/buổi để thực hiện theo chương trình mới.  

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức chủ trì buổi làm việc với Sở GD&ĐT, các UBND quận, huyện về “gỡ khó” trong công tác tuyển sinh đầu cấp lớp 1 trên địa bàn. Ảnh: Tùng Lê
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức chủ trì buổi làm việc với Sở GD&ĐT, các UBND quận, huyện về “gỡ khó” trong công tác tuyển sinh đầu cấp lớp 1 trên địa bàn. Ảnh: Tùng Lê

Tính giải pháp lâu dài

Đồng tình với những giải pháp trước mắt để giải quyết chỗ học cho học sinh đầu cấp tiểu học tại một số quận, huyện, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức nhấn mạnh: “Cần phải tính đến giải pháp lâu dài, bền vững để triển khai thực hiện chương trình mới, học sinh học 2 buổi/ngày không chỉ ở tiểu học mà các cấp học khác”.

Theo ông Dương Anh Đức, TP luôn nỗ lực bảo đảm cho tất cả học sinh trong độ tuổi phải được đến trường. Nhưng với sự gia tăng nhanh về dân số cơ học, kéo theo số học sinh tăng cao, lúc đó phải chấp nhận… sĩ số cao, tỷ lệ học 2 buổi/ngày giảm. Bên cạnh đó, theo chương trình mới phải học 2 buổi/ngày, nhưng khi nhận hết học sinh thì chỉ còn được tối thiểu 6 buổi/tuần nhưng vẫn truyền tải đầy đủ kiến thức. “Như vậy, mỗi em hi sinh một chút để tất cả đều có chỗ học”, Phó Chủ tịch UBND TP nói.

Tuy vậy, đây chỉ là giải pháp tình thế, về lâu dài, TP sẽ có những biện pháp khác để giải quyết vấn đề này. Dự kiến cuối tháng 9, lãnh đạo UBND TPHCM sẽ họp với Sở GD&ĐT cùng các sở ngành liên quan, bàn phương án chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho năm học tiếp theo về chỗ học và bảo đảm tiêu chuẩn chương trình mới.

Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo UBND TP đề nghị Sở GD&ĐT TPHCM chủ trì, tham mưu UBND TP phương án, kế hoạch hỗ trợ học phí cho học sinh tiểu học có hoàn cảnh khó khăn theo học khối ngoài công lập (có thể làm một đề án). Với những gia đình có điều kiện, địa phương vận động, khuyến khích cho con học ở các trường ngoài công lập. Với người dân khi đến TP làm việc phải cân nhắc nơi ở phù hợp với nơi làm và cả chỗ học của con, tránh dồn vào một khu vực quá đông.

Quận 12 đề xuất phương án, chấp nhận sĩ số lớp 1 “vượt chuẩn”, giảm tỷ lệ học 2 buổi/ngày ở tiểu học để nhận hết những học sinh trong độ tuổi đến trường nhưng chưa có chỗ học. - Ông Nguyễn Văn Đức 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.