Giáo dục đạo đức học sinh: Câu chuyện không chỉ của học đường

GD&TĐ - Các nhà tâm lý giáo dục đều cho rằng, học trò thời nào cũng có những nghịch ngợm, quậy phá, cá biệt; nhưng nếu đổ hết trách nhiệm cho nhà trường là không phải. Trong các vụ việc vi phạm của HS, hầu như các em không nhận được sự chăm sóc tốt của cha mẹ. 

Công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh không thể thiếu sự chung tay của gia đình - nhà trường - xã hội.          Ảnh minh họa/ INT
Công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh không thể thiếu sự chung tay của gia đình - nhà trường - xã hội. Ảnh minh họa/ INT

Vai trò của giáo viên chủ nhiệm

Cô Nguyễn Trần Thu Hà (GV Trường THCS Hoàng Sa, Q. Sơn Trà, TP Đà Nẵng) thường dành khoảng thời gian buổi chiều cho công tác chủ nhiệm. “Có những phụ huynh trao đổi với cô giáo rất chân tình rằng mình không biết chữ nên cô có trao đổi tình hình học tập của con bằng tin nhắn điện thoại, phụ huynh cũng chịu. Với những trường hợp đó, GV phải đến nhà để có thể bảo đảm thông tin hai chiều thì việc phối hợp tốt giữa gia đình và nhà trường mới hiệu quả.

Rồi có em ở với ông bà, thiếu hẳn sự chăm sóc của ba mẹ; có em thì mẹ bận bịu với buôn bán, mình phải lựa những lúc phụ huynh có ở nhà để trao đổi chứ không thể chọn nơi hàng quán mà nói chuyện học hành của con được” – cô Thu Hà cho biết. Sát sao với hoàn cảnh của từng học sinh, cô Thu Hà có thể tìm ra những nơi các em lui tới khi trốn tiết, bỏ nhà đi chơi trong khi phụ huynh đành chịu vì không có thông tin gì.

Tương tự, Ban giám hiệu Trường Tiểu học thị trấn Cẩm Thủy (H. Cẩm Thủy, Thanh Hóa) cũng quán triệt đến các giáo viên chủ nhiệm (GVCN) nếu HS nghỉ học không rõ lý do phải lập tức liên lạc với gia đình, không để đến hôm sau; các biện pháp giúp đỡ HS phải được thảo luận và thống nhất giữa nhà trường và phụ huynh. Đặc biệt, khi có sự việc xảy ra phải giải quyết ngay lập tức, không chờ đến cuối tuần giao ban.

GVCN cũng phải có sự liên hệ thường xuyên với gia đình HS để kịp thời nắm bắt diễn biến tư tưởng, tinh thần, thái độ học tập của HS ở nhà để có biện pháp phối hợp giáo dục; hỗ trợ cha mẹ HS về kiến thức, phương pháp giáo dục con em. Đối với những HS có kết quả giáo dục chưa tốt, GVCN có thể gửi thư cho các tổ chức đoàn thể của địa phương nhờ phối hợp giáo dục, giúp đỡ HS.

GVCN có vai trò rất lớn trong việc làm cầu nối giữa gia đình – nhà trường để nắm bắt, theo dõi chuyển biến tâm lý của HS. Tuy nhiên, có một thực tế cần phải thừa nhận là việc đánh giá các mặt giáo dục ở một số GV chưa thật sự bao dung, có tác dụng giáo dục mà có khi chỉ căn cứ qua hiện tượng vi phạm, không nắm bắt đúng diễn biến trong từng hoàn cảnh cụ thể khác biệt của mỗi em để có biện pháp thỏa đáng nên giữa GV và HS ngày càng có sự xa cách, các hoạt động giáo dục của trường không được các em tiếp nhận một cách tích cực.

Chính vì vậy, kinh nghiệm của CBQL các trường học trong phân công chủ nhiệm phải dựa trên năng lực và kinh nghiệm của từng GV. Chính đội ngũ này là người tích cực và trực tiếp thực hiện các biện pháp GD đạo đức có tính khả thi đã được thống nhất giữa nhà trường - phụ huynh - địa phương.

Các bạn HS ở trung tâm thành phố và HS vùng khó khăn của huyện Hòa Vang – TP Đà Nẵng tặng quà cho nhau trong chương trình Ngày yêu thương do Sở GD&ĐT Đà Nẵng phát động.
 Các bạn HS ở trung tâm thành phố và HS vùng khó khăn của huyện Hòa Vang – TP Đà Nẵng tặng quà cho nhau trong chương trình Ngày yêu thương do Sở GD&ĐT Đà Nẵng phát động. 

Xây dựng thế “chân kiềng”

Trường Tiểu học Hồng Trị thuộc xã vùng 3 của huyện vùng cao biên giới Bảo Lạc (Cao Bằng) với 33,6% HS người dân tộc Lô Lô, một trong các dân tộc thiểu số rất ít người. Có nhiều HS nhà cách trường từ 4 - 5 km; đường đến trường còn nhiều khó khăn nhưng HS vẫn đi học đều đặn và đúng giờ. Tuy nhiên, nhiều HS, đặc biệt là các em HS dân tộc Mông, Dao, Lô Lô học tại các điểm trường còn nhút nhát, rụt rè. Do phong tục tập quán của địa phương nên mồng 1 hoặc ngày rằm phụ huynh không cho các em đến trường. Ngày mùa, một số gia đình cho các em nghỉ học để phụ giúp cha mẹ; nhóm HS dân tộc Mông, Lô Lô thường xuyên nghỉ học không có lý do hoặc giữa buổi rủ bạn trốn đi chơi.

Để khắc phục tình trạng trên, ban giám hiệu nhà trường đã phối hợp chủ tịch Hội phụ nữ xã, bí thư Đoàn thanh niên, tổng phụ trách Đội, các cô giáo phụ trách các phân trường giao tiếp bằng tiếng dân tộc, am hiểu phong tục tập quán của địa phương cùng với bí thư chi bộ, trưởng xóm trực tiếp gặp gỡ, trò chuyện, thông qua các buổi họp xóm, ngày đại đoàn kết toàn dân tộc để giải thích cho người dân hiểu và làm thay đổi nhận thức, thuyết phục người dân cho con em đi học đầy đủ, quan tâm đến việc rèn nề nếp, ý thức của con em khi ở nhà, cùng có trách nhiệm và tạo mọi điều kiện tốt nhất để các em đến trường.

Kiên trì trong nhiều năm học, các thầy cô giáo Trường Tiểu học Hồng Trị đã làm tốt công tác phối hợp với gia đình rèn đạo đức, lối sống cho HS trong công tác bán trú. Đại diện Trường Tiểu học Hồng Trị cho biết: “Trong các bữa ăn trưa tại trường, các em được hướng dẫn biết cách cùng thầy cô chia cơm, chia thức ăn cho các bạn, trước khi ăn cơm biết mời thầy cô, mời bạn, ngồi ăn ngay ngắn, biết dọn dẹp bát đũa, sắp xếp bàn ghế thành hàng; không gây ồn ào trong giờ ngủ, gấp chăn màn gọn gàng sau khi ngủ dậy…

Nhóm nghiên cứu của PGS.TS Nguyễn Văn Biên và TS Nguyễn Thị Ngọc Liên cho rằng, mô hình gia đình – nhà trường – xã hội trong giáo dục đạo đức, lối sống cho HS là một mô hình động nhằm xây dựng môi trường thân thiện tạo lập mối quan hệ an toàn cho các bên: Gia đình, các thành viên nhà trường, xã hội khi tham gia vào mối quan hệ phối hợp trong giáo dục HS. Để mô hình này thành công, phải xây dựng những nguyên tắc bắt buộc các bên phải nhất quán tuân theo như sự tôn trọng; xây dựng các nguyên tắc công khai hóa - hướng dẫn thực hiện – giám sát, đánh giá… để đảm bảo sự thống nhất, nghiêm minh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh hào hứng dưới sự chỉ dẫn của nghệ nhân.

Truyền dạy văn hoá Hrê trong trường học

GD&TĐ - Tại huyện miền núi Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) nhiều lớp dạy cồng chiêng, múa hát dân ca,… được tổ chức để truyền dạy cho thế hệ con em người Hrê.