Người dân quan tâm chuẩn chức danh nghề nghiệp, kịch bản thi tốt nghiệp THPT

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT đồng tình với đề xuất của Bộ nội vụ về cắt giảm chứng chỉ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên; kịch bản thi tốt nghiệp THPT 2021,… là những thông tin GD thu hút sự quan tâm nhất trong tuần qua.

Ảnh minh hoạ. (nguồn: Internet)
Ảnh minh hoạ. (nguồn: Internet)

Cắt giảm chứng chỉ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên

Tuần qua, một trong những thông tin giáo dục thu hút sự quan tâm lớn nhất của dư luận nói chung, giáo giới nói riêng là Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã ký văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát chứng chỉ bồi dưỡng đối với công chức, viên chức; trong đó có liên quan đến đội ngũ nhà giáo.

“Dự kiến trong thời gian tới, lãnh đạo Bộ GD&ĐT sẽ có cuộc làm việc trực tiếp với Bộ Nội vụ về một số vấn đề liên quan đến chính sách tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức, viên chức ngành Giáo dục, trong đó sẽ trao đổi cụ thể hơn về các nội dung đề xuất nêu trên của Bộ Nội vụ để tiếp tục khẳng định sự đồng thuận từ phía Bộ GD&ĐT” - ông Đặng Văn Bình.

Trao đổi với báo Giáo dục và Thời đại, ông Đặng Văn Bình – Phó Cục trưởng phụ trách Cục Nhà Giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết: Bộ GD&ĐT đánh giá cao sự vào cuộc kịp thời của Bộ Nội vụ trong tổng hợp, đề xuất tham mưu với Chính phủ để cùng các Bộ, ngành giải quyết những tồn đọng, vướng mắc đối với công tác bồi dưỡng công chức, viên chức.

Ông Đặng Văn Bình nhấn mạnh, đề xuất hiện nay của Bộ Nội vụ trong báo cáo Thủ tướng Chính phủ, không phải sẽ bỏ hết quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên, giảng viên mà là điều chỉnh giảm số lượng chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên, giảng viên.

Với định hướng như vậy, nếu Thủ tướng Chính phủ đồng ý với đề xuất của Bộ Nội vụ thì Bộ GD&ĐT sẽ sớm triển khai việc sửa đổi các các quy định tại chùm Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên, giảng viên cũng như các quy định về thi/xét thăng hạng và chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.

Ảnh minh hoạ. (nguồn: Internet)
Ảnh minh hoạ. (nguồn: Internet)

Thủ tướng phê duyệt chương trình hỗ trợ trẻ em trên không gian mạng

100% trẻ em là nạn nhân bị xâm hại trên môi trường mạng được hỗ trợ, can thiệp theo tinh thần Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký quyết định phê duyệt chương trình bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025.

Chương trình bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025 hướng tới mục tiêu chung là bảo vệ thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em khi tiếp cận thông tin, tham gia hoạt động trên môi trường mạng, đồng thời ngăn chặn, xử lý hành vi lợi dụng môi trường mạng để xâm hại trẻ em, theo Quyết định số 830/QĐ-TTg do Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký vào ngày 1/6.

Trong giai đoạn 2021-2025, chương trình đặt mục tiêu 100% trường tiểu học, THCS, THPT và các cơ sở bảo vệ, nuôi dưỡng trẻ em định kỳ tổ chức chương trình tuyên truyền, giáo dục kiến thức, kỹ năng cần thiết cho trẻ em để tham gia môi trường mạng an toàn.

Bên cạnh đó, 100% trẻ em là nạn nhân bị xâm hại trên môi trường mạng được hỗ trợ, can thiệp khi có yêu cầu từ bản thân trẻ em hoặc từ người thân, cộng đồng xã hội. Chương trình phấn đấu đạt mục tiêu 100% tổ chức, cá nhân khi bị tố giác, phát hiện vi phạm quy định pháp luật đối với trẻ em trên môi trường mạng bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, chương trình yêu cầu các trang web tên miền quốc gia “.vn”, các trang web có địa chỉ IP tại Việt Nam phải tự thực hiện phân loại nội dung phù hợp lứa tuổi và tự triển khai giải pháp để bảo vệ trẻ em.

Chương trình cũng đưa ra những giải pháp cụ thể. Đây là lần đầu tiên Việt Nam ban hành một chương trình cấp quốc gia về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Ảnh minh hoạ. (nguồn: Internet)
Ảnh minh hoạ. (nguồn: Internet)

Kịch bản thi tốt nghiệp Trung học phổ thông 2021

Trao đổi tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2021, diễn ra chiều 3/6, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn thông tin: Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có phương án để những thí sinh vùng giãn cách xã hội và những thí sinh thuộc diện cách ly thi tốt nghiệp Trung học phổ thông vào đợt 2.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, Kỳ thi không chỉ có ý nghĩa để xét tốt nghiệp THPT cho học sinh lớp 12, mà còn là căn cứ để đánh giá, cải tiến nội dung, phương pháp dạy học trong các trường phổ thông; từ đó cải tiến chất lượng dạy – học.

Mặt khác, kết quả của kỳ thi cũng là căn cứ để thí sinh xét tuyển đại học. Năm nay có hơn 1 triệu thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT, trong đó có 3/4 thí sinh lấy kết quả để xét tuyển đại học. Qua đó cho thấy, kỳ thi có ý nghĩa quan trọng và bảo đảm độ tin cậy để thí sinh và các cơ sở giáo dục đại học xét tuyển.

Nhắc lại Kỳ thi tốt nghiệp THPT đã được quy định trong Luật Giáo dục 2019, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo và sẽ phối hợp với các địa phương, cùng với đó là sự hỗ trợ của các bộ ngành khác để tổ chức tốt kỳ thi năm nay.

Hiện Kỳ thi đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, nhằm tổ chức đúng kế hoạch, bảo đảm an toàn cho thí sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia phục vụ kỳ thi.

Theo kế hoạch, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 sẽ được tổ chức vào ngày 7 và 8/7. Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị đã diễn ra đúng tiến độ. Trong trường hợp dịch vẫn diễn biến phức tạp, vẫn còn những địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có phương án để những thí sinh thuộc vùng giãn cách xã hội và những thí sinh thuộc diện cách ly thi vào đợt 2.

Trong trường hợp dịch có diễn biến xấu, lan rộng ra nhiều địa phương, Bộ sẽ báo Chính phủ để có điều chỉnh phù hợp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ