Đề xuất hệ thống giải pháp thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT

GD&TĐ - Sáng 29/1, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc, Hội đồng khoa học tư vấn đánh giá, nghiệm thu cấp Nhà nước đã họp đánh giá kết quả thực hiện Đề tài cấp Nhà nước mã số KHGD/16-20.ĐT.005.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại buổi họp.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại buổi họp.

Đề tài mã số KHGD/16-20.ĐT.005 “Cơ sở khoa học cho việc đề xuất hệ thống giải pháp thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết 29/NQ-TW và Nghị quyết số 44-NQ/CP” được giao cho ĐH Quốc gia Hà Nội chủ trì thực hiện; PGS.TS Nguyễn Kim Sơn làm chủ nhiệm. Thời gian thực hiện 36 tháng (từ tháng 10/2017 đến tháng 10/2020).

Tại cuộc họp, các ý kiến ghi nhận và đánh giá cao kết quả nghiên cứu đề tài bởi tính thực tiễn và ứng dụng cao. Đề tài có giá trị khoa học với những đề xuất về hệ thống giải pháp để thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Các sản phẩm của đề tài đều đạt và hoàn thành tiến độ đề ra. Nhiều ý kiến đánh giá đề tài đạt kết quả xuất sắc...

Đại diện nhóm nghiên cứu thuyết minh đề tài
Đại diện nhóm nghiên cứu thuyết minh đề tài

Đề tài đã hoàn thành các nội dung nghiên cứu theo đăng ký tại Thuyết minh đã được phê duyệt. Kết quả nghiên cứu của Đề tài đã được công bố qua 6 bài báo trên các tạp chí và hội thảo trong nước; 1 bản thảo sách chuyên khảo; Đào tạo thành công 1 thạc sĩ, chuyên ngành Quản lý giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Đề tài có những đóng góp về khoa học như: Nghiên cứu tổng kết những kết quả nghiên cứu về chính sách, chiến lược phát triển giáo dục của các nước trên thế giới và Việt Nam; tìm hiểu xu thế đổi mới giáo dục trên thế giới từ đó rút ra các bài học kinh nghiệm cho Việt Nam. Khảo cứu, khái quát những thành tựu quan trọng trong công cuộc cải cách giáo dục qua các thời kỳ ở nước ta; khẳng định vai trò của công cuộc đổi mới giáo dục đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia.

Đề tài đã đóng góp những cơ sở khoa học cho: Kết luận 51-KL/TW ngày 30/5/2019 của Ban Bí Thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Văn bản góp ý Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học; Văn bản trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.

Trên cơ sở phân tích những yêu cầu của sự nghiệp xây dựng đất nước và vai trò của giáo dục đối với sự phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ mới, từ đó nhóm nghiên cứu đề tài đã luận giải về sự cần thiết, tính cấp bách, ý nghĩa lý luận và thực tiễn của việc nghiên cứu cơ sở khoa học cho việc đề xuất hệ thống giải pháp thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW và Nghị quyết số 44-NQ/CP.

Đóng góp thực tiễn của đề tài là đã nghiên cứu xây dựng khung phân tích bộ tiêu chí đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW và Nghị quyết số 44-NQ/CP: Xây dựng được khung tiêu chuẩn tiêu chí đánh giá được trình bày dưới hình thức một ma trận với 9 nội dung tương ứng với 9 nhiệm vụ, giải pháp, mỗi nhiệm vụ được cụ thể hóa. Xây dựng chỉ báo và minh chứng của tiêu chí đánh giá mức độ đạt mục tiêu và triển khai 9 nhiệm vụ theo Nghị quyết số 29-NQ/TW và Nghị quyết số 44-NQ/CP.

Xây dựng chỉ báo và minh chứng của tiêu chí đánh giá mức độ đạt mục tiêu và triển khai 9 nhiệm vụ theo Nghị quyết số 29-NQ/TW và Nghị quyết số 44-NQ/CP: Nhóm nghiên cứu đã xây dựng phiếu khảo sát, và tiến hành khảo sát tại 12 địa phương ở cả ba khu vực phía Bắc, Trung, Nam.

Đồng thời phân tích, đánh giá kết quả khảo sát tình hình thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW và Nghị quyết số 44-NQ/CP trên các khía cạnh: Đánh giá tình hình ban hành văn bản thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW và Nghị quyết số 44-NQ/CP; đánh giá các yếu tố tác động đến triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW và Nghị quyết số 44-NQ/CP.

Thành viên Hội đồng góp ý cho đề tài
Thành viên Hội đồng góp ý cho đề tài

Đề tài cũng đưa ra các đề xuất, khuyến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương phối hợp với ngành Giáo dục triển khai Nghị quyết số 29-NQ/TW và Nghị quyết số 44-NQ/CP, cụ thể như sau:

Nâng cao nhận thức của các nhà hoạch định chính sách, các nhà khoa giáo dục trong xây dựng cơ chế chính sách dành cho giáo dục nhằm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Kết quả nghiên cứu của đề tài giúp các cơ quan của Đảng, Nhà nước nhận diện được bức tranh tổng thể về thực trạng thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW và Nghị quyết số 44-NQ/CP trong 5 năm qua, từ đó các cơ quan quản lý, cơ quan thực hiện có căn cứ xây dựng kế hoạch thực hiện triển khai quá trình đổi mới giáo dục và đào tạo đúng hướng, phù hợp với thực tiễn của xã hội và của ngành Giáo dục.

Hệ thống giải pháp của đề tài là căn cứ để các cơ quan Trung ương, địa phương đề xuất, xây dựng các chính sách thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 29-NQ/TW và Nghị quyết số 44-NQ/CP.

Phát biểu kết luận tại cuộc họp, bên cạnh việc ghi nhận kết quả, giá trị lý luận và thực tiễn của đề tài, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đề nghị, nhóm nghiên cứu cần nghiêm túc tiếp thu các ý kiến góp ý của thành viên Hội đồng. Đồng thời, bổ sung cập nhật thông tin, dữ liệu mới nhằm bảo đảm phù hợp với thực tiễn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ